Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: 'Người đi tìm hình của nước'

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Hành trang của Nguyễn Tất Thành lúc đó là truyền thống lịch sử hàng nghìn năm với sức sống mãnh liệt của một dân tộc; truyền thống đoàn kết, đấu tranh dựng nước và giữ nước...

Tháng 12-1920, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu

Tháng 12-1920, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu

Cùng với truyền thống tư tưởng và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong hành trang của Nguyễn Tất Thành lúc rời Việt Nam ra đi còn có những thành quả tư tưởng phương Đông, nhất là của hai nền văn hóa lớn Trung Quốc và Ấn Độ, qua nhiều thế kỷ giao lưu phần nào đã hội nhập vào văn hóa Việt Nam và được Nguyễn Tất Thành tiếp thu qua giáo dục của gia đình, của nhà trường và cuộc sống xã hội.

Trên bước đường hoạt động, Nguyễn Tất Thành đã hòa mình vào quần chúng cần lao, trong giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ; đến các nông thôn hẻo lánh ở New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp), Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Năm 1917, Người trở lại Pháp tham gia phong trào công nhân Pháp. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp. Người còn thành lập và điều hành tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa. Chính qua những tổ chức đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc đã học được cách tổ chức những phong trào, thấu hiểu yêu cầu và nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và sức mạnh to lớn khi họ được đoàn kết lại.

Đến giữa năm 1923, Người rời nước Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương Lênin vĩ đại. Ở đây, Người có những điều kiện thuận lợi để tiếp thu đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, quan sát trực tiếp nước XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời và tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Khi tìm được con đường đấu tranh cứu nước đúng đắn từ lý luận của Mác, từ quan điểm về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin và từ tấm gương của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo con đường cách mạng của Lênin, của Quốc tế Cộng sản. Đó là sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Đồng tình với quan điểm của V. I. Lênin, sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng muốn thắng lợi bắt buộc phải có tổ chức lãnh đạo. Vấn đề tổ chức và cán bộ được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh cùng với việc xác định đúng đắn con đường đấu tranh cách mạng. Người đã suy nghĩ về vấn đề tổ chức phong trào cách mạng và xây dựng Đảng cách mạng ở Việt Nam. Trước khi rời Paris, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”1.

Tại Moscow (Liên Xô), Người làm việc ở Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản. Vấn đề mà Người quan tâm trước tiên là gây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ cho cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc tế Cộng sản hãy chú ý đến việc đào tạo cán bộ cho cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới. Theo Người, đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc khẩn thiết đề nghị Quốc tế Cộng sản cần tuyển lựa đảng viên và đào tạo cán bộ cách mạng là người thuộc địa, bằng cách gửi họ sang học ở Trường Đại học Phương Đông tại Moscow. Được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, nhiều thanh niên Việt Nam sang học tại trường này, trong số đó, nhiều người đã trở thành cán bộ xuất sắc của Đảng.

Trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang đào tạo ở Trường Đại học Phương Đông, trong đó có các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng... Cũng trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, khi hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước Việt Nam. Lớp đầu tiên mở vào khoảng cuối năm 1925, đầu năm 1926 với 10 học viên. Mỗi lớp khoảng một tháng rưỡi. Trường huấn luyện chính trị đặt tại ngôi nhà số 13, đường Diên An (Quảng Châu)... dưới sự giúp đỡ của Chính phủ Quảng Châu và đoàn cố vấn Liên Xô.

Tham gia giảng dạy có Nguyễn Ái Quốc, bà Liêu Trọng Khải (Trung Quốc), vợ chồng B. Bôrôđin, A. Páplốp (Nga), Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Các học viên được nghiên cứu nhiều nội dung về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước, chủ nghĩa Tam dân, chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Nga, lịch sử các tổ chức Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, công tác bí mật, các hình thức tuyên truyền, cổ động học viên còn học cách diễn thuyết, cách làm báo... Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Tổng số học viên cho đến tháng 4-1927 là 10 lớp với khoảng 250-300 học viên. Đại đa số học viên học xong đã trở về Việt Nam, về Xiêm hoạt động cách mạng. Một số được gửi đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông.

Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy lùi các khuynh hướng cải lương và dân tộc hẹp hòi của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, đấu tranh chống lại các khuynh hướng “tả” và “hữu” để gây dựng nên một nền tư tưởng “Bônsêvích”, thực hiện “Bônsêvích hóa” tư tưởng quần chúng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vị trí chủ đạo trong phong trào cách mạng.

Cùng với việc truyền bá mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, những người được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin đầu tiên đã lăn lộn vào phong trào quần chúng, tổ chức, cổ vũ quần chúng đấu tranh với địch đòi quyền dân sinh, dân chủ, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị để giác ngộ quần chúng công nông, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập tổ chức tiền thân của Đảng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những cán bộ cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi.

Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, nhất trí thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm.

Trải qua hành trình 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước (1911-1941), Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục quyết tâm thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hiện thực hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa nước Việt Nam ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.192-289.

Nguyên Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguyen-ai-quoc-ho-chi-minh-nguoi-di-tim-hinh-cua-nuoc-post451417.html