Nguyên Đại sứ Úc: Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam

Nguyên Đại sứ Úc tại Việt Nam tin tưởng năm Ất Tỵ sẽ là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam, bước vào giai đoạn phát triển mới với những cơ hội mới.

Chiều ngày 26/12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp chào từ biệt Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội.

Chiều ngày 26/12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp chào từ biệt Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội.

Thông điệp năm mới của ông Andrew Goledzinowski từ Sydney, Úc.

Mở đầu cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam trong những ngày đầu năm mới, ông Andrew Goledzinowski – Nguyên Đại sứ Úc tại Việt Nam nói:

Chúng ta đang bắt đầu những ngày đầu năm mới của năm Ất Tỵ. Con rắn là biểu tượng của sự may mắn, đại diện cho sự chuyển mình, thay đổi và đổi mới.

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với những nhà lãnh đạo mới. Tôi thực sự ấn tượng và phấn khởi trước những định hướng mà đất nước đang theo đuổi. Họ đã có những bước đi táo bạo hướng tới một kỷ nguyên Đổi Mới, một kỷ nguyên sẽ giúp Việt Nam gặt hái thêm nhiều thành công vang dội trong tương lai.

Quá trình chuyển đổi này chắc chắn không hề dễ dàng, nó luôn đi kèm với những rủi ro và thách thức. Nhưng tôi thực sự hy vọng người dân Việt Nam sẽ đồng lòng ủng hộ các nhà lãnh đạo của mình trong hành trình chinh phục những mục tiêu này. Tôi tin rằng hình ảnh con rắn trong năm Ất Tỵ là biểu tượng hoàn hảo cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam, bước vào giai đoạn phát triển mới với những cơ hội mới.

Tôi nóng lòng muốn chứng kiến những thành tựu tiếp theo của các bạn. Việt Nam hiếm khi khiến người khác thất vọng, và tôi tin rằng những thành công của các bạn trong những năm tới sẽ làm cả thế giới phải kinh ngạc.

Đưa các nhà đầu tư và công nghệ vào Việt Nam

Tháng 10 năm 2024, Việt Nam và Úc đã ký kết Kế hoạch Hành động cho giai đoạn 2024-2027. Ông có thể chia sẻ một số mục tiêu chính của kế hoạch này, cũng như những kết quả bước đầu đã đạt được không?

Ông Goledzinowski: Quan hệ đối tác này được xây dựng trên nhiều trụ cột chính. Trước tiên phải kể đến thương mại và đầu tư. Từng có thời điểm, Úc là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam.

Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Mekong, đường dây điện 500 kV đầu tiên nối liền Bắc Nam, thiết lập liên kết vệ tinh và cáp quang biển đầu tiên. Đây là những đóng góp mang tính bước ngoặt, tạo nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, vị thế của Úc đã có phần giảm sút so với các đối tác khác như Hàn Quốc và Nhật Bản – những quốc gia hiện đang là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi tin rằng thời khắc của Úc đang quay trở lại. Khi Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị, phát triển nền kinh tế công nghệ cao và phức tạp hơn, sẽ có rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Úc. Đây chính là trụ cột thứ hai – tri thức và đổi mới sáng tạo, phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam. Lĩnh vực này đầy tiềm năng với nhiều cơ hội hợp tác, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai nước.

Thứ ba là giáo dục – nền tảng cho mọi sự phát triển. Người Việt Nam rất quen thuộc và tin tưởng vào hệ thống giáo dục của Úc. Hiện nay, có khoảng 100 chương trình hợp tác giữa các trường đại học hai nước, và tôi hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Trụ cột thứ tư là hợp tác an ninh và quốc phòng. Úc đã và đang hỗ trợ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bao gồm vận chuyển, huấn luyện và trang bị. Ví dụ, chúng tôi đã hỗ trợ đưa đón binh lính Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Châu Phi. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn được mở rộng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này. Thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức an ninh, và Việt Nam nằm trong một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.

