Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo xuất sắc thời kỳ đổi mới

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế đầy thử thách.

Cuộc đời đồng chí còn là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, một lòng tận tụy vì nước, vì dân.

1. Đồng chí Trần Đức Lương sinh ngày 5-5-1937 tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi. Lớn lên trong bối cảnh đất nước đang trải qua những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ nhỏ, đồng chí Trần Đức Lương đã thể hiện tư chất thông minh, hiếu học và lòng yêu nước nồng nàn.

Từ tháng 4-1955 đến tháng 9-1955, đồng chí tập kết ra Bắc, học sơ cấp địa chất Bộ Công Thương. Đây là mở đầu cho quá trình nhiều năm nguyên Chủ tịch nước gắn bó với ngành Mỏ - Địa chất, một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.

Đồng chí nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, được tín nhiệm giao giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành. Đồng chí là đồng tác giả công trình nghiên cứu lập "Bản đồ địa chất tỷ lệ 1/500.000 miền Bắc Việt Nam" (công trình hợp tác Xô - Việt trong các năm 1960-1965); đồng chủ biên cụm công trình nghiên cứu lập "Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000", công trình được xuất bản năm 1988, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005...

Đồng chí Trần Đức Lương từng là Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất (sau là Tổng cục Mỏ - Địa chất), Bí thư Ban Cán sự đảng Tổng cục.

Những kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ ngành Mỏ - Địa chất đã rèn giũa cho đồng chí Trần Đức Lương tầm nhìn chiến lược, khả năng tư duy, phân tích sắc bén và tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một lần thăm Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một lần thăm Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại

2. Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của đồng chí Trần Đức Lương là vào năm 1987, năm đầu tiên sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (Đại hội lịch sử mở ra thời kỳ đổi mới đất nước), đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 8-1997.

Giai đoạn này, đất nước ta đang đứng trước những thách thức lớn lao của thời kỳ đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là lúc Việt Nam bắt đầu mở cửa, phá vỡ thế bao vây cấm vận, chủ động hội nhập vào dòng chảy của khu vực và thế giới.

Với vai trò Phó Thủ tướng, đồng chí Trần Đức Lương đã cùng với tập thể lãnh đạo Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí đã dành nhiều tâm huyết chỉ đạo công tác nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách quốc gia. Đồng thời, đồng chí cũng tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đến năm 1997, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X, đồng chí Trần Đức Lương được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời gian đồng chí làm Chủ tịch nước từ tháng 9-1997 đến tháng 6-2006 là một trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động và ý nghĩa đối với Việt Nam. Đây là thập niên mà Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi sự chỉ đạo linh hoạt, quyết đoán của Đảng và Nhà nước.

Với cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã cùng với Bộ Chính trị và Chính phủ đưa ra những đường lối, chủ trương đúng đắn để vượt qua khó khăn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Trên mặt trận đối ngoại, đồng chí đã thực hiện nhiều chuyến thăm và tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước. Đồng chí đã góp phần định hình đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ của đồng chí, Việt Nam đã gia nhập APEC (1998) và chuẩn bị các bước quan trọng để gia nhập WTO (2007), mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong chuyển thăm Hàn Quốc năm 2001. Trong chuyến thăm, hai nước đã tuyên bố thiết lập "Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21". Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong chuyển thăm Hàn Quốc năm 2001. Trong chuyến thăm, hai nước đã tuyên bố thiết lập "Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21". Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong chuyến thăm Pháp của đồng chí năm 2002. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong chuyến thăm Pháp của đồng chí năm 2002. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

3. Cùng với những thành tựu và đóng góp cho đất nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn là một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, sự gương mẫu và tinh thần nỗ lực không ngừng vì dân, vì nước. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết đoán nhưng cũng rất gần gũi, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.

Trong 88 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Đức Lương đã không ngừng phấn đấu và nỗ lực cống hiến hết mình từ vai trò người kỹ sư đến cán bộ lãnh đạo ngành Mỏ - Địa chất, rồi trên các cương vị như đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa V (dự khuyết), VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Phó Thủ tướng; Chủ tịch nước.

Trong suốt quá trình công tác, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Trần Đức Lương cũng luôn giữ vững sự liêm khiết, giản dị, chí công vô tư. Đồng chí luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, luôn trăn trở, tìm tòi những giải pháp hữu hiệu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Sự khiêm tốn, chân thành của đồng chí đã tạo nên một hình ảnh nhà lãnh đạo uy tín, được nhân dân kính trọng.

Đặc biệt, đồng chí luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết trong Đảng và trong toàn dân. Đồng chí là người chủ trương giải quyết các vấn đề một cách khách quan, khoa học, dựa trên thực tiễn và lợi ích quốc gia. Tinh thần làm việc nghiêm túc, sự cẩn trọng trong từng quyết sách, cùng với tấm lòng tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp chung đã tạo nên hình ảnh một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Trong bối cảnh đất nước ta ngày nay đang thực hiện cuộc cách mạng mới với quyết tâm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới phồn vinh, thịnh vượng, những di sản và bài học kinh nghiệm từ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vẫn còn nguyên giá trị. Đồng chí cùng với các thế hệ lãnh đạo giàu tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh của Đảng, Nhà nước ta đã đặt những viên gạch vững chắc, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của Việt Nam hôm nay và mai sau.

Cuộc đời và sự cống hiến của đồng chí Trần Đức Lương mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dân tộc.

Quốc Bình

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-nha-lanh-dao-xuat-sac-thoi-ky-doi-moi-703096.html