Nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam: Luôn mang trong tim hình ảnh đẹp của những người phụ nữ Việt Nam
Là một trong những nữ Đại sứ có thời gian làm việc và sinh sống nhiều năm tại Việt Nam, bà Samina Naz - Nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam - đã dành nhiều tình cảm cho đất nước, con người và đặc biệt là phụ nữ Việt Nam.
Trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, PV báo Phụ nữ Việt Nam đã cuộc trò chuyện với Đại sứ Samina Naz để lắng nghe những chia sẻ của bà về Tết sau một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
PV: Nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2023, bà đánh giá thế nào về những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Samina Naz: Năm 2023, Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao được 50 năm. Trong lịch sử, hai đất nước chúng ta có sự đồng điệu về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Cha già Dân tộc Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahma và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mơ ước về tự do cho nhân dân và cống hiến cả cuộc đời để thực hiện giấc mơ đó. Do đó, tôi cho rằng nhân dân của cả hai quốc gia cũng được kết nối bởi nhiều nét tương đồng trong văn hóa và niềm tin.
Là một Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, trong suốt 6 năm, bất chấp những thách thức toàn cầu do đại dịch Covid-19, tình hình xung đột giữa Ukraine và Nga, Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam đã luôn nỗ lực để phát triển mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Thời kì này, tôi rất vinh dự khi được chứng kiến sự mở rộng đáng kể của mối quan hệ song phương giữa Bangladesh và Việt Nam.
Theo đó, Cuộc Tham khảo Chính trị giữa Việt Nam và Bangladesh đã diễn ra 2 lần tại Thủ đô Dhaka (năm 2017 và 2023) đóng vai trò là "đòn bẩy" trong mối quan hệ song phương, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới và tăng cường mục tiêu thương mại.
Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai bên, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,35 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua mục tiêu 1 tỷ USD được đặt ra vào năm 2019. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Bangladesh đạt mức kỉ lục với gần 1,466 tỷ USD và gần 2 tỷ USD vào năm 2023. Với xu hướng này, kim ngạch thương mại Việt Nam - Bangladesh sẽ sớm chạm mốc đạt 2 tỷ USD, đóng góp tích cực cho ngoại giao kinh tế của Bangladesh với Việt Nam.
Tôi cũng nhận thấy Việt Nam ngày càng quan tâm tới Thị trường cộng đồng người Hồi giáo (Halal) của Bangladesh. Tại một hội nghị về "Thị trường Halal ở Đông Nam Á, Nam Á và Thái Bình Dương" do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức gần đây, bản thân tôi khi làm thành viên Hội đồng đã đề xuất rằng Bangladesh là một thị trường lớn và tiềm năng cho sản phẩm Halal. Bangladesh rất khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư và có thể xuất khẩu từ Bangladesh ra thị trường toàn cầu; đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh tại Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm Halal tại Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới. Tất cả đều hướng đến lợi ích của cả hai quốc gia.
Việt Nam cũng có thể xem xét việc nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Bangladesh như Dược phẩm, Hàng may mặc sẵn, Da và sản phẩm da, Gốm sứ, Vật liệu dệt, Sợi jute và hàng hóa từ jute, Vật liệu dệt và các sản phẩm khác như thực phẩm đông lạnh. Những mặt hàng nhập khẩu chính của Bangladesh từ Việt Nam là clinker xi măng, đá vôi, muối, lưu huỳnh, v.v. Đặc biệt, Bangladesh và Việt Nam có thể xem xét cách tăng cường hợp tác trong tương lai trong lĩnh văn hóa, bao gồm cả du lịch Phật giáo để khuyến khích người Việt Nam đến thăm các di tích Phật giáo tại Bangladesh.
PV: Qua những chia sẻ rất chi tiết của bà, có thể thấy bà đã dành rất nhiều tình cảm cũng như nỗ lực phát triển mối quan hệ của hai quốc gia. Trải qua hơn 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà có ấn tượng nào không thể quên khi nhắc đến Việt Nam?
Đại sứ Samina Naz: Để thúc đẩy tất cả các mối liên kết giữa Bangladesh và Việt Nam, tôi, với tư cách là Đại sứ, đã liên tục tham gia với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các nhóm kinh doanh và xã hội khác nhau để củng cố quan hệ ở tất cả các lĩnh vực giữa hai quốc gia. Tôi cũng chắp bút tổng cộng 6 bài viết "Bangladesh & Việt Nam: Hai kỳ quan kinh tế tại châu Á", đăng trên tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Việt Nam; xuất bản bài phát biểu của Vị Cha già đất nước Bangladesh bằng tiếng Việt từ tiếng Bengal để tiếp cận người dân tại Việt Nam. Tôi cũng tham gia hiến máu nhiều lần khi nhân dân Việt Nam cần gấp máu trong đại dịch Covid, sau đại dịch và sau đó Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam đã 3 lần tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện để giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân khác.