Hai nước chúng ta có chung quan điểm về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế, và đây sẽ tiếp tục là nền tảng cho hợp tác quốc phòng song phương. Khi niềm tin chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố, tôi tin rằng hợp tác quốc phòng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trụ cột thứ năm tập trung vào hợp tác khu vực và quốc tế. Đối với Úc, ASEAN là trọng tâm trong chính sách đối ngoại tại châu Á, và chúng tôi cam kết hỗ trợ ASEAN. Trên bình diện quốc tế, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, cùng nhau thúc đẩy hòa bình, an ninh và luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, trụ cột thứ sáu là biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Úc đã công bố khoản viện trợ 100 triệu đô la để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đây là một lĩnh vực hợp tác quan trọng, và chúng tôi đang tích cực hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam.

Chương trình Aus4Innovation do CSIRO quản lý, là sáng kiến hàng đầu trị giá 33,5 triệu USD trong 10 năm nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chương trình Aus4Innovation do CSIRO quản lý, là sáng kiến hàng đầu trị giá 33,5 triệu USD trong 10 năm nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Theo ông, Úc đang có những thế mạnh về công nghệ tiên tiến hay ngành công nghiệp mới nổi nào có thể làm cơ sở cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước?

Ông Goledzinowski: Hiện nay, nước Úc đang có rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực này, và như anh/chị đã nói, đây là sự tiếp nối những nỗ lực đã có từ trước. Ví dụ, CSIRO - cơ quan khoa học quốc gia của Úc, là một tổ chức hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Họ nổi tiếng với việc phát minh ra Wifi, cùng nhiều thành tựu khác. CSIRO hiện chỉ có văn phòng tại ba thành phố trên thế giới – Washington, Singapore và Hà Nội. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc thúc đẩy hợp tác khoa học với Việt Nam.

Có rất nhiều lĩnh vực mà chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam, và các trường đại học của chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong việc này. Ở Úc, không phải mọi hoạt động nghiên cứu đều do chính phủ dẫn dắt. Nhiều đột phá đến từ các trường đại học và khu vực tư nhân, và họ đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển.

Ví dụ, tôi đã từng tham dự Giải thưởng VinFuture, một sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam nhằm tôn vinh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cách đây vài năm, một nhà khoa học người Úc đã giành giải thưởng này nhờ phát minh ra pin quang điện, một công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Trọng tâm của chúng tôi không chỉ là nghiên cứu mà còn là đưa các nhà đầu tư và công nghệ vào Việt Nam. Tôi đã nỗ lực thu hút các nhà đầu tư Úc có nguồn lực và chuyên môn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, đất hiếm và khoáng sản quan trọng của Việt Nam. Đây là những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thế kỷ 21, và Việt Nam có nhiều lợi thế để hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực này.

Ví dụ, những chiếc xe buýt điện đang lưu thông tại Việt Nam được sản xuất bởi VinFast, nhưng có sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với sự hỗ trợ của Úc. Tương tự, việc Vingroup triển khai hệ thống trạm sạc cũng có sự hợp tác với ADB và qua đó là Úc.

Như vậy, chúng tôi đang triển khai rất nhiều hoạt động, nhiều hơn những gì có thể đề cập trong cuộc phỏng vấn này. Và tôi tin tưởng rằng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu trong những năm tới.

Một lĩnh vực khác Úc đang dẫn đầu thế giới là công nghệ nông nghiệp tiên tiến. Ông có thể chia sẻ thêm về việc Úc có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, và Việt Nam có thể tận dụng những tiến bộ này như thế nào để phát triển và bảo vệ ngành nông nghiệp như thế nào?

