Nguy cơ ung thư do Amiăng trắng trong tấm lợp fibro ximăng

Sáng 7/1, Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển Cộng đồng (đại diện chi nhóm hành động vì công lý, môi trường và sức khỏe JEH) phối hợp với Cổng thông tin điện tử (Hội nhà báo Việt Nam) tổ chức Hội thảo: 'Môi trường và sức khỏe: Sự độc hại của Amiang trắng trong tấm lợp fibro-xi măng.

Tại hội thảo, phát biểu tham luận, thảo luận của các nhà khoa học đã nêu rõ sự độc hại của amiăng trắng và các bệnh liên quan đến Amiăng, đặc biệt là bệnh ung thư, các giải pháp phòng chống tác hại của amiăng. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của tuyên truyền, nâng cao nhận thức về độc hại của Amiăng; áp dụng giải pháp thay thế vật liệu có Amiăng; tính pháp lý của quyết định cấm sử dụng Amiăng, tiến tới ngừng sử dụng Amiăng trắng ở Việt Nam trong tương lai gần. Trên thế giới, nhiều nước đã cấm sử dụng amiăng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, nguy cơ phơi nhiễm Amiang ở người dân sử dụng tấm lợp fibro-xi măng rất cao. Đặc biệt, người dân miền núi chỉ sử dụng tấm lợp fibro-xi măng vài ba chục năm vì phần lớn khung mái làm bằng tre, lứa hoặc bằng gỗ tạp có tuổi thọ kém. Các tấm lợp này, sau đó trở thành rác thải hoặc tái sử dụng, gây ra nguồn ô nhiễm trong cộng đồng.

Theo thống kế của tổ chức Y tế thế giới có hơn 100.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến phơi nhiễm Amiăng và 1,5 triệu người phải sống chung với bệnh tật do Amiăng gây ra.

Hơn nữa, có khoảng 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô có liên quan tới Amiăng và cứ thêm 1 kg Amiăng được sử dụng trên bình quân đầu người một năm thì số trường hợp mắc ung thư tăng gấp 2,4 lần.

Amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Nói về cơ chế gây bệnh ung thư do amiăng, PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm: “khi sợi Amiăng được hít vào qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi và tồn tại trong một thời gian dài do quá trình thanh thải thường thất bại. Sợi amiăng không được thanh thải sẽ gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như bệnh bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10 năm đến 40 năm.

Cũng tại hội thảo, GS.TS, Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, trình bày tham luận về cơ sở khoa học của việc dừng sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam cho biết: “Những người có thời gian tiếp xúc trên 20 năm là nhóm phải đặc biệt chú ý vì khả năng mắc bệnh của nhóm này khá lớn, do số năm tiếp xúc đủ để mắc bệnh liên quan đến Amiang.

Theo ông Lê Vân Trình cách hiệu quả nhất để loại bỏ bệnh liên quan đến Amiăng là ngừng sử dụng tất các loại Amiăng. Bởi vì hiện nay chúng ta đã có rất nhiều vật liệu thay thế và tương đương tốt hơn.

Thông tin rộng rãi các giải pháp thay thế Amiăng bằng các vật liệu an toàn hơn và áp dụng các cơ chế kinh tế và công nghệ để kích thích sản xuất và áp dụng các vật liệu thay thế. Áp dụng ngay các biện pháp ngăn ngừa phơi nhiễm với Amiăng tại nơ sản xuất, chỗ sử dụng và trong quá trình loại bỏ Amiăng...

Huyền Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/nguy-co-ung-thu-do-amiang-trang-trong-tam-lop-fibro-ximang-489030.html