Nguy cơ sức khỏe đối với người dân sống ở nơi nhiều bụi đỏ

Trước tình trạng lượng bụi lớn từ công trường sân bay Long Thành, bác sĩ cảnh báo nếu tiếp xúc thường xuyên, người dân có nguy cơ bị viêm mạn tính và xơ hóa đường thở.

 Người dân phải dùng bạt che đậy để tránh bụi bám vào bồn nước. Ảnh: Chí Hùng.

Người dân phải dùng bạt che đậy để tránh bụi bám vào bồn nước. Ảnh: Chí Hùng.

Trong quá trình thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lượng bụi đỏ khổng lồ từ công trường này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết bụi đỏ có thành phần bụi đất, nó không chỉ là loại bụi xây dựng mà còn nằm trong nhóm các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Nếu tiếp xúc với bụi đỏ trong thời gian dài, người dân có nguy cơ bị viêm đường hô hấp cấp tính, thậm chí mạn tính.

Tác hại khó lường khi tiếp xúc với bụi đỏ

“Lượng lớn bụi đỏ từ công trình xây dựng khuếch tán trong không khí không chỉ khiến cảnh quan bị ô nhiễm, bụi bẩn mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe người dân”, bác sĩ Công cho hay.

Theo vị chuyên gia, khi tiếp xúc trực tiếp với da, mũi hay mắt, bụi đỏ sẽ gây viêm, nhiễm trùng da, mô mềm, gây viêm kết mạc mắt hoặc viêm mũi xoang, đặc biệt là ở người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng.

Không chỉ tiếp xúc bề ngoài, bụi đỏ còn gây ra phản ứng viêm, phù nề và nhiễm trùng cho đường hô hấp. Trong loại bụi này còn có các thành phần không hòa tan được như amiang, silic hay bụi than. Khi xâm nhập vào đường thở, chúng sẽ lắng đọng và gây ra tình trạng viêm cấp tính, về lâu dài có thể dẫn tới viêm mạn tính, xơ hóa đường thở.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, chia sẻ bản chất của những hạt bụi đỏ là bụi đất, khi hít vào, hệ thống thanh lọc của phổi và phế quản sẽ đào thải bụi ra.

"Tuy nhiên, việc tiếp xúc với bụi đỏ ngày này qua ngày khác sẽ gây ra ảnh hưởng lớn, làm tổn thương niêm mạc của đường hô hấp, đồng thời kích hoạt viêm ở trong phổi", PGS Ngọc nói thêm.

Ngoài ra, bác sĩ Công cho biết hình dáng và kích thước của hạt bụi đỏ đa dạng. Nếu hạt bụi có kích thước rất nhỏ và lọt vào đường hô hấp dưới, đi đến nhu mô phổi, nó sẽ gây xơ hóa nhu mô phổi. Trong trường hợp hạt bụi có nhiều góc cạnh và sắt nhọn, khi xâm nhập vào đường thở, nó gây tổn thương cơ học tại chỗ, dẫn đến xây xát đường thở.

 Khi tiếp xúc trực tiếp với da, bụi đỏ có thể gây viêm và nhiễm trùng da. Ảnh: Chí Hùng.

Khi tiếp xúc trực tiếp với da, bụi đỏ có thể gây viêm và nhiễm trùng da. Ảnh: Chí Hùng.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí do bụi đỏ, bác sĩ Công cảnh báo đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất là trẻ em. Lớp niêm mạc da của trẻ em vốn mỏng, nhạy cảm, nếu tiếp xúc với bụi, chúng sẽ gây viêm đầu tiên.

Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ tại đường thở của trẻ em như hệ nhung mao, lông mũi, tuyến tiết nhầy chưa hoàn thiện, việc bụi xâm nhập vào sâu sẽ gây viêm mạnh mẽ hơn.

Đối tượng thứ hai dễ bị ảnh hưởng nặng do bụi là nhóm người có bệnh hô hấp mạn tính và người cao tuổi. Khi lọt vào đường thở, bụi sẽ kích hoạt đợt cấp tính của các bệnh hô hấp mạn tính như bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính…

Cách ngăn ngừa tác hại từ bụi đỏ

Theo PGS Ngọc, nếu phải sống thường xuyên trong môi trường có bụi đỏ, người dân cần mang khẩu trang, che chắn kỹ khi ra đường để hạn chế sự xâm nhập của bụi vào đường hô hấp.

Theo vị chuyên gia, khu vực xung quanh nhà ở nên trồng nhiều cây xanh, trong nhà nên hút bụi thường xuyên và đóng kín cửa. Ngoài ra, các công trình thi công lớn nên tưới nước liên tục để hạn chế sự khuếch tán của bụi.

"Trong điều kiện thời tiết hanh khô, ít mưa, độ ẩm thấp và nhiều gió, bụi đỏ sẽ khuếch tán càng mạnh, gây ra tác hại càng lớn cho sức khỏe người dân", bác sĩ Công cảnh báo.

Vì vậy, bác sĩ Công khuyến cáo thêm sau khi đi ra ngoài về, người dân nên tắm bằng nước ấm để làm sạch bề mặt da niêm mạc, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý và thường xuyên rửa mũi, xịt mũi để làm sạch đường thở.

Trước khi ra đường, người dân nên lưu ý hạn chế tiếp xúc với bụi càng nhiều càng tốt bằng cách che chắn cẩn thận như đeo khẩu trang, đeo kính, mặc áo khoác hay quần áo dài tay.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-suc-khoe-doi-voi-nguoi-dan-song-o-noi-nhieu-bui-do-post1417548.html