Nguyên Bình thắp sáng niềm tin bình đẳng giới ở vùng sâu, vùng xa
Từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nguyên Bình tích cực triển khai Dự án 8 'Bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE)' với nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân hưởng ứng, thắp sáng niềm tin BĐG ở vùng sâu, vùng xa.
Khơi dậy nhận thức - Thay đổi từ gốc rễ
Huyện Nguyên Bình có 18 xã, thị trấn với 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế - xã hội chậm phát triển nên còn những tập tục, định kiến lạc hậu về giới chưa được xóa bỏ. Vì vậy, triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện xác định đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG cho cộng đồng xã hội, PN&TE vùng DTTS để khơi dậy nhận thức, làm thay đổi từ gốc rễ về BĐG - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nguyên Bình Triệu Thị Hoa cho biết.
Nhiều hình thức tuyên truyền BĐG đã được Hội LHPN huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể tổ chức với nhiều hình thức phù hợp tại cơ sở thu hút các tầng lớp xã hội, phụ nữ DTTS tham gia. Tổ chức tập huấn và thành lập 82 Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) tại các xã, thị trấn với 650 thành viên là cán bộ cơ sở tham gia. Tổ TTCĐ tăng cường truyền thông 300 buổi cho hơn 3.000 lượt người nghe về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyên Bình tổ chức Hội thi “Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới”.
Hội LHPN huyện, xã, thị trấn tổ chức Hội thi “Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới” với sự tham gia của các Tổ TTCĐ, xây dựng chương trình truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, các chiến dịch truyền thông BĐG tại chợ phiên các xã, thị trấn, những sự kiện văn hóa tại cơ sở, tạo cơ hội cho đồng bào DTTS được nghe tuyên truyền về BĐG. Các Tổ TTCĐ tại các xã, xóm trở thành cầu nối giữa chính sách và người dân, giúp lan tỏa thông điệp về BĐG và quyền PN&TE. Các cuộc thi tại cơ sở do Tổ TTCĐ tuyên truyền chú trọng đưa ra những tình huống trong đời sống gia đình, sự trói buộc bởi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình. Từ đó, đưa ra thông điệp cần phải xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, thay đổi những tập tục lạc hậu có hại, thực hiện BĐG, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, văn minh. Hội thành lập Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của những đổi thay” tại các trường, tổ chức các hoạt động truyền thông, sinh hoạt cho các em học sinh chủ đề về BĐG, xóa bỏ định kiến, tập tục lạc hậu về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Chị Triệu Mùi Liên, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc cho biết: Tôi là phụ nữ dân tộc Dao vốn nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhà, không tham gia hoạt động xã hội. Năm 2024, khi tôi và chồng đi chợ phiên được xem Hội LHPN xã tổ chức truyền thông các tình huống về BĐG, biểu diễn kịch về người chồng bắt vợ phải sinh nhiều con khiến phụ nữ yếu đi, hại về sức khỏe hay bị ốm, được y, bác sĩ đến khám và phân tích vợ chồng chỉ nên sinh 2 con để đảm bảo sức khỏe và nuôi dạy con… Tôi hiểu hơn vai trò, quyền của phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chồng tôi cũng hiểu phải có trách nhiệm hơn với vợ, con, không ép vợ sinh nhiều con nữa…
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền BĐG, Hội LHPN huyện còn xây dựng 6 Địa chỉ tin cậy cộng đồng để giúp PN&TE khi bị đối xử bạo hành gia đình sẽ đến lánh nạn và được cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể xã, xóm giúp đỡ, hỗ trợ, làm công tác hòa giải…
Nâng cao năng lực - Phụ nữ vươn lên khẳng định mình
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động của Tổ TTCĐ, Hội LHPN huyện còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS, giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị, góp phần thực hiện BĐG và tiến bộ xã hội. Tổ chức đối thoại với cấp ủy, chính quyền địa phương về chính sách với PN&TE để phụ nữ DTTS được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, tiếp cận các nguồn lực, chương trình, dự án để phát triển kinh tế gia đình, đào tạo nghề, tìm việc làm, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Chị Triệu Mùi Lai, dân tộc Dao, xóm Bản Chiếu, xã Phan Thanh chia sẻ: Trước đây, tôi suy nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhà, sinh con, không mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình nên gia đình nghèo. Khổ cực lắm! Năm 2023 - 2024, tôi được nghe Tổ TTCĐ tuyên truyền về BĐG, được tiếp cận với chính sách dân tộc hỗ trợ cho bà con DTTS vay vốn phát triển kinh tế. UBND, Hội LHPN xã tuyên truyền cho bà con về BĐG, lợi thế đất nông nghiệp xã phù hợp với trồng cây dong riềng lấy bột để sản xuất miến dong; tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên phụ nữ… tôi đều tích cực tham gia tập huấn và mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng cây dong riềng làm bột dong để sản xuất miến và phát triển chăn nuôi. Đến nay gia đình tôi có thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng/năm và đã thoát nghèo.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người tại xã Thành Công (Nguyên Bình).
Gắn tuyên truyền về BĐG và tạo cơ hội tiếp cận các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đã tác động tích cực đến phụ nữ DTTS của huyện xóa bỏ dần định kiến giới, khuôn mẫu giới, phát huy vai trò, quyền năng của mình để vươn lên làm kinh tế, tham gia các phong trào thi đua. Hiện nay, số hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình do chị em phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo ngày càng tăng với mô hình trồng cây dong riềng, sản xuất miến dong, trồng chè hữu cơ chất lượng cao, trúc sào, chăn nuôi lợn đen, gà, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng… đã có nhiều hộ phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ vươn lên thoát nghèo. Góp phần giảm hộ nghèo của huyện bình quân 4 - 5%/năm.
Từ sự nỗ lực không ngừng của Hội LHPN huyện, quan tâm sát sao của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng, thời gian tới triển khai Dự án 8 sẽ ngày càng được cộng đồng xã hội hưởng ứng tham gia với cách làm mới, sát với thực tiễn đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn miền núi tiến bộ và văn minh.