Nguy cơ tù tội từ những nhóm côn đồ mang hung khí diễu phố
Thượng tá Trịnh Kim Vân đánh giá, hậu quả mà các đối tượng có hành vi chạy xe tốc độ cao, mang vũ khí tự chế diễu phố gây ra rất nghiêm trọng, có vụ việc gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
Bị cáo buộc giết người sau khi cầm dao diễu phố
Ngày 14/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 6 bị can về tội danh giết người và tạm giam 8 đối tượng khác để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.
Đây là nhóm đối tượng đi trên nhiều xe máy, mang theo ống tuýp sắt gắn dao nhọn tự chế phóng bạt mạng quanh khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai đuổi đánh, truy sát nhóm đối thủ gây náo loạn đường phố vào khuya 24/3.
Theo điều tra, chiều 24/3, Nguyễn Công Chính (SN 2005), Nguyễn Duy Hiệp (SN 2006), Mai Trần Tiến Anh (SN 2005, cùng ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và một số đối tượng khác rủ nhau đi mua ống tuýp sắt mang về cắt ngắn, sau đó hàn và gắn dao phóng lợn lên đầu các ống tuýp để làm hung khí.
Khuya hôm đó, nhóm thanh, thiếu niên mang hung khí tự chế, đi trên nhiều xe máy dàn hàng ngang, nẹt pô lượn lờ quanh nhiều tuyến phố để tìm đối thủ.
Khi đến đường Chu Văn An ở quận Hà Đông, Chính và đồng bọn chạm mặt nhóm bị hại đi trên ba xe máy, gồm Nguyễn Anh P, Lê Đức A và Nguyễn Huy K.
Nghĩ đó là đối thủ đang cần tìm, nhóm của Chính và Hiệp hô hào cầm ống tuýp đuổi đánh các nạn nhân. Trong khi P và K chạy thoát, Đức A bị các đối tượng giữ lại, đánh đập gây nhiều thương tích.
Sau đêm gây án, Chính và đồng bọn bỏ trốn về Ứng Hòa để cất giấu hung khí rồi ẩn náu cho đến khi bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ.
Phát sinh tội phạm cướp giật, đua xe
Nhóm đối tượng nói trên chỉ là một trong những thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe máy tốc độ cao, mang theo các loại hung khí tự chế đi diễu phố bị cơ quan công an bắt giữ, điều tra thời gian qua.
Trước đó, trung tuần tháng 3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt giữ 6 đối tượng sinh năm 2008 và 2009 ở Hà Nội trong băng nhóm chuyên sử dụng xe máy, cầm ống tuýp sắt hàn dao phóng lợn gây ra hàng loạt vụ đe dọa người dân để cướp tài sản.
Một trong 4 vụ cướp mà nhóm này gây ra được camera nhà dân ven đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai ghi lại lúc 2h ngày 14/3. Thời điểm đó, hai nạn nhân trên chiếc xe máy Honda Wave lưu thông trên đường thì bị toán cướp đuổi theo và chặn lại.
Đáng nói, một trong ba đối tượng cầm thanh sắt gắn dao nhọn dài chừng 2m đe dọa nạn nhân, cướp chiếc xe máy và bỏ đi. Ba vụ cướp còn lại, các đối tượng cũng sử dụng hung khí tự chế để uy hiếp bị hại, cướp tài sản.
Hai tháng qua, công an một số địa phương ở Lạng Sơn, Ninh Bình, TP Đà Nẵng… cũng liên tiếp bắt giữ các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, mang theo hung khí tự chế di chuyển trên đường gây mất an ninh trật tự.
Có trường hợp, các đối tượng lập thành băng nhóm và nhận diện nhau bằng cách cùng nhau buộc khăn tay màu đỏ, bịt khẩu trang cùng một màu… Các nhóm này sử dụng xe máy rồ ga, bấm còi inh ỏi, lạng lách đánh võng khiến người đi đường khiếp sợ.
Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP Hà Nội) cho biết, trước đây, các nhóm thanh niên tụ tập chạy xe tốc độ cao, mang vũ khí tự chế diễu phố, nhất là ban đêm thường được tổ chức thông qua lợi dụng những dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu hoặc vào dịp lễ lớn.
Thời điểm đó, lực lượng công an các đơn vị, địa phương ra quân trấn áp và dẹp bỏ các nhóm đối tượng này khi họ bắt đầu nhen nhóm lên kế hoạch thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại đối tượng này bắt đầu hoạt động trở lại, trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Các đối tượng chủ yếu ở độ tuổi 19, 20 và đặc biệt có nhiều thanh, thiếu niên ở độ tuổi 16, 17 hoặc thấp hơn.