Ông Goledzinowski: Đây là một lĩnh vực mà Úc có truyền thống hợp tác lâu dài với Việt Nam, và tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Một trong những nhân tố quan trọng trong lĩnh vực này là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR). Họ đã có văn phòng tại Đại sứ quán Úc ở Hà Nội hơn 30 năm qua, và trong thời gian đó, tổng vốn đầu tư của ACIAR vào Việt Nam đã lên tới gần 200 triệu đô la. Các phân tích độc lập cho thấy cứ mỗi đô la ACIAR đầu tư vào Việt Nam, giá trị tạo ra đạt khoảng 90 đô la – con số rất ấn tượng.

Một thành công ban đầu của ACIAR là góp phần phát triển ngành công nghiệp hạt mắc ca của Việt Nam. Mắc ca có nguồn gốc từ Úc, và nhờ sự hợp tác giữa ACIAR với các nhà khoa học Việt Nam, Việt Nam hiện đã có một ngành mắc ca đang phát triển rất tốt.

Ví dụ khác là ngành lâm nghiệp trồng keo, hiện đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la ở Việt Nam. ACIAR đã hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam để lai tạo ra những giống keo mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam. Tương tự, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ACIAR đã hỗ trợ lai tạo thành công giống cá mú mới – kết hợp giữa cá mú khổng lồ và cá mú hổ – hiện là một trong những sản phẩm nuôi trồng thủy sản thành công nhất về mặt thương mại của Việt Nam.

Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa. ACIAR không trực tiếp thực hiện nghiên cứu, mà họ tài trợ cho các chương trình hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học của Úc và Việt Nam. Cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả rất cao, cho dù đó là việc lai tạo các giống rau mới có thể trồng trên đất nhiễm mặn, hay hỗ trợ phụ nữ nông dân ở Tây Bắc cải thiện kỹ thuật đóng gói nông sản để bán được giá cao hơn tại Hà Nội.

Sản xuất lúa gạo là một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi phát triển 1 triệu ha lúa gạo phát thải thấp. Úc đã cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được 200.000 ha trong số đó thông qua một dự án của ACIAR.

Ông Goledzinowski chia sẻ rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là một yếu tố quan trọng trong quyết định rút ngắn nhiệm kỳ của ông, vì lý do sức khỏe của gia đình. Ảnh: Báo Thanh Niên

Ông Goledzinowski chia sẻ rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là một yếu tố quan trọng trong quyết định rút ngắn nhiệm kỳ của ông, vì lý do sức khỏe của gia đình. Ảnh: Báo Thanh Niên

Việt Nam cần mạnh dạn hợp tác công ty tư nhân nhân nước ngoài

Theo Ngài, làm thế nào để Việt Nam có thể cân bằng giữa tham vọng tăng trưởng kinh tế với nhu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường bền vững, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm và chuyển đổi sang các hoạt động xanh hơn?

Ông Goledzinowski: Tôi cho rằng chúng ta không nên nhìn nhận sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai yếu tố đối lập nhau. Trên thực tế, chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Ví dụ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực hiện một nghiên cứu về Việt Nam – mặc dù tôi không rõ báo cáo này đã được công bố hay chưa – trong đó họ tính toán thiệt hại kinh tế do ô nhiễm gây ra. Kết quả cho thấy ô nhiễm đang làm giảm hàng tỷ đô la GDP của Việt Nam. Nó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài – nhiều người thậm chí có thể không muốn đến đến Việt Nam nếu môi trường ở đây bị coi là nguy hiểm.

Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, cạnh tranh với các thành phố như Hồng Kông và Singapore. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần phải giải quyết những lo ngại về môi trường. Các gia đình sẽ không muốn chuyển đến sinh sống tại một thành phố nơi con cái họ phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Chi phí phải trả không chỉ là kinh tế, mà còn là sức khỏe. Nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng ô nhiễm không khí nghiêm trọng có thể làm giảm tuổi thọ trung bình 1,5 năm và làm tăng đáng kể chi phí y tế trong tương lai.

Vì vậy, thay vì coi tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là hai yếu tố đối nghịch, chúng ta nên nhìn nhận chúng là hai yếu tố bổ trợ cho nhau. Không khí sạch hơn và các chính sách môi trường tốt hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cải thiện sức khỏe cộng đồng, thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.

