Nguy cơ cuộc chiến Israel- Hamas lan rộng, ngoại giao bế tắc
Israel có kế hoạch tăng cường các cuộc không kích để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Gaza diễn ra ở Ai Cập đem lại sự thất vọng lớn
Xe cứu trợ đã vào được Gaza
Những chiếc xe tải chở hàng viện trợ đầu tiên hôm qua đã vào Dải Gaza. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo, cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình hình nhân đạo “thảm khốc” ở vùng đất 2 triệu dân này. Sau 2 tuần bùng phát, xung đột giữa Israel và Hamas vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và thậm chí có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, mọi nỗ lực quốc tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng tới nay đều không đạt kết quả.
Theo chính quyền Ai Cập, 13 xe tải chở thuốc và vật tư y tế, cùng 5 xe chở thực phẩm và 2 xe tải chở nước đã được phép đi qua cửa khẩu Rafah, lần đầu tiên kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát hôm 7/10. Những nguồn cung cấp này là rất cần thiết để ngăn chặn tình hình nhân đạo ngày càng xuống cấp ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo cho biết, đây chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của 2,2 triệu người sống chen chúc ở dải đất vẻn vẹn chưa đến 400km vuông này.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Ai Cập Jeremy Hopkins cho biết: “Chúng tôi đã có thể đưa hai xe tải chở nước uống, tương đương khoảng 40.000 lít nước vào Dải Gaza. Tuy nhiên, đây như một giọt nước trong đại dương và chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của khoảng 27.000 người trong một ngày. Điều này càng cho thấy sự cấp thiết phải có một hành lang nhân đạo bền vững cho các nguồn cung cấp thiết yếu. Và tất nhiên chúng tôi hi vọng sẽ có thêm các cửa khẩu được mở để các vật tư cần thiết có thể vào được Dải Gaza.”
Chiến sự có nguy cơ lan rộng
Sau 2 tuần bùng phát, xung đột giữa Israel và Hamas vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và con số thương vong tiếp tục tăng với cả hai bên.
Israel tuần này đã tăng cường bộ binh và trang thiết bị quân sự tới các khu vực giáp ranh với Dải Gaza.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp Nội các ngày hôm qua, Người phát ngôn Quân đội Ixraen, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết, nước này có kế hoạch tăng cường các cuộc không kích để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. Ông đồng thời nhắc lại lời kêu gọi người dân ở Dải Gaza sơ tán đến khu vực phía Nam.
"Vì sự an toàn của các bạn, hãy di chuyển về phía nam, chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công vào khu vực Gada và gia tăng các cuộc tấn công. Hàng viện trợ nhân đạo đã được chuyển đến từ Ai Cập, chúng tôi đang giám sát hoạt động này để đảm bảo rằng nước, thuốc và nước được phân phối tới khu vực như mục tiêu đã đề ra.” - ông Hagari nói.
Cuộc xung đột cũng có nguy cơ lan rộng sang các mặt trận khác khi phong trào vũ trang Hezbollah tại Lebanon tuyên bố đã ở ‘trung tâm của trận chiến”, đồng thời cảnh báo Israel sẽ phải trả giá đắt nếu tiến hành tấn công trên bộ ở Dải Gaza.
Cũng trong tuần này, các nhóm tay súng đã tiến hành loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các đơn vị đồn trú của Mỹ ở Syria và Iraq, trong khi các tay súng Huthi ở Yemen đã tiến hành ba cuộc tấn công tên lửa hành trình nhắm tới Israel.
Bế tắc ngoại giao
Tại thủ đô Cairo, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ai Cập khởi xướng nhằm giảm leo thang tình hình ở Gaza và bảo vệ dân thường ở vùng đất này.
Tuy nhiên hội nghị đã vắng bóng những nước then chốt như Israel, Mỹ hay Iran và đã không thể đạt được thỏa thuận về cách ngăn chặn bạo lực giữa Israel và Hamas.
Nhà vua Abdullah II của Jordan đã chỉ trích điều mà ông gọi là “sự im lặng toàn cầu” về các vụ bạo lực đã khiến hàng nghìn người ở Gada thiệt mạng và hơn 1 triệu người bị mất nhà cửa, đồng thời hối thúc một cách tiếp cận công bằng đối với cuộc xung đột Israel- Palestine. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh:
"Chúng ta hãy nói rõ ràng với nhau. Những bất bình của người dân Palestine là chính đáng và lâu dài. Chúng ta không thể và không được phép bỏ qua bối cảnh rộng lớn hơn của những sự kiện bi thảm này, cuộc xung đột lâu dài và 56 năm chiếm đóng không có hồi kết. Nhưng không gì có thể biện minh cho cuộc tấn công của Hamas nhằm dân thường Israel. Và những cuộc tấn công đó cũng không bao giờ có thể biện minh cho sự trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine.”
Mỗi ngày trôi qua, con số thương vong ở Dải Gaza ngày một tăng. Khu vực vốn đã phải chịu sự phong tỏa và bao vây trong suốt 17 năm, càng trở nên cô lập hơn sau khi xung đột Israel và Hamas.nổ ra. Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 1,4 triệu người, tương đương 60% số người dân tại Dải Gaza đã phải di dời chỉ trong 2 tuần qua.