"Lứa tuổi này thường có đặc điểm chung là thích lêu lổng, không có công ăn việc làm ổn định, cụ thể. Có trường hợp ban ngày thì tụ tập ở các quán game online, chát chít hẹn hò, tối đến thì tụ tập lôi kéo nhau, sử dụng phương tiện xe máy đánh võng qua các tuyến phố", thượng tá Vân phân tích.
Để hạn chế loại tội phạm này phát sinh, lực lượng chức năng cần thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, mật phục để ngăn chặn và đập tan ý đồ tụ tập của các đối tượng.
Những gia đình có con em ở độ tuổi này cần quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát về thời gian, nhất là ban đêm và thường xuyên khuyến cáo các cháu bằng bằng kiến thức pháp luật.
Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP Hà Nội
Đặc biệt, khi mỗi nhóm như vậy gặp tốp thanh, thiếu niên cùng "sở thích", họ sẽ buông lời khiêu khích nhau đua xe, có khi phát sinh mâu thuẫn dẫn đến hành vi sử dụng vũ khí đánh nhau.
Là một trong những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm từng trực tiếp tham gia trấn áp và thụ lý vụ án đối với loại đối tượng này, thượng tá Trịnh Kim Vân đánh giá, hậu quả mà các đối tượng gây ra rất nghiêm trọng, có vụ việc gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
"Khu vực mà các nhóm đối tượng phóng xe đi qua đều bị ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng. Khi gặp chúng, hầu hết người tham gia giao thông phải tránh né, tạo ra cảnh lộn xộn, hỗn loạn", ông Vân khẳng định.
Thậm chí, có những trường hợp quái xế chạy xe tốc độ cao nếu gặp lực lượng công an làm nhiệm vụ, chúng còn bất chấp tính mạng lao thẳng vào cán bộ chức năng, gây thương tích cho người làm nhiệm vụ.
Cũng theo thượng tá Vân, hành vi của các đối tượng này thường phạm vào các tội như: Gây rối trật tự công cộng; Cố ý gây thương tích, Tàng trữ vũ khí quân dụng hoặc Giết người.
Phụ huynh thiếu giám sát, vô tư giao xe máy cho con
Từng tham gia quá trình tố tụng trong một số vụ án gây rối trật tự công cộng với tính chất tương tự, Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, thời gian qua xuất hiện các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nơi công cộng, thậm chí cướp tài sản.
Đây là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi quản lý con em chưa chặt chẽ. Thậm chí, có cha mẹ còn giao xe máy cho con dù chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
Lối sống buông thả nêu trên một phần do sự ảnh hưởng, tác động từ những tiêu cực do môi trường mạng xã hội mang lại.
Luật sư Đoàn Tiến Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
"Với độ tuổi bồng bột như vậy, lại tụ tập đông người nên dễ bị kích động, bị lôi kéo và từ đó, nảy sinh những hành vi tiếp theo như cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản", luật sư nêu quan điểm.
Bởi vậy, các đối tượng này thường có kết cục vướng vào vòng lao lý hoặc mang tiền án, tiền sự là điều khó tránh.
Xét hành vi của các đối tượng này thường gây mất an ninh trật tự, có trường hợp gây ra các vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác gây bức xúc trong dư luận.
Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý quyết liệt đối với các nhóm đối tượng này để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Về phía gia đình và nhà trường, các bậc phụ huynh phải siết chặt quản lý, giáo dục con em mình.
"Những vụ việc như thế có một phần lỗi của gia đình, của các bậc phụ huynh khi thiếu quan tâm, giáo dục con cái hoặc nuông chiều quá mức, hậu quả là các đối tượng sa vào tệ nạn xã hội, thậm chí sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Cường phân tích.
Chiều 17/4, Tòa án nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã tuyên án sơ thẩm đối với 44 bị cáo (tuổi từ 16-18) trong vụ gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương này.
Theo bản án, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, ngày 17/4/2023, nhóm của Huỳnh Nhựt Trường (18 tuổi) và nhóm của Nguyễn Văn Khánh Duy (19 tuổi) mang theo hung khí như dao, tuýp sắt chạy xe máy trên tỉnh lộ 867 gây mất an ninh trật tự.
Sau đó, hai nhóm này hẹn đánh nhau tại đoạn cầu vượt cao tốc thuộc địa bàn xã Phước Lập, huyện Tân Phước. Các bị cáo không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy nẹt pô, hò hét rồi dùng điện thoại phát trực tiếp lên Facebook gây mất an ninh trật tự.
Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt 44 bị cáo các mức án từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 3 năm tù giam.