Nguy cơ gián đoạn mới trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Chỉ riêng Ukraine- quốc gia đang trong cuộc xung đột với Nga - đã cung cấp khoảng 50% khí neon trên thế giới, một sản phẩm phụ không thể thiếu trong sản xuất chip.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô ở Resende, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô ở Resende, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, xung đột Nga-Ukraine hiện có nguy cơ gây thêm áp lực đối với ngành công nghiệp sản xuất chip, do nguồn cung cấp khí hiếm quan trọng cho quá trình sản xuất bị siết chặt, làm tăng nguy cơ gián đoạn trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích về công nghiệp phụ trợ cho biết Ukraine cung cấp khoảng 50% khí neon trên thế giới, một sản phẩm phụ không thể thiếu trong sản xuất chip.

Các nhà sản xuất chip đã rất chật vật xử lý tình trạng thiếu linh kiện, giao hàng muộn và chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Điều này kéo theo các công ty phụ thuộc vào chip, chẳng hạn như các nhà sản xuất ôtô, cũng phải đối mặt với sự chậm trễ trong sản xuất.

Nhiều công ty sản xuất của Mỹ, trong đó có Intel, cho rằng những hạn chế này sẽ kéo dài đến năm 2023.

Nhu cầu về nguyên liệu thô dự kiến sẽ tăng hơn 1/3 trong 4 năm tới, khi TSMC, tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), tăng công suất sản xuất.

Ông Tsuneo Date, Giám đốc điều hành Daito Medical Gas, một đại lý khí điều áp ở phía Bắc Tokyo (Nhật Bản) cho biết: “Chúng tôi đang gặp nhiều rắc rối khi không có khí hiếm để bán.”

Theo các công ty, họ có thể khai thác nguồn dự trữ, nhưng việc đổ xô tìm kiếm các nhà cung cấp ngoài khu vực Đông Âu đang gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá, không chỉ riêng khí neon mà còn cả các khí công nghiệp khác như xenon và krypton.

Ông Date cho biết 40% nguồn cung krypton toàn cầu đến từ Ukraine. Giá xăng, nhiên liệu được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn-đã tăng từ 1,73- 2,59 USD/lít lên gần 8,64 USD/lít vào cuối tháng Một vừa qua.

Ông đánh giá tình hình xung đột hiện nay khiến việc khan hiếm nên trầm trọng hơn và gần đây công ty đã buộc phải từ chối đơn đặt hàng từ các khách hàng mới.

Trong khi đó, ông Yoshiki Koizumi, Chủ tịch tạp chí Gas Review-cho biết “nguồn cung cấp khí neon, xenon và krypton chắc chắn đang ngày càng khó khăn hơn vì các nhà sản xuất chip và nhà kinh doanh đang đặt hàng nhiều hơn vì lo ngại rằng trong tương lai họ sẽ không thể nhận được nhiều như mong đợi.”

Chuyên gia phân tích chất bán dẫn Ke Kuang-han, thuộc công ty tư vấn Techcet, cho biết giá giao ngay hiện đã tăng vài lần so với thời điểm trước xung đột.

Giá khí neon được thỏa thuận thông qua các hợp đồng dài hạn cá nhân với các nhà chế biến và sản xuất chip và một số loại khí đốt cũng được giao dịch trên thị trường giao ngay.

Trong khi đó, ông Kim Young-woo, một nhà phân tích công nghệ tại SK Securities ở Seoul (Hàn Quốc), lại cho rằng trong khi các công ty Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix có thể tìm được chất thay thế cho một số loại khí, nhưng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung có thể sẽ xảy ra đối với khí krypton và neon.

Hỗn hợp khí neon được sử dụng để cung cấp năng lượng cho laser dùng trong sản xuất chip. Việc tìm kiếm nguồn cung cấp khí neon khác ngoài Ukraine hiện gặp nhiều khó khăn, do khí phải được tinh chế đến độ tinh khiết 99,99%, một quy trình phức tạp mà chỉ một số công ty trên thế giới có thể làm được, trong đó có một số công ty có trụ sở tại cảng Odessa của Ukraine.

Các công ty sản xuất chip của Nhật Bản như Renesas và Rohm cho biết đã tìm được nguồn cung cấp từ các thị trường khác như Trung Quốc.

Samsung và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, bày tỏ tin tưởng do có nhà máy ở Trung Quốc nên sẽ bớt khó khăn trong việc cung cấp khí cho công đoạn sản xuất chip tại đây.

Tuy nhiên, các công ty cảnh báo rằng ngành công nghiệp ôtô, vốn đòi hỏi số lượng lớn chip quản lý năng lượng, sẽ phải đối mặt một làn sóng thiếu linh kiện mới so với đợt gián đoạn nguồn cung trước đó do đại dịch COVID-19 gây ra.

Chuyên gia Akira Minamikawa, thuộc công ty nghiên cứu thị trường Omdia, nhận xét rằng tất cả các sản phẩm sử dụng chip sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì chỉ những chip tiên tiến nhất mới không yêu cầu sử dụng khí neon trong quá trình sản xuất./.

Nguyễn Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguy-co-gian-doan-moi-trong-chuoi-cung-ung-chip-toan-cau/776460.vnp