Nguy cơ thiếu điện hiện hữu, hàng loạt 'ông lớn' bị nêu trách nhiệm

Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu. Ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của một số tập đoàn lớn như EVN, TKV, PVN.

Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.

Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi.

"Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu", Đoàn Giám sát đánh giá.

Theo đó, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047 MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ.

Đáng lo ngại, việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016 - 2021 chưa đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập. Hệ thống lưới điện hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn N - 1 như mục tiêu đề ra; năng lực đấu lưới và truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Trung; nguồn phát điện ở miền Bắc còn thiếu...

Cùng với đó, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng; việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần...

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là bối cảnh quốc tế, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, áp lực thực hiện các cam kết quốc tế; nguyên nhân chủ quan còn do nhận thức về vai trò, vị trí của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của các cấp, các ngành còn chưa thực sự toàn diện, đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức; Quy định pháp luật về năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế; một số quy định chưa hài hòa với thông lệ quốc tế.

Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển ngành điện, đặc biệt đối với các dự án năng lượng cấp bách; việc điều hành giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời với sự biến động thực tế của giá các loại nhiên liệu đầu vào, chưa quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm phát triển điện lực theo đúng quy hoạch đã đề ra.

Theo Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, để xảy ra những hạn chế, bất cập trên thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước các cấp trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, trong đó, có trách nhiệm của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh một số địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Một số sai phạm, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong chấp hành chính sách, pháp luật trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, pháp luật về khoáng sản của TKV đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Trong thời gian tới, Đoàn Giám sát đề nghị tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng....

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nguy-co-thieu-dien-hien-huu-hang-loat-apos-ong-lon-apos-bi-neu-trach-nhiem-1095934.html