Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, tự phát TP.HCM

Thực phẩm tươi sống được bày bán ngay trên mặt đất, tiểu thương tay không sơ chế, hàng hóa không rõ nguồn gốc,... là những nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực chợ truyền thống, chợ tự phát.

Tại TP.HCM, nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua hàng tại các khu chợ dân sinh, chợ tự phát do giá cả phải chăng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh truyền thống này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại khu vực bên ngoài chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hàng bán rau, củ, quả không có kệ, tủ kính, tiểu thương bày hàng sát mặt đất, kê tạm bằng cá giá đồ, tấm nilon hoặc tấm bìa,... không đảm bảo vệ sinh.

Nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn mác, không chứng thực được nguồn gốc xuất xứ.

Hải sản phải bảo quản trong tủ đông với điều kiện nhiệt độ ổn định mới bảo đảm an toàn nhưng được người bán bày luôn trên thùng xốp, thau nhôm. Nhiệt độ ngoài trời nóng bức lại thêm mùi tanh khiến nhiều ruồi, nhặng bay vờn hoặc đậu lên cá, mực...

Tại một số gian hàng hải sản, tiểu thương ngồi làm ếch chỉ trải qua một tấm bạt, nhiều con rơi ngay trên nền đất...

Nhiều tiểu thương không sử dụng bao tay nilon hay bất kỳ một dụng cụ bảo đảm an toàn vệ sinh nào mà trực tiếp cầm vào sản phẩm, sơ chế hải sản bán cho khách.

Một số tiểu thương bày bán hàng ngay trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ bốc lên nồng nặc.

Không gian chật hẹp, chỉ cần các trang thiết bị, dụng cụ, xô chậu để thực phẩm đơn giản, không đạt tiêu chuẩn quy định tiểu thương đã có thể bày bán hàng tươi sống.

Thực phẩm tươi sống được bày bán ngay dưới nền đất, không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng, mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập.

Để tránh tiền mất tật mang, các chuyên gia y tế khuyên mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng. Thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng đều phải được in đầy đủ trên nhãn. Bên cạnh đó, mỗi người hãy kiên quyết nói "không" với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh. Có như thế mới góp phần chung tay đẩy lùi thực phẩm "bẩn" vì sự an toàn của bản thân và gia đình.

Muốn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thì cách tốt nhất vẫn là giám sát thường xuyên và xử phạt cương quyết đối với các trường hợp vi phạm, để từng bước nâng cao ý thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm của tất cả mọi người. Vì vậy, đầu tháng 7/2023, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm đã xong, lấy ý kiến các bộ ngành đầy đủ và nhận được sự ủng hộ. Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện lại đề án trên để trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-dan-sinh-tu-phat-tp-hcm-2238887.html