PV: Vậy còn Tết Nguyên đán của Việt Nam thì sao? Bà cảm nhận như thế nào về ngày này, thưa bà?
Đại sứ Samina Naz: 6 năm sống và trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam đã tạo ra một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi về đất nước và con người Việt Nam. Ngày Tết sum vầy đã tạo nên một liên kết sâu sắc giữa con người. Cá nhân tôi cảm nhận Tết không chỉ gói gọn trong một gia đình mà Tết còn là tình yêu, sự chia sẻ, sự hòa hợp, đoàn kết và trên tất cả, Tết mang thông điệp về hòa bình. Nó nhắc nhở chúng ta rằng không có gì quan trọng hơn hòa bình, sự đồng cảm, sự đoàn kết, sự kiên trì và lòng khoan dung, điều đó là thông điệp sâu sắc của Tết đối với tôi. Tôi rất trân trọng truyền thống của Việt Nam trong việc tổ chức lễ Tết.
PV: Quả thật, ngày Tết luôn là dịp đặc biệt nhất đối với mỗi người Việt Nam chúng tôi và cám ơn bà đã đưa ra một góc nhìn rất nhân văn về ngày lễ này. Vậy sau khi đã trải qua rất nhiều năm ở Việt Nam, tôi muốn biết đánh giá của bà về công tác thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực của phụ nữ Việt Nam trong suốt thời gian qua? Tôi được biết bản thân bà cũng là một nữ lãnh đạo có nhiều đóng góp cho hoạt động này tại Bangladesh.
Đại sứ Samina Naz: Tôi phải nói rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tôi rất ngưỡng mộ khi phụ nữ Việt Nam chiếm khoảng một nửa dân số và gần một nửa lực lượng lao động. Phụ nữ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong mọi lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục, nghiên cứu, sáng tạo và công nghệ, văn hóa, thể thao, duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc và mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Năm 2022, Việt Nam được công nhận là một trong mười quốc gia có hiệu suất tốt nhất trên toàn thế giới trong việc thực hiện mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và quyền lực cho nữ giới. Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới 2021-2030 được Việt Nam thông qua không chỉ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và doanh nghiệp của phụ nữ mà còn nhằm mục tiêu làm việc để tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và nam giới tham gia và hưởng thụ một cách công bằng trong lĩnh vực xã hội và đóng góp vào phát triển bền vững của quốc gia.
Cuộc đối thoại chính sách gần đây do Liên Hiệp Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự chuyển đổi số. Với những tiềm năng khổng lồ của nó sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, quyền lực của phụ nữ và giải quyết vấn đề bạo lực dựa trên giới thông qua công nghệ. Điều tuyệt vời là biết tại sự kiện đó, phụ nữ Việt Nam chiếm 37% lực lượng lao động liên quan đến công nghệ, con số cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 25%.
Không chỉ kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Việt Nam còn có một ngày dành riêng cho phụ nữ Việt Nam là ngày 20/10. Điều này là duy nhất trên thế giới. Một điều phi thường ở Việt Nam là Hội LHPN Việt Nam còn có "Bảo tàng Phụ nữ" - nơi phản ánh vai trò của phụ nữ trong chính trị, xã hội và xây dựng quốc gia. Chúng tôi chứng kiến sự chăm chỉ và uy tín trong công việc của các bạn, chúng tôi rút ra sức mạnh và nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ chính chị em, phụ nữ.
Là Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, tôi đã được mời bởi Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, để chia sẻ như một khách mời đặc biệt trong Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2023. Điều này là một biểu hiện của mối liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia.
PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, bà có điều gì muốn nhắn gửi tới phụ nữ Việt Nam?
Đại sứ Samina Naz: Gửi đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam dũng cảm, gan dạ, làm việc chăm chỉ và đầy tình yêu thương, tôi muốn gửi gắm tới các chị, em những lời chúc tốt đẹp nhất và hy vọng rằng bạn sẽ tiếp tục cống hiến và nỗ lực không ngừng nghỉ. Phụ nữ có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn cho thế giới. Tôi sẽ luôn mang trong trái tim mình hình ảnh đẹp của những người phụ nữ Việt Nam và sự đóng góp tuyệt vời của họ đối với nhân loại.
PV: Xin cảm ơn bà rất nhiều về cuộc trò chuyện hôm nay. Chúc Đại sứ tiếp tục thành công trên cương vị mới!
Đại sứ Samina Naz là một nhà ngoại giao người Bangladesh. Năm 2017, Chính phủ Bangladesh đã bổ nhiệm bà Samina Naz làm Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam.
Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, bà đã phục vụ tại Đại sứ quán Bangladesh ở Hà Lan, tại Phái đoàn thường trực Bangladesh tại Liên hợp quốc ở New York, Cao ủy Bangladesh ở New Delhi, Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau.
Năm 2023, bà chính thức kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và chuyển đến công tác tại quốc gia khác.