Tin tốt là Chính phủ Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Việc những cuộc thảo luận về vấn đề này xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo là một tín hiệu tích cực. Nó cho thấy Chính phủ sẵn sàng thừa nhận vấn đề và khuyến khích các cuộc đối thoại cởi mở. Đó là bước khởi đầu quan trọng.

Một vấn đề chính là việc đốt tàn dư cây trồng, góp phần đáng kể vào ô nhiễm theo mùa ở Hà Nội. Nông dân cần được giáo dục tốt hơn và tiếp cận với các lựa chọn thay thế. Hiện tại, đốt là lựa chọn rẻ nhất, và đối với những người sản xuất cận biên, đó thường là lựa chọn khả thi duy nhất. Chúng ta không thể đổ lỗi cho họ, nhưng chúng ta phải cung cấp các lựa chọn thay thế với giá cả phải chăng.

Một yếu tố quan trọng khác là chuyển đổi khỏi động cơ xăng. Sự gia tăng của xe máy điện cũng sẽ có tác động rất lớn. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xe máy chạy bằng xăng để đi lại, và việc thay thế chúng bằng xe máy điện sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí. Những khoản đầu tư này có vẻ tốn kém, nhưng chúng hoàn toàn đáng thực hiện.

Theo ông, Việt Nam có thể và nên thực hiện những bước đi cụ thể nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh?

Ông Goledzinowski: Tôi cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế là một bài toán phức tạp và đầy thách thức.

Một trong những người tiên phong trong việc giải quyết thách thức này là Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam tại London, và hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Tôi đã có nhiều dịp trao đổi với ông về vấn đề này và tìm hiểu cách thức Úc có thể đóng góp vào quá trình này.

Có một số công ty Úc đang bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại Việt Nam. Đây không phải là những dự án nhỏ, mà là những dự án trị giá hàng tỷ đô la, có công suất lên tới hàng gigawatt. Tin vui là công nghệ này đã sẵn sàng, và có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào Việt Nam ngay khi các điều kiện cho phép.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng. Ví dụ, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi gần đây là một bước ngoặt. Úc đã góp một phần nhỏ vào thành công này bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý năng lượng của hai nước, cũng như hợp tác với Quốc hội Việt Nam. Đây là một bước quan trọng trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo.

Một tin vui khác là Việt Nam cũng đã có bước tiến trong việc cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi. Vấn đề còn lại là quy định cách thức phân bổ các giấy phép này. Hiện tại, Chính phủ đang hướng tới việc để các doanh nghiệp nhà nước như PetroVietnam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đạo trong lĩnh vực này.

Mặc dù việc ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm đảm bảo quyền kiểm soát là điều dễ hiểu, nhưng để đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng cho năm 2030, tôi cho rằng Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong việc hợp tác với các công ty tư nhân nước ngoài. Sẽ rất tốt nếu EVN và PVN dẫn đầu, nhưng với quy mô thách thức lớn như vậy, chỉ riêng họ sẽ khó lòng đáp ứng được.

Ví dụ như, tôi đã từng đề xuất một dự án hợp tác với Chính phủ, trong đó có sự tham gia của một công ty Úc giàu kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi tại Đài Loan. Đề xuất này bao gồm cả việc hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ Úc, với cam kết tài trợ cho các hoạt động khảo sát môi trường, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực, góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Mô hình hợp tác này, trong đó chính phủ và doanh nghiệp tư nhân cùng chung tay, có thể tạo nên một lộ trình rõ ràng hơn cho tương lai. Nó vừa đảm bảo Việt Nam tiếp cận được nguồn lực chuyên môn và đầu tư cần thiết, để duy trì được sự kiểm soát và niềm tin vào quá trình.

