Nguyễn Bình - trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Khi các tổ chức quân sự trong nước mâu thuẫn lẫn nhau, tướng Nguyễn Bình đã mưu trí, dũng cảm giải quyết tình hình, không phụ sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc phái viên quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong tác phẩm Trung tướng Nguyễn Bình, NXB Quân đội Nhân dân (2001), tác giả Nguyễn Thế Trường cho biết Nguyễn Bình sinh năm 1908 ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1928 ông tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, và năm 1929 bị thực dân Pháp bị bắt giam, đày ra Côn Đảo.
Tại đây, ông được Trần Huy Liệu giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Trong một lần bảo vệ Trần Huy Liệu trước sự tấn công của các phần tử cực đoan ở trong tù, ông bị đâm hỏng mắt trái. Năm 1935, ông ra tù và bị quản thúc tại địa phương song vẫn tích cực hoạt động và liên hệ với Trần Huy Liệu.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng tình thế này, ông chỉ huy đội vũ trang địa phương tập kích đồn Bần Yên Nhân. Sau đó, ông trở lại Hải Phòng cùng các đồng đội thành lập “Đệ tứ chiến khu” và nhanh chóng hạ các đồn Đông Triều, Chợ Bí, Uông Bí, giải phóng thị xã Quảng Yên. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Trung ương giao làm khu trưởng Khu Duyên hải Bắc Bộ.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn và trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Tình hình đã căng thẳng lại trở nên rối ren, phức tạp. Lực lượng vũ trang do Đảng thành lập ở Nam Bộ chưa đủ mạnh. Nhiều lực lượng vũ trang với nhiều xu hướng khác nhau nổi lên như: Các “sư đoàn dân quân cách mạng”, lực lượng bộ đội Bình Xuyên hầu hết là các anh hùng hảo hán, các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo… Tất cả các lực lượng này không có sự chỉ huy thống nhất từ trên, nhiều đơn vị thổ phỉ hóa, không ai nghe ai, thậm chí còn bắt, tước khí giới lẫn nhau, gây cản trở cho kháng chiến, đến mức người ta gọi là một “thời kỳ thập nhị sứ quân”.
Trong hoàn cảnh ấy, dù chưa từng gặp mặt (chủ yếu qua lời kể của ông Trần Huy Liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Nguyễn Bình về Hà Nội để giao nhiệm vụ vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang chống Pháp.
Khi đó, khó có ai hội tụ đủ các yếu tố như Nguyễn Bình. Không chỉ giàu lòng yêu nước, can đảm, vũ dũng hơn người, dám xả thân vì nghĩa, có tác phong anh hùng mã thượng, Nguyễn Bình còn có thuận lợi khi từng hoạt động trong Nam. Ông cũng chưa phải là đảng viên, nên dễ che mắt bọn mật thám.
“Bác giao cho chú đó. Chú hãy tỏ ra xứng đáng với lòng tin yêu của Bác và đồng bào miền Nam”. Bằng sự ân cần và giản dị đó, Nguyễn Bình nhanh chóng đồng ý vào Nam với tư cách là đặc phái viên của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 23/10/1945, Nguyễn Bình vào đến Thủ Dầu Một. Sau đó, ông đến Tổng hành dinh cơ quan lãnh đạo quân sự Nam Bộ để nhận công tác. Lúc này, các cơ quan lãnh đạo Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn hầu như đã bị tan rã trước sức tiến công ác liệt mới của quân đội Pháp. Ngay lập tức, ông viết bản thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ với quyết tâm sát cánh cùng nhân dân miền Nam chống Pháp.
Hai ngày sau, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức hội nghị tại Thiên Hộ (thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Hội nghị đã chỉ rõ những non yếu trong việc xây dựng lực lượng vũ trang và quyết định gấp rút xây dựng lực lượng. Hội nghị cũng chỉ ra lực lượng Bình Xuyên không bị thoái trào như các sư đoàn dân quân cách mạng. Đặc điểm của lực lượng này là có nhiều nét đẹp và nét xấu giống anh hùng hảo hán xưa, được “thời đại hóa” trên mảnh đất Nam Bộ dưới vai những tay anh chị xưng hùng nhất khoảnh. Nguyễn Bình biết rất rõ đặc điểm này. Vì vậy, ông đã lên kế hoạch sử dụng, cải tạo Bình Xuyên thành lực lượng có ích cho kháng chiến, cứu nước.
Ngày 20/11/1945, Nguyễn Bình triệu tập Hội nghị Quân sự tại An Phú (Gia Định) có mặt đầy đủ đại diện các đơn vị vũ trang. Hội nghị đã thảo luận vấn đề thống nhất chỉ huy tất cả các lực lượng vũ trang, phân chia khu vực hoạt động, đề ra chương trình chống Pháp và nhất trí cử Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.
Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ
Để nắm Bình Xuyên, Nguyễn Bình đã thu phục Dương Văn Dương (người có uy tín hàng đầu trong lực lượng) bằng cách đưa Dương lên chức Khu bộ phó. Đây là quyết định quan trọng đối với Ba Dương và bộ đội Bình Xuyên. Nó động viên tinh thần mọi người.
Ngày 16/01/1946, Ba Dương hy sinh khi vượt sông Soài Rạp từ Rừng Sác về Bến Tre cứu nguy cho mặt trận An Hóa - Giao Hòa. Liên chi đội 2 - 3 tổ chức lễ truy điệu Ba Dương và nghe Nguyễn Bình đọc quyết định của Chính phủ truy phong Dương Văn Dương quân hàm thiếu tướng.
Bộ đội Bình Xuyên cũng được củng cố tinh thần khi Năm Hà đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia buồn cùng gia đình đồng chí Dương Văn Dương. Từ những việc làm này, Nguyễn Bình đã thành công trong việc tranh thủ sử dụng lực lượng Bình Xuyên, một vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất để giải quyết tình trạng “Thập nhị sứ quân” ở Nam Bộ.
Trừ những phần tử thoái hóa, biến chất như Bảy Viễn, các lực lượng còn lại của bộ đội Bình Xuyên đều trưởng thành nhanh chóng, hòa nhập vào lực lượng quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến.
Bên cạnh việc giải quyết tình trạng “Thập nhị sứ quân” Nguyễn Bình còn chú trọng việc phát triển lực lượng vũ trang trên địa bàn đô thị. Để làm việc này, ông đã nhiều lần mạo hiểm đi sâu vào nội thành Sài Gòn để nghiên cứu tình hình.
Cuối tháng 3/1946, Hội nghị Xứ ủy quyết định chia Nam Bộ thành ba khu cho phù hợp với tình hình mới: Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng Khu 7. Tháng 6/1946, ông được kết nạp vào Đảng và được chỉ định tham gia Xứ ủy, đồng thời là Sứ quân ủy và Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.
Ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Bình, ngày 12/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thụ phong trung tướng cho ông (Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Ngày 21/3/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử ông làm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Nam Bộ. Trên cương vị mới, Nguyễn Bình đã cùng Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Nam Bộ tăng cường chỉ đạo việc xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, đồng thời trực tiếp chỉ đạo mặt trận quân sự Nam Bộ.
Giữa năm 1951, nhận được chỉ thị của Trung ương, Nguyễn Bình ra Việt Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ. Trên đường đi, ông đã hy sinh trên đất Campuchia ngày 29/9/1951. Sự ra đi đột ngột của ông là tổn thất vô cùng to lớn đối với quân đội ta. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến những diễn biến của tình hình quân sự Nam Bộ trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 29/02/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng ông Huân chương Quân công hạng Nhất. Ngày 29/2/2000, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của ông đưa về an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.