Nguy cơ đáng kể khi nhiều người mắc Covid-19 lại 'âm tính giả'

Khi xét nghiệm Covid-19 được đẩy mạnh, trên diện rộng ở nhiều nước, giới khoa học nêu lo ngại mới: tỷ lệ đáng kể người xét nghiệm âm tính dù thực ra có nhiễm virus (âm tính giả).

Điều này có thể ảnh hưởng xấu tới cuộc chiến chống dịch, giữa lúc các lệnh phong tỏa có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, và nhiều chính phủ, nhất là ở châu Âu đã tính đến việc mở cửa lại nền kinh tế.

 Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Jersey City, bang New Jersey, ngày 10/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Jersey City, bang New Jersey, ngày 10/4. Ảnh: AFP.

Độ nhạy xét nghiệm chỉ khoảng 60-70%

Đa số xét nghiệm hiện nay dựa vào công nghệ PCR, nhằm phát hiện các “mẩu” vật chất di truyền của virus corona trong mẫu chất dịch hô hấp của bệnh nhân.

“Nhưng có nhiều điều có thể ảnh hưởng tới khả năng xét nghiệm phát hiện ra virus”, Priya Sampathkumar, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở phòng khám Mayo Clinic, bang Minnesota, Mỹ, nói với AFP.

“Phụ thuộc vào lượng virus của người đó là bao nhiêu... mẫu bệnh phẩm được thu thập thế nào, và liệu có được tiến hành đúng cách bởi người thu thập hay không, và mất bao nhiêu thời gian vận chuyển”, bà nói.

Virus corona chủng mới lây lan trên người được bốn tháng, vì vậy các nghiên cứu về độ chính xác của xét nghiệm được coi là bước đầu. Các nghiên cứu ban đầu từ Trung Quốc cho thấy “độ nhạy” của xét nghiệm, tức khả năng cho đúng kết quả dương tính đối với người có virus, là khoảng 60-70%.

Ngoài ra, nhiều công ty trên thế giới tạo ra các xét nghiệm đôi chút khác nhau, nên khó có thể nói độ nhạy chung của xét nghiệm Covid-19.

Việc tăng độ chính xác lên 90% là có thể. Nhưng khi số người xét nghiệm là rất lớn, độ chính xác như vậy vẫn đồng nghĩa với nguy cơ đáng kể, chuyên gia Sampathkumar lập luận trong một bài viết.

“Ở California, ước tính tỷ lệ nhiễm Covid-19 có thể vượt quá 50% vào giữa tháng 5/2020”, bà nói. Với dân số 40 triệu, “ngay cả khi chỉ 1% dân số được xét nghiệm, có thể sẽ có 20.000 kết quả âm tính sai”.

Vì vậy, điều quan trọng là các bác sĩ cần chẩn đoán dựa vào không chỉ xét nghiệm, mà còn phải xem các triệu chứng của bệnh nhân, lịch sử tiếp xúc, hình chụp và các xét nghiệm khác.

 Nhân viên tang lễ đang đưa thi thể người mắc Covid-19 vào bên trong, ở Quezon, Philippines trong tuần qua. Ảnh: New York Times.

Nhân viên tang lễ đang đưa thi thể người mắc Covid-19 vào bên trong, ở Quezon, Philippines trong tuần qua. Ảnh: New York Times.

Thời điểm xét nghiệm

Một phần của vấn đề nằm ở việc xác định xem nơi nào trong cơ thể có lượng virus lớn nhất.

Xét nghiệm chất dịch mũi lấy mẫu từ vòm họng, nơi phần cuối của mũi chạm phần trên của cổ họng. Lấy mẫu ở đây đòi hỏi tập huấn kỹ, và nếu thao tác không đúng dẫn đến một số mẫu cho kết quả âm tính sai.

Ngay cả khi tiến hành đúng cách, mẫu chất dịch có thể vẫn cho kết quả âm tính sai. Đó là vì khi bệnh tình diễn biến, virus đi từ phần trên xuống phần dưới của hệ hô hấp.

Trong những trường hợp đó, bệnh nhân có thể được yêu cầu ho ra đờm - chất dịch nhày từ phần dưới đường hô hấp - hoặc bác sĩ sẽ phải lấy mẫu một cách xâm nhập hơn vào cơ thể, sau khi bệnh nhân được gây mê.

Daniel Brenner, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Đại học John Hopkins ở Baltimore, nói về cách xét nghiệm cần đến kỹ thuật rửa phế quản phế nang (bronchoalveolar lavage).

Theo đó, một bệnh nhân có kết quả âm tính ba lần với chất dịch mũi, nhưng vẫn có toàn bộ triệu chứng của Covid-19. Cuối cùng, các bác sĩ đưa camera qua khí quản để kiểm tra phổi, rồi bơm chất lỏng vào và hút ra các chất dịch. Xét nghiệm chất dịch này lại cho kết quả dương tính.

 Một điểm xét nghiệm ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một điểm xét nghiệm ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Không có xét nghiệm hoàn hảo

Sự sai sót trong chẩn đoán lâm sàng không phải là điều mới, và các bác sĩ hiểu rằng không có loại xét nghiệm nào, cho loại bệnh nào, là hoàn hảo.

Sau khi chậm trễ trong xét nghiệm diện rộng, Mỹ đã đẩy nhanh sản xuất bộ xét nghiệm và đã xét nghiệm gần 2,5 triệu người.

Nhưng “nỗi lo thật sự ở đây là những người có kết quả âm tính kết luận rằng mình đã an toàn, đi lại bình thường trong cuộc sống thường ngày và lây nhiễm cho người khác”, bác sĩ Brenner nói.

Giới khoa học đang kỳ vọng vào xét nghiệm huyết thanh, tức tìm kiếm các kháng thể mà cơ thể sinh ra khi phản ứng với virus. Nhờ vậy có thể biết liệu một người đã từng nhiễm bệnh chưa, ngay cả khi họ đã hồi phục được lâu.

Cần một giọt máu, xét nghiệm này sẽ tìm kháng thể đối với virus, và nếu có kháng thể tức người đó đã từng có Covid-19 và có thể có khả năng miễn dịch.

Có hai loại kháng thể liên quan tới phản ứng miễn dịch đối với Covid-19: IgM, có thể được tạo ra trong giai đoạn đầu của phản ứng, và IgG, tạo ra sau đó, trong quá trình viêm.

Xét nghiệm huyết thanh, cũng có thể giúp chẩn đoán những người đã nhiễm bệnh mà xét nghiệm PCR lại cho kết quả âm tính sai. (Nếu vậy, cần phải đợi khoảng một tuần để có phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể).

“Chúng tôi khá hào hứng về xét nghiệm huyết thanh, nhưng chúng tôi không biết nó có độ chính xác tốt thế nào và mới chỉ bắt đầu nghiên cứu nó”, chuyên gia Sampathkumar của phòng khám Mayo Clinic, bang Minnesota, nói.

WHO đánh giá cao việc chống dịch Covid-19 của Việt Nam Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-dang-ke-khi-nhieu-nguoi-mac-covid-19-lai-am-tinh-gia-post1071616.html