Nguy kịch vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Thăm khám bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVCC.

Thăm khám bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ nhất là ông N.N.D., 64 tuổi ở Bắc Giang. Ông D. phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm, 3 năm gần đây đã điều trị thuốc kháng virus. Tuy nhiên, 5 tháng trở lại đây, ông đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B.

1 tháng trước, ông D. xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần nên đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần ông được xuất viện. Khi về nhà, ông D. thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị. Một ngày sau ông D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Ông D. nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán: Suy gan cấp - xơ gan - viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.

Trường hợp thứ 2 là ông T.N.T., 64 tuổi đến từ Hưng Yên. Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B, C, không uống rượu bia. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T. có uống thuốc đông y (uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt).

Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, thấy xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém, bệnh nhân đã nhập viện và được điều trị tại viện 2 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) phân tích: Suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường. Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như hội chứng não gan, bệnh nhân có thể hôn mê do gan, rồi bệnh nhân có thể bị hội chứng gan thận tức là suy thận do gan. Nếu suy gan quá nặng, tiên lượng tử vong có thể lên đến từ 50 - 70%. Còn viêm gan nhiễm độc là viêm gan do các chất độc gây ra, các chất độc này có thể là rượu, có thể là thuốc hoặc có thể là hóa chất... Khi những chất độc này vào cơ thể, chúng làm hủy hoại tế bào gan, dần dần làm suy giảm chức năng gan. Khi gan không đảm bảo được các chức năng bình thường thì dẫn đến suy gan, suy đa tạng như hội chứng não gan, hội chứng gan thân. Khi đó bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan, tiên lượng tử vong cao.

Thực tế, tình trạng người dân tự ý bỏ thuốc khi đang điều trị bệnh mạn tính và sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc như 2 bệnh nhân nói trên không hề hãn hữu, bất chấp những cảnh báo từ các bệnh viện, các chuyên gia y tế trong suốt những năm qua.

Phân tích về nguyên nhân của thực trạng này, BS Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) lý giải, Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, nhiều bài thuốc gia truyền, do vậy, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc nam vì quan niệm những loại thuốc này lành tính. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, không được cấp phép nhưng bán tràn lan.

Đáng báo động hơn, theo chuyên gia, ở nước ta, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian không rõ thành phần, khiến việc xác định thuốc trở nên khó khăn. Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới 2 tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam nhấn mạnh, dù thuốc nam có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh, song các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc nam. Vì vậy, người dân không nên chạy theo quảng cáo thần thánh hóa thuốc nam.

“Hiện nay nhiều người khi bị bệnh đã lựa chọn thuốc nam điều trị nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ và chữa bệnh theo kiểu nghe người này, người kia giới thiệu nên đã có trường hợp gặp phải những cơ sở, thầy lang trộn tây y vào thuốc nam để chữa bệnh. Bản thân tôi từng tiếp nhận và điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân chữa bệnh nhưng lại mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc nam trộn lẫn thuốc tây mà không biết” - ông Cảnh thông tin.

Cũng theo ông Cảnh, cần phải tăng cường kiểm soát vấn nạn quảng cáo thuốc nam tràn lan trên mạng xã hội, thổi phồng công dụng khiến nhiều người bị lừa. Việc quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm ảnh hưởng đến ngành đông y, tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc đông y.

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) khuyến cáo, khi người dân uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng thì phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-kich-vi-uong-thuoc-nam-khong-ro-nguon-goc-10277955.html