Nguy cơ bùng phát nợ xấu

Các ngân hàng nỗ lực tìm cách đưa vốn ra nền kinh tế, tin tưởng về tăng trưởng tín dụng. Song chính các ngân hàng cũng đang lo lắng về nợ xấu.

Rao bán nợ nhiều

Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô vừa thông báo bán khoản nợ của Công ty CP Hằng Hà, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.

Tổng dư nợ tính đến hết ngày 31/10/2024 là hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 433,7 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là gần 296,4 tỷ đồng, theo 2 hợp đồng cấp tín dụng lần lượt là gần 528,75 tỷ đồng nợ gốc ký năm 2014 và 5 tỷ đồng nợ gốc ký năm 2017.

Nhiều ngân hàng phải tìm cách xử lý nợ xấu. Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Nhiều ngân hàng phải tìm cách xử lý nợ xấu. Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Một trong các tài sản thế chấp cho khoản vay nêu trên là toàn bộ tài sản hình thành từ dự án Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang tại địa chỉ phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội).

Tài sản bảo đảm cho hai khoản vay nói trên là các công trình cùng với các nâng cấp và bất động sản khác được gắn liền hay tọa lạc vĩnh viễn tại các công trình trong thời điểm hiện tại và tương lai, các công trình xây dựng và bất động sản khác được xây dựng/hoặc mua sắm trong phạm vi khu đất tại địa chỉ phường Đức Giang theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cấp ngày 5/12/2017.

Bên cạnh đó, VietinBank chi nhánh Vĩnh Long thông báo về việc bán tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam. Tài sản chào bán là quyền sử dụng đất, tổng diện tích 439,6 m2 tại phường Trường Thạnh, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đất ở đô thị là 393,2m2, đất màu 46,4m2.

Theo phản ánh của các ngân hàng, từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực và nhiều quy định về xử lý nợ xấu không được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024 khiến việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn, gần 200.000 tỷ đồng là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu tồn đọng, thậm chí con số thực tế còn lớn hơn.

Báo cáo từ MB, tổng quy mô tài sản bảo đảm liên quan đến nợ xấu thuộc phạm vi Nghị quyết 42 trước đây lên tới 8.900 tỷ đồng (tính đến tháng 3/2024). Khi nghị quyết này hết hiệu lực, ngân hàng không còn cơ chế thu giữ tài sản trực tiếp, khiến thời gian thu hồi nợ tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí xử lý nợ tăng 2% do phải áp dụng thêm các biện pháp kiện tụng, thi hành án. Số vụ kiện nợ xấu tăng vọt, riêng trong năm 2024, MB đã nộp 960 đơn kiện, gấp 2,8 lần so với năm 2022.

Đại diện TPBank cho biết: Trước đây, nhờ Nghị quyết 42, ngân hàng có thể thu giữ tài sản trong vòng vài tháng. Hiện nay, mọi thủ tục phải qua tòa án, kéo dài nhiều tháng, thậm chí hơn một năm.

Thống kê của FiinRatings cũng cho thấy, từ năm 2022 đến 3 quý đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng cho vay trong ngành ngân hàng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng nợ xấu (bao gồm cả nợ nhóm 3-5 và nợ xấu chuyển giao cho VAMC - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam).

FiinRatings dự báo trong năm 2025, các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng tư nhân lớn có tỷ lệ nợ và nợ có vấn đề, cũng như tỷ lệ nợ cơ cấu theo Thông tư 02 cao hơn mức trung bình ngành, sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản.

Báo cáo từ Chứng khoán Vietcombank chỉ rõ, dù nợ xấu toàn ngành ngân hàng có xu hướng giảm trong quý IV/2024 nhưng rủi ro chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn. Nếu thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn trong năm 2025, nguy cơ nợ xấu tái bùng phát vẫn rất lớn.

Tăng quyền cho ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước, để kiểm soát rủi ro, các ngân hàng sẽ phải tăng cường thẩm định tín dụng, nâng cao tỷ lệ trích lập dự phòng, đồng thời áp dụng các biện pháp thu hồi nợ hiệu quả hơn. Điều này nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng duy trì sự ổn định trước áp lực tài chính ngày càng lớn.

Ngân hàng Nhà nước công bố lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2014/QH14 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, NHNN đề nghị tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42, gồm các quy định về: quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ); quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; và quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Đối với việc luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ, NHNN cho rằng điều này nhằm xử lý vướng mắc của các TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ trong quá trình xử lý TSBĐ, xử lý nợ xấu, nhằm đảm bảo cân bằng giữa quyền của chủ nợ và các quyền lợi hợp pháp của bên bảo đảm.

Xử lý các vướng mắc này phát sinh từ trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản, tổ chức mua bán, xử lý nợ, TCTD phải khởi kiện và chờ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Đồng thời, pháp luật mới chỉ ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc người đang giữ tài sản không giao tài sản để bên nhận bảo đảm xử lý TSBĐ mà không quy định trực tiếp quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-bung-phat-no-xau-10302595.html