Nguy cơ giá điện tăng khi EVN lỗ liên tục
Các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí LNG... đang gây áp lực tăng giá điện. Lãnh đạo EVN đề xuất có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông tin sơ bộ về tình hình sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm với kết quả không mấy khả quan khi ghi nhận mức lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Sau 5 năm, 2022 là năm đầu tiên EVN ghi nhận mức lợi nhuận thua lỗ liên tục.
"Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay của tập đoàn có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng", EVN cho biết.
Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện, nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện.
Giữ giá, ngành điện khó bù lỗ
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Song, theo báo cáo của EVN, giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, khí LNG... đều tăng vọt từ đầu năm làm tăng chi phí mua điện.
Hai tổng công ty điện lực miền Bắc và điện lực miền Nam trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều ghi nhận mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết giá mua điện thị trường dự kiến tăng khoảng 39% so với giá bán điện bình quân của đơn vị. Do đó, nếu vẫn giữ giá bán điện theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, ngành điện khó bù đắp khoản chi phí lỗ.
Tương tự, ông Phan Tử Lượng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng cho biết giá nhiên liệu đầu vào như than, khí … vẫn không ngừng tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày, số lỗ của tổng công ty tiếp tục tăng, nên chưa ước được con số lỗ của năm nay.
"Hiện, giá bán điện bình quân ước cả năm của tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của đơn vị là 2.500 đồng/kWh", ông cho biết.
Ông Phan Tử Lượng cho rằng nếu kết quả kinh doanh thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của tổng công ty, cụ thể sẽ khó đảm bảo tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác...
"Đặc biệt, ảnh hưởng tới công tác thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng của doanh nghiệp năm 2023 và các năm tiếp theo; ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện", ông nói.
Để Tổng công ty điện lực miền Bắc nói riêng và ngành điện nói chung, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ông Lượng cho rằng Chính phủ, các bộ ngành cần xem xét đến các yếu tố khách quan, để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.
Thống kê của Global Petrol Prices cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với các quốc gia trong khu vực, ở mức 1.876 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ cao hơn Lào, Malaysia và thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore.
Có nên tăng giá điện?
Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm nay và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.
Dù cố gắng giảm chi phí nhưng EVN cho rằng vẫn không thể bù đắp chi phí mua điện đầu vào quá lớn. Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn này dự kiến không chỉ gặp khó khăn trong năm nay mà còn ở các năm tiếp theo.
Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét đến các yếu tố khách quan, để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.
Ông Phan Tử Lượng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC)
Theo đó, tập đoàn này cho biết đơn vị có thể gặp khó do không cân đối được dòng tiền thanh toán chi phí mua điện cho đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của nhà máy điện, đồng thời tác động đến việc cung cấp điện.
Ngoài ra, thời gian qua, chi phí sửa chữa của "nhà đèn" cũng bị cắt giảm theo định mức 10-30%. Nếu tiếp tục cắt giảm, công tác an toàn trong vận hành hệ thống điện các năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng lớn.
"Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao", EVN cho biết.
Thực tế áp lực tăng giá điện đối với người tiêu dùng không chỉ đến từ khoản chi phí trực tiếp dành cho sử dụng điện sinh hoạt mà hàng loạt dịch vụ, hàng hóa khác sẽ có lý do để tăng theo.
Trao đổi với Zing, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng giá điện hiện nay là nhu cầu tương đối cấp bách đối với tình hình của EVN. "Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Song, đây cũng là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng vì tăng giá điện lúc này là vấn đề rất nhạy cảm", ông nhìn nhận.
Bởi theo vị chuyên gia này, hiện nay, lạm phát đang có xu hướng tăng cao; nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do chi phí tăng cao trong khi đơn hàng bị cắt giảm mạnh. Do đó, bài toán tăng giá điện trong bối cảnh này là bài toán khó giải.
"Để phù hợp với tình hình chung, nếu phải tăng giá điện thì EVN và cơ quan chức năng cần cân nhắc mức độ tăng vừa phải. Đồng thời nên xem xét giãn thời gian tăng giá ra so với các yêu cầu khác, có thể sau dịp Tết Nguyên đán, khi sản xuất bắt đầu đi vào ổn định...", TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Theo ông Thịnh, vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc về chi phí cấu thành giá điện, do đó doanh nghiệp cần phải công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-gia-dien-tang-khi-evn-lo-lien-tuc-post1380308.html