Nguy cơ khi dùng thuốc trị đái tháo đường trước phẫu thuật

Nhằm tránh nguy cơ nhiễm toan ceton đái tháo đường, vừa qua Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt việc thay đổi nhãn thuốc đối với các thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển glucose-sodium type 2 (SGLT-2 inhibitors). Trong đó, khuyến cáo về việc nên ngừng các thuốc này một khoảng thời gian nhất định trước khi thực hiện phẫu thuật.

Tác dụng của thuốc ức chế SGLT-2

Đái tháo đường là một bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như bệnh lý tim mạch, bệnh thận, bệnh võng mạc, nguy cơ nhiễm trùng bàn chân phải đoạn chi...

Những năm qua, có một sự đột phá lớn trong việc điều trị đái tháo đường, đó là sự ra đời của nhóm thuốc mới, là các thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển glucose - sodium type 2 (viết tắt là thuốc ức chế SGLT-2/SGLT-2 inhibitors). Nhóm thuốc này bao gồm các hoạt chất như canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin và ertugliflozin, với cơ chế tác dụng là ức chế sự tái hấp thu glucose ở ống thận, làm tăng thải glucose ra nước tiểu, do đó làm giảm đường huyết.

Bên cạnh tác dụng hạ đường huyết, nhóm thuốc này còn có những lợi ích khác, như giúp hạ huyết áp, giảm cân nặng và đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng cho thấy giúp giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện do suy tim, giảm tỷ lệ gặp các biến cố tim mạch chính và giảm nguy cơ tiến triển bệnh thận. Vì lẽ đó, nhóm thuốc này ngày càng được kê đơn phổ biến trong điều trị đái tháo đường, đồng thời cũng đã có mặt và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Đường huyết nên tiếp tục được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trước phẫu thuật.

Đường huyết nên tiếp tục được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trước phẫu thuật.

Lưu ý những tác dụng phụ

Tuy vậy, thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định, đáng chú ý trong đó là nhiễm trùng sinh dục và nhiễm toan ceton đái tháo đường.

Nhiễm toan ceton đái tháo đường là một biến chứng nặng thường gặp, với các đặc trưng là đường huyết tăng cao, tăng nồng độ ketone trong máu và tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton đái tháo đường là buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt mỏi và khó thở.

Năm 2015, FDA đã có những cảnh báo đầu tiên về nguy cơ nhiễm toan ceton do các thuốc ức chế SGLT-2, sau khi hệ thống cảnh giác dược ghi nhận 73 trường hợp nhiễm toan ceton ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2015.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm toan ceton ở bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 bao gồm: nhịn đói kéo dài hoặc giảm tiêu thụ calo, bệnh nhân có giảm liều insulin đang điều trị, bệnh nhân có bệnh toàn thân hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng. Các yếu tố nguy cơ này lại khá thường gặp ở bệnh nhân phẫu thuật, bởi vì bệnh nhân thường được yêu cầu nhịn đói ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật. Đồng thời, bệnh nhân phẫu thuật cũng thường có mắc kèm bệnh toàn thân hoặc có tình trạng nhiễm trùng, góp phần vào việc tiến triển của nhiễm toan ceton.

Ngừng thuốc trước phẫu thuật để tránh nguy cơ nhiễm toan ceton

Tần suất chính xác của nhiễm toan ceton ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế SGLT-2 trong phẫu thuật chưa được biết rõ, nhưng có nhiều báo cáo ca lâm sàng gặp phải trường hợp này trong thực tế. Tháng 6/2016, Hiệp hội Các nhà nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ (AACE) và Trường môn Nội tiết Hoa Kỳ (ACE) đã ra tuyên bố chung về mối liên quan giữa thuốc ức chế SGLT-2 và tình trạng nhiễm toan ceton, trong đó khuyến cáo nên ngừng thuốc này ít nhất 24 giờ trước phẫu thuật. Tháng 2/2018, Hiệp hội Đái tháo đường Australia (ADS) khuyến cáo nên ngừng các thuốc ức chế SGLT-2 ít nhất 3 ngày trước khi phẫu thuật (gồm 2 ngày trước phẫu thuật và ngày thực hiện phẫu thuật).

Sau khi đã xem xét các bằng chứng, ngày 19/3/2020, FDA Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt việc thay đổi nhãn thuốc của các biệt dược chứa hoạt chất thuộc nhóm thuốc ức chế SGLT-2 liên quan đến thời gian khuyến cáo ngừng thuốc trước phẫu thuật để hạn chế nguy cơ nhiễm toan ceton.

Tuy nhiên, mỗi loại thuốc có thời gian khuyến cáo khác nhau, đó là do có sự khác biệt về thời gian bán thải giữa các thuốc. Cụ thể, canagliflozin, dapagliflozin, và empagliflozin nên ngừng ít nhất 3 ngày, trong khi ertugliflozin nên ngừng ít nhất 4 ngày trước khi thực hiện phẫu thuật. Đường huyết nên tiếp tục được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trước phẫu thuật.

Do vậy, thầy thuốc cần nắm rõ đặc điểm của tình trạng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường có dùng thuốc ức chế SGLT-2 để kịp thời chẩn đoán và điều trị, luôn luôn khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của người bệnh trước khi lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật. Còn với người bệnh trước phẫu thuật, cần khai báo đầy đủ các thuốc đang dùng với bác sĩ. Có sự phối hợp như vậy sẽ giúp làm giảm rất nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng không mong muốn trong phẫu thuật.

DS. Phạm Công Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-khi-dung-thuoc-tri-dai-thao-duong-truoc-phau-thuat-n172329.html