Nguy cơ lây nhiễm từ… tay nhân viên y tế

Tay của nhân viên y tế chứa nhiều vi khuẩn làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới hiện nay có khoảng 59 triệu nhân viên y tế, tương đương với hơn 100 triệu bàn tay chạm vào người bệnh nhân mỗi ngày và có hơn 1,4 triệu người mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Ở các nước phát triển có 5 – 10% số bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế, trong khi đó ở các nước đang phát triển tỉ lệ này cao hơn từ 2-20 lần

Nhiễm khuẩn bệnh viện đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

 Nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là thách thức với các cơ sở y tế, trong khi cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là rửa tay với xà phòng

Nhiễm khuẩn bệnh viện luôn là thách thức với các cơ sở y tế, trong khi cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là rửa tay với xà phòng

Cũng theo WHO, mỗi năm có 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ nhỏ mắc nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vì nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu nhân viên y tế thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn bệnh viện và đơn giản nhất là tuân thủ vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh.

Tay bẩn của nhân viên y tế có chứa những loại vi khuẩn làm tăng tình trạng bệnh do nhiễm khuẩn ở bệnh nhân, hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Từ thực trạng này, các bệnh viện đã kêu gọi nhân viên y tế phải chú ý đến việc rửa tay thường xuyên hơn nữa bằng dung dịch sát trùng, nếu không có những dung dịch này thì nhất thiết phải rửa bằng xà phòng thường.

Theo khuyến cáo của WHO, rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường việc rửa tay. Sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn, là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu “It’s in your hand – prevent sepsis in health care” (Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết do chăm sóc y tế - chính từ nơi bàn tay của bạn) GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm giao mùa này, các dịch bệnh có vi khuẩn đa kháng, siêu kháng kháng sinh đang lây lan nhanh trong cả bệnh viện và ngoài cộng đồng. Việc ngăn ngừa bệnh tật không chỉ là công việc trong bệnh viện, công việc của nhân viên y tế, mà là công việc của cả cộng đồng, trách nhiệm của toàn xã hội.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, vệ sinh tay cùng với phòng ngừa chuẩn là những giải pháp căn cơ. Trong những năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bước đầu xây dựng được phong trào vệ sinh tay trong bệnh viện.

Với nhân viên y tế, họ được yêu cầu rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân.

Tương tự, người chăm sóc bệnh nhân cũng cần rửa tay trong các tình huống trên. Đối với người bệnh, cần che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn giấy, nhằm tránh vi khuẩn phát tán xa. Không che miệng bằng bàn tay bởi bàn tay là nơi tiếp xúc nhiều với xung quanh, tăng nguy cơ phát tán bệnh. Rửa tay thường xuyên để tránh truyền bệnh cho người khác cũng như tránh lây nhiễm thêm bệnh từ bên ngoài khi cơ thể đang yếu.

Đặc biệt lãnh đạo Bệnh viện Nhi cũng giao cho các đơn vị, tổ chức trong bệnh viện có trách nhiệm triển khai việc huấn luyện, cung cấp kiến thức, kỹ thuật vệ sinh tay cho các đối tượng đến khám, chữa bệnh, thăm nuôi, làm việc và học tập trong bệnh viện.

Huy Hoàng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/nguy-co-lay-nhiem-tu-tay-nhan-vien-y-te-272114.html