Nguy cơ thất thoát nguồn lực Nhà nước khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ lo ngại thất thoát nguồn lực của Nhà nước khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, bởi tiền mà nhà đầu tư phải trả theo quy định thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Sáng 6/1, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, thảo luận tại tổ về một luật sửa 8 luật. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc ban hành một luật sửa nhiều luật vì đây là việc làm kịp thời để giải tỏa những điểm nghẽn trong cuộc sống đặt ra, tuy nhiên theo đại biểu, nếu một luật mà sửa một chùm vấn đề liên quan đến nhau thì đồng bộ nhiều hơn. Ông đề nghị sau này ban hành các luật kiểu này thì nên đi theo chuyên đề.

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ.

Về Luật Đầu tư công, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý là phù hợp.

"Trước đây có tình trạng cơ quan quản lý hay giữ quyền của mình. Sửa đổi như thế này thể hiện rõ tính phân quyền của Chính phủ cho địa phương, sẽ có tác dụng rất tốt, công việc chạy nhanh hơn, không bị vòng đi vòng lại, thậm chí còn có tính giám sát cao hơn", ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích. Ông cho rằng, nhiều điểm phân quyền rất cấp bách, cần thiết, như giải quyết vướng mắc chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Nếu trước đây chỉ cần thay đổi một chút thì phải trình lên Thủ tướng, trước đó còn vòng qua rất nhiều bộ ngành thì hiện tại, khi đã phân quyền các dự án đấy cho các chủ đầu tư thì không cần lên Thủ tướng nữa. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh việc phân quyền phải gắn liền với trách nhiệm.

Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế một số dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn ODA hiện nay cũng được giao cho địa phương, do đó ông đề nghị dự thảo luật cần mở rộng theo hướng giao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho địa phương. Về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng: nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật).

"Tôi cũng đồng tình với việc sửa đổi, ý tưởng của việc sửa đổi này là mong muốn phát triển thị trường đất ở, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, lo ngại nhất là khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải đất ở sang đất ở thì tiền mà nhà đầu tư phải trả chỉ theo bảng giá Nhà nước quy định, mà bảng giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Ví dụ ở Hà Nội hiện nay đắt nhất, ở giữa Bờ Hồ là 168tr/m2. Như vậy có nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai", đại biểu phân tích.

Từ đó, ông đề nghị cần thêm nội dung "khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải thanh toán tiền theo giá thị trường" (đấu thầu hoặc tìm các biện pháp định giá theo thị trường). Theo ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội), cần có sự đánh giá, tổng kết kỹ việc giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án thương mại, nhất là khi chọn các nhà đầu tư không đủ năng lực, chênh lệch giá đất thị trường thì Nhà nước sẽ được và mất gì, cần cân nhắc...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguy-co-that-thoat-nguon-luc-nha-nuoc-khi-cho-phep-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat-i640553/