Nguy hiểm đã được cảnh báo
Chung cư mini là loại hình nhà ở tư nhân được chia nhỏ để bán, cho thuê. Do luật không quy định về loại hình này dẫn đến hệ lụy rất lớn, khi nhiều công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Nhiều nguy cơ về cháy nổ
Ghi nhận tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nơi tập trung số lượng lớn nhất về chung cư mini cho thấy, rất nhiều tòa nhà dạng này đã kín chỗ. Tại phố Khương Hạ (gần nơi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng), riêng tại ngõ 29/42 phố Khương Hạ đã có tới 3 chung cư mini. Tại các số nhà 4, 11A, 15F là các tòa chung cư mini lớn, xây dựng từ 7-10 tầng. Đặc biệt tòa chung cư mini 15F là dãy nhà rộng với gần 100 căn hộ...
Cách đó không xa, hai ngõ sát nhau cũng được xây dựng chung cư mini là ngõ 118 và 122 Vương Thừa Vũ (phường Khương Trung). Ông Cảnh (số 18 ngõ 122 Vương Thừa Vũ) cho biết, chung cư mini với hơn 30 hộ dân về đây sinh sống lớn hơn cả số hộ dân trong ngõ. Dĩ nhiên khi một lượng người quá lớn đổ về gây nên tình trạng rác thải bừa bãi, xe máy chặn lối đi, nước sạch thiếu áp lực... “Đặc biệt là vấn đề PCCC, nếu xảy ra cháy, chúng tôi cũng bị liên lụy, không biết chạy đi đâu vì đây là ngõ cụt”, ông Cảnh nêu.
Đáng chú ý, chung cư mini số 6 ngõ 122 Vương Thừa Vũ là công trình xây dựng sai phép ngay từ tầng 1. Công trình được chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ thành nhà bán cho nhiều hộ dân ở; mật độ xây dựng từ 74% thành gần 100%; vượt quá chiều cao cho phép, trong GPXD chỉ cho phép 6 tầng (gồm tầng bán hầm, tầng lửng, tum thang) nhưng đã vượt lên tầng 9. Công trình này báo Tiền Phong đã nêu nhiều lần vào các năm 2017, 2018, tuy nhiên đến nay chỉ có các lãnh đạo phường thời điểm đó bị kỷ luật, điều chuyển; sai phạm chưa được xử lý dứt điểm.
Theo người dân tại ngõ 122 Vương Thừa Vũ, do các tầng đều đã có người ở nên người dân đã có thỏa thuận với quận không tiếp tục cưỡng chế. “Tuy nhiên, việc xây dựng sai phép đã khiến công trình không còn lối thoát hiểm, nếu xảy ra cháy thì vô cùng nguy hiểm”, một người dân chia sẻ.
Không nên “luật hóa” chung cư mini?
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2018, sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản. Năm 2020, đơn vị tiếp tục có báo cáo thành phố, hướng dẫn để các quận, huyện khắc phục những vi phạm của chung cư mini. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, luật không có từ nào nhắc đến chung cư mini, đây đều là các dạng nhà ở riêng lẻ, tự xây dựng rồi tách ra bán cho khách hàng. Vì lợi nhuận nên nhiều dạng nhà ở này đã xây dựng mật độ cao hơn diện tích được cấp, xây dựng vượt tầng, không đảm bảo các điều kiện PCCC.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nhận định, vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình là “khủng khiếp”, vì trong một con ngõ nhỏ xe ô tô không vào được nhưng lại xây một tòa nhà chung cư mini cao đến 10 tầng, trên diện tích khoảng 200m2, có tới 45 hộ dân với khoảng 150 người sinh sống. Dù có mang lại nhiều lợi ích trước mắt nhưng theo ông Đỉnh, loại hình này là một “vấn nạn” của đô thị. Do đó, ông Đỉnh cho rằng không nên luật hóa cho chung cư mini.
Theo chuyên gia, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang đề xuất loại hình này với tên “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”. Trong đó cho phép hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở vài trăm m2 thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (trình Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 8/2023) cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ. Ông Đỉnh cảnh báo, nếu luật được thông qua, vấn nạn an toàn PCCC, quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ chồng chất thêm cho chính quyền các đô thị Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...
Từ đó, vị chuyên gia trên đề nghị không nên “luật hóa” chung cư mini, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ loại hình này, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini. “Có như thế mới không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị”, ông Đỉnh nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguy-hiem-da-duoc-canh-bao-post1568896.tpo