Nguy cơ khủng hoảng nợ đe dọa kinh tế toàn cầu

Theo tờ Les Echos, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra những dự báo về nguy cơ thế giới khó có thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng hệ thống mới, cũng như một cuộc suy thoái sâu đối với nền kinh tế.

Khó có cuộc “hạ cánh” êm ả

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini là một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông là Giáo sư danh dự và là Giáo sư Kinh tế thuộc trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, đồng thời là Chủ tịch của Roubini Macro Associates LLC, đã đưa ra những nhận định và phân tích về nền kinh tế thế giới. Trước đó, vào năm 2021, ông đưa ra kịch bản lạm phát gia tăng sẽ dai dẳng, nguyên nhân không chỉ đến từ các chính sách tiền tệ, tài khóa và tín dụng lỏng lẻo quá mức, các cú sốc tiêu cực về nguồn cung đã khiến giá cả tăng vọt. Việc đóng cửa biên giới để kiểm soát đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự tắc nghẽn, bao gồm cả nguồn nhân lực lao động. Chính sách "không Covid" của Trung Quốc cũng làm phức tạp thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, thế giới lại chứng khiến một cú sốc khác do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã gây ra làn sóng chấn động đối với thị trường năng lượng và hàng hóa. Cuối cùng, các lệnh trừng phạt mở rộng và sự mạnh lên của đồng USD đã làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, với các hạn chế thương mại và di cư đang thúc đẩy xu hướng phi toàn cầu hóa.

Giờ đây, mọi người đều nhận ra rằng những cú sốc tiêu cực và dai dẳng về nguồn cung đã góp phần gây ra lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thừa nhận rằng tình trạng này sẽ khó kiểm soát hơn những dự đoán trước kia. Theo số liệu mới nhất, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9.2022 của Mỹ đã tăng 0,4%, cao hơn mức dự báo 0,3% của các chuyên gia trong cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong 12 tháng tính đến tháng 9.2022, CPI tăng 8,2% sau khi đã tăng 8,3% vào tháng 8.2022. Trước đó, con số này tăng 9,1% vào tháng 6.2022, mức cao nhất kể từ tháng 11.1981. Sẽ rất khó để có một cuộc hạ cánh êm ả khi các cú sốc tiêu cực về cung đang diễn ra trong tình trạng lạm phát đình trệ. Kịch bản này thậm chí còn phức tạp hơn so với kịch bản khi nền kinh tế phát triển quá nóng do cung vượt cầu. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, chưa từng có trường hợp nào mà Fed thành công với lạm phát trên 5% (hiện tại là trên 8%) và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% (hiện tại là 3,7%). Châu Âu còn tệ hơn vì nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến một cú sốc năng lượng.

Với tất cả những bất lợi trên, nhiều chuyên gia đang đặt ra câu hỏi: liệu thế giới có đang trong một cuộc suy thoái thực sự? Mặc dù vẫn chưa có nhận định rõ ràng về vấn đề này nhưng Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp và hầu hết các chỉ số hướng tới tương lai của các hoạt động ở các nền kinh tế tiên tiến đều cho thấy sự sụt giảm mạnh và các chỉ số này sẽ còn tồi tệ hơn nếu các chính sách tiền tệ tiếp tục bị siết lại và khó có một cuộc “hạ cánh an toàn” vào cuối năm.

Nguồn: DW

Nguồn: DW

Cuộc khủng hoảng đang dần hiện hữu

Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy bắt đầu xảy ra khả năng kịch bản lạm phát đình trệ. Đây là hiện tượng được ghi nhận khi nền kinh tế được đặc trưng bởi sự không ổn định và sự kết hợp của các cú sốc nguồn cung một cách tiêu cực. Ngoài những biến động nêu trên, các cú sốc còn có thể bao gồm sự già hóa của xã hội ở nhiều nền kinh tế lớn; "suy thoái địa chính trị" và sự sụp đổ của chủ nghĩa đa phương; các biến thể mới của Covid-19 và các bệnh dịch mới chẳng hạn như bệnh đậu mùa khỉ; hậu quả ngày càng nguy hại của biến đổi khí hậu; chiến tranh mạng và các chính sách thuế nhằm tăng tiền lương cũng như sức mạnh của người lao động.

Còn đối với danh mục đầu tư truyền thống, mối tương quan biến đổi ngược chiều nhau giữa giá trái phiếu và cổ phiếu sẽ mờ dần khi lạm phát gia tăng. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.2022, các chỉ số cổ phiếu của Mỹ và toàn cầu đã giảm hơn 20% trong khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng từ 1,5% lên 3,5%, dẫn đến những khoản lỗ lớn. Cổ phiếu liên tục giảm mạnh trong khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Với lạm phát gia tăng dẫn đến sự thắt chặt chính sách tiền tệ, một thị trường cân bằng đã xuất hiện cho cả cổ phiếu và trái phiếu, song, chứng khoán Mỹ và toàn cầu vẫn chưa được định giá đầy đủ. Cổ phiếu sẽ giảm khoảng 30% trong một cuộc suy thoái nhẹ và 40% trở lên trong một cuộc khủng hoảng nợ giữa bối cảnh lạm phát trầm trọng.

Các dấu hiệu căng thẳng trên thị trường nợ đang gia tăng với các công ty mắc nợ cao, sự xuất hiện ồ ạt của tín dụng đen (bao gồm các thực thể và hoạt động đóng vai trò trung gian bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống, nhưng lại tham gia vào việc cung cấp tài chính cho nền kinh tế), các hộ gia đình, chính phủ và các quốc gia thấy mình đang ở trong tình trạng mắc nợ quá nhiều, đây chính là khủng hoảng. Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay tài chính nhiều hơn và WB cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.

Riêng trong năm nay, khoảng 44 tỷ USD tiền nợ ở một số nước nghèo nhất đến hạn phải thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước có thể hy vọng nhận được. Ông cho rằng, ngay bây giờ, thế giới đang đối mặt với "làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ, đồng thời, cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia đang gặp khó khăn, cũng như có sự minh bạch hơn về các khoản nợ. Chủ tịch WB cho biết, khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, các nền kinh tế tiên tiến nhận ra tầm quan trọng hàng đầu trong việc khôi phục tăng trưởng và hướng tới một môi trường tăng trưởng nhanh hơn. Các nước đang phát triển cũng cần nhiều dòng vốn hơn và mặc dù WB đang mở rộng sự trợ giúp cho các nước, nhưng điều đó là chưa đủ.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc thả lỏng cho lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn. Theo WB, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua 4 làn sóng tích lũy nợ kể từ năm 1970 và nhìn chung đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/nguy-co-khung-hoang-no-de-doa-kinh-te-toan-cau-i304134/