Nguy cơ xung đột thương mại gia tăng
Quyết định áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố là nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước đang gặp khó khăn. Song, động thái này lại 'gây sốc' cho nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ, đồng thời làm tăng nguy cơ 'chiến tranh thương mại' trên nhiều mặt trận, tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.

Biếm họa: LUO JIE
Quyết định có hiệu lực từ ngày 4/3 tới, theo đó mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chịu thuế suất tăng từ mức 10% lên 25%, không có quy định ngoại lệ hay miễn trừ. Mức thuế này sẽ áp dụng cho hàng triệu tấn thép và nhôm từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và một số quốc gia khác trước đó được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.
Chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng loại bỏ một loạt quy định về miễn trừ thuế quan đối với các sản phẩm cụ thể thuộc cả hai kim loại này. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về yêu cầu miễn thuế đối với thép của Australia, với lý do Mỹ có thặng dư thương mại với Australia. Mỹ cũng áp dụng tiêu chuẩn mới đối với khu vực Bắc Mỹ, theo đó thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải được “nấu chảy và đúc khuôn”. Tổng thống Trump còn cảnh báo tiếp tục xem xét thuế quan bổ sung với cả ô-tô, dược phẩm và chip máy tính.
Mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu đã được ông Trump áp dụng vào năm 2018 trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, khi viện dẫn Luật An ninh quốc gia. Song, Canada, Mexico, Australia được cấp quy chế miễn trừ; Brazil, Hàn Quốc và Argentina đạt thỏa thuận về hạn ngạch miễn thuế. Sau đó, người kế nhiệm là cựu Tổng thống Joe Biden tiếp tục đạt thỏa thuận miễn thuế với Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Trong quy định thuế quan mới công bố, các quy chế trên đã bị loại bỏ. Theo Tổng thống Trump, “phiên bản 2.0” về thuế nhôm, thép sẽ giúp chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp nhôm, thép với vai trò “xương sống” của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Cố vấn Thương mại Peter Navarro cũng nhấn mạnh, biện pháp áp thuế sẽ góp phần củng cố an ninh quốc gia qua việc tăng cường năng lực cho các nhà sản xuất nhôm, thép của Mỹ.
Các nhà sản xuất nhôm, thép của Mỹ lập tức hoan nghênh quy định mới. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất thép Philip Bell nhận định, mức thuế và các quy chế về miễn trừ, hạn ngạch trước đây dựa trên “dữ liệu đã lỗi thời”, tức là khối lượng nhập khẩu của giai đoạn 2015-2017, mà không phản ánh thị trường hiện tại. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, năm 2023 các nhà máy luyện nhôm của Mỹ chỉ sản xuất được 670.000 tấn, thấp hơn nhiều so mức 3,7 triệu tấn năm 2000. Việc đóng cửa các nhà máy khiến Mỹ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chủ yếu từ Canada, Trung Quốc... Nguồn thép nhập khẩu cũng chiếm khoảng 23% lượng tiêu thụ tại Mỹ năm 2023, nhiều nhất là từ Canada, Brazil và Mexico. Hàn Quốc, Anh cũng là nhà cung cấp thép lớn cho Mỹ.
Một loạt quốc gia, đối tác đã bày tỏ bất bình và dọa đáp trả quyết định áp thuế của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố “không thấy lý do chính đáng nào” để Mỹ áp dụng thuế quan với nhôm, thép của EU. Nêu rõ việc áp mức thuế cao có hại cho tất cả các bên, Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump không triển khai kế hoạch thuế mới. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cảnh báo EU sẽ trả đũa nếu Mỹ triển khai chính sách thuế quan.
Khẳng định mức thuế Mỹ dự định áp dụng là hoàn toàn vô lý, Bộ trưởng Công nghiệp Canada nhấn mạnh: Thép và nhôm của Canada đang hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ, từ quốc phòng, đóng tàu đến năng lượng, sản xuất ô-tô và góp phần giúp khu vực Bắc Mỹ trở nên cạnh tranh, an toàn hơn. Brazil cũng cảnh báo sẽ áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ, đáp lại thuế quan Mỹ áp dụng với thép của Brazil. Trong khi đó, Chính phủ Anh đang chuẩn bị ứng phó tác động từ mức thuế mới của Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc thảo luận với các nhà sản xuất thép trong nước về ứng phó tác động do Mỹ áp thuế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguy-co-xung-dot-thuong-mai-gia-tang-post859799.html