Nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng

Hiện nay, mực nước các sông suối, hồ đập trên địa bàn huyện Chư Sê đang thấp hơn trung bình nhiều năm, nhất là mực nước hồ thủy lợi Ia Ring sau sự cố sụt lún thân đập ở mức khá thấp. Dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn nhưng nguy cơ thiếu nước tưới vẫn đang hiện hữu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, những tháng đầu năm 2025, các sông suối trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 có khả năng xảy ra hạn hán cục bộ tại một số địa phương không chủ động nguồn nước và xa các công trình thủy lợi. Từ nửa cuối tháng 3, khả năng cao xảy ra hạn hán trên diện rộng tại các địa phương trong tỉnh.

 Huyện Chư Sê đang tích cực phối hợp với đơn vị quản lý, điều hành công trình hồ thủy lợi Ia Ring điều tiết nước hợp lý theo phương án đã được phê duyệt nhằm tránh tranh chấp nguồn nước giữa các cây trồng. Ảnh: Q.T

Huyện Chư Sê đang tích cực phối hợp với đơn vị quản lý, điều hành công trình hồ thủy lợi Ia Ring điều tiết nước hợp lý theo phương án đã được phê duyệt nhằm tránh tranh chấp nguồn nước giữa các cây trồng. Ảnh: Q.T

Nguy cơ xảy ra hạn hán càng hiện hữu trên địa bàn huyện Chư Sê khi hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố sụt lún vào giữa tháng 11-2024. Sau sự cố, hồ thủy lợi Ia Ring còn khoảng 4 triệu m3/10 triệu m3 dung tích thiết kế. Hàng ngàn ha cây trồng tại xã Dun, Ia Tiêm, Chư Pơng, Ia Glai, Ia Blang và thị trấn Chư Sê đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới khi bắt đầu bước vào những tháng cao điểm của mùa khô.

Theo ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Dự lường trước nguy cơ thiếu nước tưới và sinh hoạt, huyện tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đơn vị khai thác vận hành công trình xây dựng phương án sản xuất phù hợp với thực tế lượng nước tại hồ chứa nước Ia Ring.

Đồng thời, tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là những diện tích lúa nước có nguy cơ xảy ra hạn sang trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn.

Cùng với đó, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước từ hồ chứa Ia Ring chủ động tìm thêm nguồn tưới khác cho cây cà phê, hồ tiêu…

Trên thực tế, đơn vị quản lý, khai thác hồ thủy lợi Ia Ring đã xây dựng phương án điều tiết nước từ công trình về các kênh mương chậm hơn 1 đợt so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước cục bộ ở cuối kênh đã xuất hiện do lượng nước điều tiết về không đủ so với nhu cầu tưới của người dân.

Trước Tết, nước từ hồ thủy lợi Ia Ring chưa có, anh Kpuih Lâm (làng Ngol Ser, thị trấn Chư Sê) tận dụng nguồn nước giếng sinh hoạt của gia đình để tưới cho gần 500 cây cà phê. Tuy nhiên, nguồn nước giếng không đảm bảo, anh Lâm phải mất hơn 2 ngày đêm mới tưới xong.

Anh chia sẻ: “Từ khi có nước từ công trình thủy lợi thì đây là năm đầu tiên thiếu nước. Đây mới chỉ là đợt tưới thứ 2, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì không biết lấy nước ở đâu để tưới cho vườn cây đang trong giai đoạn ra hoa, kết trái”.

 Theo anh Kpui Lâm, hiện tượng thiếu nước từ kênh mương thủy lợi hồ chứa Ia Ring đã xuất hiện dù đây chỉ là đợt nước về đầu tiên trên kênh này. Ảnh: Quang Tấn

Theo anh Kpui Lâm, hiện tượng thiếu nước từ kênh mương thủy lợi hồ chứa Ia Ring đã xuất hiện dù đây chỉ là đợt nước về đầu tiên trên kênh này. Ảnh: Quang Tấn

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, vụ Đông Xuân 2023-2024, tổng diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán là hơn 238 ha; trong đó, cây cà phê bị thiệt hại lớn nhất với hơn 220 ha. Ước tổng thiệt hại do hạn hán gây ra hơn 26,2 tỷ đồng.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của hồ thủy lợi Ia Ring, diễn biến thời tiết cực đoan trong thời gian qua đã khiến mực nước tại các suối, ao hồ, giếng đều thấp hơn so với mọi năm. Điều này khiến không ít nông dân lo lắng và đang phải căng mình để tìm nguồn nước tưới cho vườn cây của gia đình.

Dù mới chỉ bước vào đợt tưới thứ 2 nhưng giếng nước phục vụ tưới cho khoảng 1.000 cây cà phê của gia đình anh Lê Thanh Hoàng (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) đã xuống thấp, mỗi lần tưới chỉ được hơn 3 tiếng đồng hồ. “Mới chỉ tưới đợt 2 nhưng đã khan hiếm nước. Tôi phải thức xuyên đêm để đợi nước tưới cho vườn cây”-anh Hoàng nói.

Về giải pháp phòng-chống hạn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: “Huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai điều tiết cung cấp nước theo phương án đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

Đồng thời, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, các tổ thủy nông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu…

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp để chống hạn hiệu quả”.

QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguy-co-thieu-nuoc-tuoi-cho-cay-trong-post311029.html