Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nhà minh triết trong lịch sử Việt Nam

Hải Phòng là quê hương của nhiều vị khoa bảng lỗi lạc trong lịch sử, như: Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên), Trạng nguyên Trần Tất Văn (An Lão), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… Đặc biệt trong đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị Trạng nguyên triều Mạc thế kỷ XVI, mà tên tuổi, tầm vóc của ông còn âm vang mãi đến ngày nay.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thiên tài kiệt xuất, nhà tiên tri của Việt Nam

Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là hình mẫu của thực học, thực tài, sớm trở thành chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Triết học, Lý học. Chính vì vậy, ông được sứ nhà Thanh sau này ca ngợi là “nhà Lý học duy nhất của An Nam”. Nhà bác học Phan Huy Chú thời nhà Nguyễn thì nhận xét “ông hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch, mưa nắng, họa phúc đều biết trước”.

Ông bỏ qua 8 khoa thi liên tiếp, đến khi nhận ra Vua Mạc Đăng Doanh là minh quân mới ứng thi để giúp nước. Điều đó không chỉ biểu thị thái độ của kẻ sĩ với triều đình mà còn thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn về thế sự và thời cuộc của trí thức - GS. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

Ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Suốt 8 năm làm quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thể hiện phẩm chất một vị quan thanh liêm, có thái độ đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, lộng quyền của tầng lớp quan lại thoái hóa biến chất.

Sau khi Mạc Đăng Doanh qua đời, triều chính suy vi, chính sự hỗn loạn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ đòi Vua Mạc Phúc Hải trị tội 18 lộng thần nhưng không được quan tâm, ông đã cáo từ quan về quê dạy học. Tiếng là về ở ẩn nhưng vị cư sĩ thông kinh, bác quyền vẫn không quay lưng với thời cuộc. Ông được cả ba họ đang đấu tranh quyền lực với nhau tin kính và đã đưa ra những lời chỉ dẫn mà La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, danh sỹ cuối thời Lê nhận định là “một lời yên ba họ, sau trước việc đều thông”.

Ông khuyên Nguyễn Hoàng nên tiến về phía Nam để lập nghiệp với câu nói nổi tiếng “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là “Hoành sơn một dải, dung thân muôn đời”. Lời chỉ dẫn có tầm nhìn chiến lược về vùng đất phía Nam không chỉ để Chúa Nguyễn xây dựng đại nghiệp mà còn giúp lãnh thổ Đại Việt được mở rộng gần như gấp đôi. Lời khuyên của Trạng Trình có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam hiện nay, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Với Chúa Trịnh, ông nhắc “giữ chùa thờ Phật được ăn oản” với hàm ý không được hạ bệ Vua Lê để duy trì tính cân bằng và ổn định của triều đình và đất nước. Khi nhà Mạc suy yếu, ông khuyên Vua chạy lên đất Cao Bằng thì có thể duy trì thêm ba đời, thực tế đúng như vậy. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được coi là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền Biển Đông với câu thơ “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang khẳng định, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lâu đã nổi tiếng như một nhà tiên tri nhìn thấu được tương lai. Ông cũng được biết đến như một danh nhân văn hóa với nhiều tác phẩm thi văn có giá trị. Nhưng không chỉ dừng lại ở một nhân vật lịch sử kiệt xuất, một vĩ nhân trong lịch sử. Theo GS. Vũ Minh Giang, về tài năng, trước hết phải thấy đây là bậc kỳ tài với việc giành ngôi Trạng nguyên trong khoa thi năm Bính Thân (1536) và ngay sau đó được giao phó làm Đông Các hiệu thư, phụ trách việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư quan trọng của triều đình, công việc dành cho người giỏi chữ nghĩa, cẩn trọng và đáng tin cậy.

TS. Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng chia sẻ thông tin tại Hội thảo vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2024.

TS. Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng chia sẻ thông tin tại Hội thảo vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2024.

Trong “gia tài” tri thức mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Về hai chữ Việt Nam, chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên dùng để chỉ tên đất nước, rồi đến đời Vua Gia Long (triều Nguyễn) dùng làm tên nước chính thức cho đến nay.

Về thơ chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân am thi tập với khoảng một nghìn bài. Về thơ chữ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập nhưng không rõ có tất cả bao nhiêu bài. Ngoài ra, ông để lại nhiều bài văn bia và sấm ký. Ông được coi là người viết nhiều thơ văn nhất trong năm thế kỷ đầu tiên của nước ta…

Thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam chia sẻ, trong những năm qua, chính quyền và Nhân dân TP Hải Phòng đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể nhằm gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những di sản của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại. Hải Phòng đã nhiều lần tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc. Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đưa lễ hội Đền thờ Trạng Trình ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đặc biệt, nhằm ghi nhận, tôn vinh ông, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, người thầy của muôn đời, danh nhân văn hóa, UBND TP Hải Phòng đã quyết định thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân kỷ niệm 450 năm Ngày mất của danh nhân (1585 - 2035), khẳng định tầm vóc lớn lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.

TS. Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hải Phòng cho biết, nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đã manh nha từ thời trung đại bởi các ghi chép, bàn luận, đánh giá trong tác phẩm các bậc trí thức. Năm 1945, Tuyết Giang phu tử của Chu Thiên ra đời mang lại những nhận thức cơ bản nhất về bối cảnh xã hội, đóng góp và giá trị của ông trên lĩnh vực văn học cũng như các truyền thuyết liên quan. Cũng từ đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành đề tài nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học, là mảnh đất tri thức phong phú mà các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực thuộc khối khoa học và xã hội và Nhân dân quan tâm…

TP Hải Phòng đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh công nhận Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh trong bài: PV)

TP Hải Phòng đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh công nhận Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh trong bài: PV)

TS. Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh: Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, thực hiện Kế hoạch số 130/KH-BVĐ ngày 29/12/2023 của Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sở VH&TT Hải Phòng xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thảo cấp TP với mục đích làm rõ vấn đề: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ XVI; thân thế, sự nghiệp, nhân sinh quan, thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm; vai trò và ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử Việt Nam, di sản văn hóa liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm; xây dựng niềm tự hào của người Hải Phòng về danh nhân văn hóa, giáo dục truyền thống hiếu học, sáng tạo, trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương, đất nước…

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt năm 2016. Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến nay, Việt Nam có 7 người được UNESCO vinh danh gồm: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời Vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ nổi tiếng học rộng, mẹ là con út của quan Tiến sĩ Thượng thư Bộ hộ triều Vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên “to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi”, sớm được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm... Đến tuổi trưởng thành, ông tìm đến bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) để tầm sư học đạo.

Uyên Na - Đông Bắc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguyen-binh-khiem-nha-minh-triet-trong-lich-su-viet-nam-post538400.html