Nguy cơ ngộ độc quả rừng luôn hiện hữu ở các dân tộc vùng cao vì thiếu hiểu biết

Ngộ độc quả rừng hay gặp nhất là quả Hồng Châu, quả Chí Chụa, quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ, cây hoa chuông… Các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đáng lưu ý các gia đình có con đang trong độ tuổi học phổ thông vì thiếu hiểu biết.

Hàng loạt vụ ngộ độc do ăn hoa, quả rừng vì thiếu hiểu biết

Trong thời gian vừa qua tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nguyên nhân gây ngộ độc đều do độc tố tự nhiên có trong nấm độc, hoa quả rừng, và bột ngô mốc. Trong đó ngộ độc quả rừng hay gặp nhất là quả Hồng Châu; quả Chí Chụa, quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ, cây hoa chuông,…

Những tháng đầu năm 2023, tại huyện Yên Minh và Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn hoa, quả rừng, làm 08 người ngộ độc và 01 trẻ bị nguy kịch. Cụ thể, 01 vụ ngộ độc do ăn hoa chuông xảy ra vào ngày 25/4, tại thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, làm 4 người bị ngộ độc, may mắn không có trường hợp tử vong. Vụ ngộ độc thứ 2 xảy ra cùng ngày do ăn quả rừng (Quả Mắc rạc và 1 loại quả theo tiếng địa phương gọi là quả Thanh Mai), tại thôn Sảng Ma Sao, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, làm 4 trẻ bị ngộ độc, 1 trẻ đang trong cơn nguy kịch, hôn mê sâu, tiên lượng xấu.

Mới đây nhất, trên địa bàn huyện Đồng Văn cũng đã xảy ra liên tiếp 02 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu. Cụ thể: Tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, có 03 trẻ mắc, trong đó có 1 trẻ tử vong; Thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, có 08 trẻ mắc và 01 vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô tại thôn Tìa Cua Si, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, có 3 trường hợp mắc.

Các vụ ngộ độc từ cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đáng lưu ý các gia đình có con đang trong độ tuổi học phổ thông. Nhiều loại hoa, quả rừng không rõ nguồn gốc, hoặc người dân cũng không nhận thức đầy đủ, nhìn thấy có màu sắc đẹp bắt mắt có thể hái ăn ngay nên nhầm lẫn dẫn tới ngộ độc. Ngoài ra, việc người dân không bảo quản đúng cách cũng dẫn tới nguy cơ ngộ độc khi thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật, vi khuẩn và sinh ra nấm mốc.

Truyền thông bằng cả tiếng dân tộc

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em vùng cao, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Tuy nhiên do nhận thức của người dân còn hạn chế nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra.

Không để vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, hạn chế biến chứng nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng dân tộc.

Tuyên truyền cho người dân không dùng quả rừng ở vùng dân tộc thiểu số . Ảnh Chi Cục ATVSTP Hà Giang

Tuyên truyền cho người dân không dùng quả rừng ở vùng dân tộc thiểu số . Ảnh Chi Cục ATVSTP Hà Giang

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền vào các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về những loại rau, củ, quả rừng thường xảy ra ngộ độc tại địa phương, đặc biệt là nấm độc, bột ngô mốc và các loại rau quả rừng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay tại cộng đồng.

Trong các buổi tuyên truyền, cơ quan chức năng đã đưa ra nhận biết các loại hoa quả rừng có độc, nấm độc, rau rừng có độc, cách nhận biết dấu hiệu và sơ cứu khi bi ngộ độc thực phẩm… Tuyệt đối không ăn các loại hoa, quả rừng không rõ nguồn gốc, dù thử một lần, nhằm tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra.

H.My

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-ngo-doc-qua-rung-luon-hien-huu-o-cac-dan-toc-vung-cao-vi-thieu-hieu-biet-16923092213462992.htm