Nguy cơ từ thuốc lá giả và thách thức trong phòng chống tác hại thuốc lá

Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng thuốc lá giả dễ gây nhầm lẫn cho người mua khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bằng các thiết bị kỹ thuật hiện đại, việc sản xuất thuốc lá giả tinh vi đến mức làm cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt được vì bao bì nhãn mác được làm giống như thật và dùng thủ đoạn trà trộn các loại thuốc lá giả có giá thành thấp hơn cùng với thuốc lá thật để phân phối sản phẩm, dẫn đến người tiêu dùng khó có thể để biết được đó là loại thuốc lá giả. Những điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những loại thuốc lá giả này khi người tiêu dùng hút vào sẽ tàn phá rất lớn đối với sức khỏe, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh người sử dụng. Hơn thế nữa, những chất này sẽ gây độc hại rất lớn cho gan, thận. Ngoài ra hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác (ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, liệt dương, giảm khả năng sinh sản…) do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá, benzen, carbon monoxide.... Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá.

Thuốc lá giả gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thuốc lá giả gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng rất khó để kiểm soát, phát hiện tất cả các đối tượng vi phạm sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả nhãn hiệu nói riêng và hàng hóa giả mạo nói chung, vì vậy khi lựa chọn hàng hóa người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, có quyền yêu cầu người bán giải thích rõ thông tin ghi trên nhãn - đây là quyền của người tiêu dùng được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc sử dụng thuốc lá mang lại nhiều ảnh hưởng đến tiêu cực cho sức khỏe cộng đồng và cũng như gây ra gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Thế nhưng, dù đã có rất nhiều cảnh báo, thậm chí cả quy định, nhưng tình trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn đang ở mức đáng báo động. Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất chỉ sau Indonesia và Philippines.

Tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn cao, nguyên nhân do một số người tìm đến thuốc lá muốn giải tỏa áp lực tinh thần trong cuộc sống. Bởi trong thuốc lá có những hoạt chất hóa học có tác dụng làm tê liệt tạm thời hệ thần kinh. Chính vì vậy, khi căng thẳng và áp lực một số cá nhân vô tình hút thuốc lá và dẫn đến hình thành thói quen hằng ngày trong cuộc sống. Đồng thời, trong thuốc lá còn có nicotine có khả năng gây nghiện nên một số người khi đã hút thuốc thì rất khó để bỏ, thậm chí tần suất sử dụng thuốc lá còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân tiếp theo gây ra tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam như hiện nay là do văn hóa giao lưu. Tại cộng đồng vẫn tồn tại việc mời nhau điếu thuốc lá tưởng chừng như đơn giản và là một phép lịch sự đã vô tình khiến nhiều người tiếp xúc với thuốc lá và quen dần với chúng. Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang có hiện tượng hút thuốc lá để thể hiện bản thân và xu hướng thuốc lá đang dần xâm nhập mạnh mẽ vào giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh. Ngoài những nguyên nhân trên, có một nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hút thuốc lá gia tăng do người dân chưa nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe cộng đồng.

Để hạn chế và giảm tỷ lệ hút thuốc lá tại cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm giảm cung cấp và giảm sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới chiếm 70 – 75% giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá. Đối với cộng đồng, mỗi cá nhân cần nhận thức được những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức. Nếu có thói quen sử dụng thuốc lá hãy thay thế thuốc lá bằng kẹo cao sum viên ngậm… Không rủ rê, lôi kéo bạn bè sử dụng thuốc lá; không khuyến khích thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá; không hút thuốc lá ở nơi công cộng, trong phòng kín để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh. Đối với các cơ quan, ban, ngành cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các chương trình giáo dục về tác hại thuốc lá trong phạm vi công sở, trường học…để thay đổi nhận thức của người dân.

Thuốc lá giả là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ chính phủ, các cơ quan chức năng đến từng cá nhân. Mỗi người cần nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và có những hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguy-co-tu-thuoc-la-gia-va-thach-thuc-trong-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-344522.html