Nguy cơ tử vong từ nhiễm khuẩn
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhi 15 tuổi (ở Thanh Hóa) được chẩn đoán viêm xương tủy do tụ cầu vàng.
Bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, chơi thể thao thường xuyên, gần đây bị đau khớp gối trái. Khi vào cơ sở y tế tuyến tỉnh, bệnh nhi được chẩn đoán viêm mủ khớp gối trái, viêm xương tủy đầu dưới xương đùi trái. Tại đây, bệnh nhi đã phẫu thuật nạo vét xương chết, rạch mủ cấy ra tụ cầu vàng. Bệnh nhi được chuyển đến Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) điều trị.
Được biết, trước khi bị bệnh, bệnh nhi có tham gia đá bóng bị xây xước chân, nhưng không để ý. Đây có thể là thời gian ủ bệnh tụ cầu vàng. Người nhà cho biết, ban đầu, bệnh nhi không có biểu hiện gì nặng, chỉ hơi đau, khó chịu. Khi bệnh nhi không duỗi được chân, gia đình chỉ nghĩ giãn dây chằng nên cho đi khám và được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị.
Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh. Sau 2 ngày, bệnh nhi sưng đau nhiều hơn ở khớp gối trái, đau đến mức không chịu được, các khớp tay cũng sưng đỏ và được gia đình đưa vào nhập viện.
Một trường hợp khác, Bệnh viện Nhi trung ương gần đây cũng thông tin về trường hợp bé N.T. (12 tháng tuổi, tỉnh Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nguy kịch do nhiễm khuẩn huyết vì tụ cầu vàng.
Được biết, bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi vào viện khoảng 3 ngày, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục (khoảng 39 – 40 độ C), kèm theo ho nhẹ, chảy nước mũi. Đến ngày thứ 3, trẻ mệt mỏi, ăn kém, gia đình đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng: khó thở, mệt nhiều, li bì, có các dấu hiệu của suy tuần hoàn.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc trợ tim, kháng sinh và chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thần kinh, tổn thương thận cấp (tình trạng suy đa cơ quan do sốc nhiễm trùng). Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng
BS Lê Nhật Cường - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) lý giải, tụ cầu vàng là căn nguyên nhiễm khuẩn thường gặp, ban đầu có thể gây ra các tổn thương ngoài da như nhọt, chín mé, hoặc viêm tấy tại các vết thương hở.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), tụ cầu vàng là một trong các vi khuẩn thường gặp gây nhiễm trùng ở người. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, có tới 30-50% người khỏe mạnh mang tụ cầu vàng trên da. Khi có những tổn thương ở da và niêm mạc thì các nhiễm trùng do vi khuẩn này sẽ dễ dàng xuất hiện. Chúng thường gây nhiều bệnh lý khác nhau như mụn nhọt ngoài da, viêm tai giữa, áp xe các phủ tạng, nhiễm trùng vết thương, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết.
Đối với trẻ nhỏ, nếu được phát hiện và điều trị đúng bệnh, kịp thời, trẻ sẽ có thể khỏi hoàn toàn. Một số trường hợp vi khuẩn lan vào máu và gây ra tổn thương nhiều cơ quan như viêm não, viêm màng não, viêm phổi tràn dịch màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm khớp mủ, viêm cơ. Một số trường hợp nặng có thể gây sốc nhiễm trùng (tình trạng nhiễm khuẩn gây ra hạ huyết áp).
Đáng báo động hơn nữa khi trong số những ca bệnh nhi mắc tụ cầu vàng, đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc tụ cầu vàng kháng thuốc – một thực trạng nổi cộm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
BS Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) thông tin: Trường hợp bệnh nhi kể trên là ca bệnh hiếm gặp vì bệnh nhi còn trẻ, không có bệnh lý gì mà bị nhiễm trùng nặng, viêm xương tủy do tụ cầu kháng thuốc. Thông thường, tụ cầu kháng thuốc gặp nhiều ở trong môi trường bệnh viện, còn bệnh nhi này bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở ngoài cộng đồng, hay còn gọi là tụ cầu vàng kháng methicillin.
Đối với những trường hợp mắc tụ cầu kháng thuốc, việc điều trị các nhiễm trùng từ vi khuẩn lây nhiễm từ cộng đồng sau này có thể sẽ khó khăn hơn. Ổ nhiễm trùng sâu, ở trong xương, nên cần quá trình điều trị và theo dõi lâu dài, đảm bảo phục hồi tốt nhất và tránh tái phát.
Để phòng tránh các nhiễm trùng da mô mềm, nhiễm trùng xương tủy do tụ cầu vàng và các vi khuẩn khác, TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) khuyến cáo: Khi có các vết thương xây xát, hay các mụn mủ phải xử lý vết thương đúng cách, vệ sinh tránh nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt là các viêm nhiễm ổ sâu như viêm khớp, viêm xương tủy, viêm nội tâm mạc, áp xe các cơ quan... Những trường hợp có biểu hiện sưng khớp như bệnh nhân trên phải đi tầm soát khám sớm, nếu để muộn có nguy cơ dẫn đến viêm mủ khớp, viêm xương tủy…
BS Thúy lưu ý, những báo cáo gần đây đã chỉ ra vi khuẩn tụ cầu đã có hiện tượng kháng thuốc trong cộng đồng, các kháng sinh thông thường có thể không còn hiệu quả nữa, vì vậy người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán, và điều trị phù hợp. Khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng phải điều trị dứt điểm, không để tái lại. Nếu không sẽ để lại hậu quả tương đối nặng nề với các vị trí tổn thương nặng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-tu-vong-tu-nhiem-khuan-10277198.html