Nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá đối với học sinh từ 13 đến 15 tuổi tại Việt Nam do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, một thông tin đáng ngại được đưa ra là: Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022. Thực trạng này đòi hỏi cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức.

Tỷ lệ học sinh dùng thuốc lá điện tử tăng

Giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sự kiện trong cộng đồng tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận. Có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, công tác truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được tăng cường. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học.

Lực lượng sinh viên tham gia tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Lực lượng sinh viên tham gia tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, công tác PCTH của thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ở đối tượng này đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13 đến 15, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ, Phó giáo sư (PGS), TS Kim Bảo Giang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm và xây dựng các chiến lược PCTH của hút thuốc lá điện tử. Đồng thời, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến, như: Nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khuôn viên nhà trường... “Tiếp tục tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhất là tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, internet và đổi mới hình ảnh cảnh báo để có tác động mạnh mẽ hơn đến người sử dụng...”, PGS, TS Kim Bảo Giang nói.

Cần có chế tài mạnh hơn

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): “Thuốc lá điện tử cũng tác động đến thần kinh như gây đau đầu, chóng mặt, hốt hoảng, lo lắng, giảm tập trung, khó ngủ và gây nghiện. Bởi vì trong thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn ra bất tỉnh. Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não...”. Bác sĩ cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về tác hại của thuốc lá điện tử với tim mạch như gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, thuốc lá điện tử cũng gây các tác dụng khác đối với hô hấp, như: Viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng, nguy cơ ung thư.

Nhận định về vấn đề này, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá cho rằng: Nếu không hành động hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ phải đối mặt với tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử cho cộng đồng. Một số nhóm giải pháp đặt ra, đó là: Nghiên cứu bổ sung các quy định về phòng, chống thuốc lá nung nóng/thuốc lá điện tử vào Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản dưới luật; nghiên cứu đánh giá và đưa ra bằng chứng tích cực hơn nữa và cùng các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để truyền thông, cùng xây dựng các chế tài quyết liệt hơn nữa để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi trào lưu này.

Để hạn chế tình trạng hút thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian tới, cần tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm sức mua; đồng thời thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bán thuốc lá, đặc biệt quản lý trên các kênh mạng xã hội, internet... Cùng với đó, xây dựng ban hành chính sách quy định về cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới. Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết, trên thế giới hiện nay có nhiều xu hướng khác nhau đối với các loại thuốc lá điện tử. Hiện đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cấm bán hoàn toàn đối với các loại thuốc lá điện tử; 3 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây cũng được xem là quy định cấm bán, bởi chưa có nhà sản xuất nào trải qua quy trình pháp lý để đạt giấy phép chứng nhận là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguy-hiem-tu-thuoc-la-dien-tu-715397