Tôi không có ý chỉ trích, bởi Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh trong lĩnh vực này. Đây là một lĩnh vực phức tạp, việc vội vàng dễ dẫn đến sai lầm. Trước đây, chúng ta đã gặp một số vấn đề như định giá năng lượng tái tạo chưa hợp lý, hay đánh giá thấp khả năng hấp thụ nguồn điện mới của lưới điện. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.

Tôi tin tưởng rằng Úc, cùng với các quốc gia giàu kinh nghiệm như Đan Mạch, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Theo ông, Úc có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để Việt Nam tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các dự án xanh? Liệu có cơ chế tài chính hay mô hình hợp tác công tư (PPP) nào phù hợp không?

Ông Goledzinowski: Câu hỏi này rất xác đáng. Việt Nam đang nỗ lực để tháo gỡ những khó khăn này. Các bước cải cách do Tổng Bí thư Tô Lâm công bố, như tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn giản hóa quy định và đẩy nhanh quá trình ra quyết định, hoàn toàn đi đúng hướng. Những thay đổi này chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Úc đã và đang hợp tác với Việt Nam trong các chương trình chia sẻ kiến thức, đặc biệt là giữa các cơ quan quản lý. Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một số hội thảo chuyên đề để trao đổi về các mô hình và phương pháp tiếp cận khác nhau.

Ví dụ, tại Úc, năng lượng mặt trời áp mái đóng vai trò rất quan trọng. Người dân có thể bán điện dư thừa từ hệ thống pin mặt trời của họ vào lưới điện quốc gia, tạo nên một hệ thống năng lượng phân tán và linh hoạt. Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức độ đó, một phần vì cơ chế định giá cho loại hình năng lượng này còn chưa hoàn thiện, bên cạnh đó là những băn khoăn về khả năng đáp ứng của lưới điện. Nhưng đây là những vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết, và tôi tin rằng các cơ quan chức năng đang tích cực xử lý.

Một cơ chế quan trọng khác là cách thức định giá năng lượng tái tạo cho khu vực tư nhân. Tại Úc, chúng tôi áp dụng hợp đồng chênh lệch (CfD). Mô hình này quy định một mức giá cố định cho doanh nghiệp. Khi giá điện thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có lãi hoặc lỗ, nhưng rủi ro được kiểm soát trong một phạm vi nhất định. Đây là cách thức chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và chính phủ, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp tư nhân có sự ổn định, vừa hạn chế rủi ro thua lỗ.

Những cơ chế như vậy đóng vai trò then chốt trong việc thu hút đầu tư tư nhân. Như tôi đã nói, có một khoản tiền rất lớn đang chờ được rót vào ngành năng lượng Việt Nam. Giới đầu tư gọi đó là "bột khô" (dry powder) - nguồn vốn sẵn sàng được giải ngân ngay khi môi trường đầu tư được đánh giá là an toàn và sinh lời.

Môi trường đầu tư lý tưởng, theo tôi, là môi trường mà nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhưng nhìn thấy cơ hội rõ ràng để thu lợi nhuận. Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần tiếp tục củng cố niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tôi tin rằng những người có tầm nhìn tại Việt Nam đang tập trung giải quyết những vấn đề này, và tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác - chúng ta phải thành công. Nếu không có năng lượng, mọi thứ khác đều sẽ đình trệ.

Khi nhắc đến Việt Nam, mọi người thường nghĩ ngay đến sự năng động, tinh thần kinh doanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi cho rằng câu chuyện về Việt Nam vẫn chưa được thế giới hiểu một cách trọn vẹn.

Ngay cả bản thân tôi, dù đã từng đến Việt Nam nhiều lần trước đây, vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những gì mình chứng kiến trong suốt nhiệm kỳ công tác tại đây.

Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ và có tiềm năng trở thành một "con hổ châu Á" mới. Giờ đây, tôi tin rằng thời khắc của Việt Nam đã đến. Năm ngoái, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng trên 7% và lần đầu tiên, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong tương lai.

Phạm Vũ Thiều Quang

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-dai-su-uc-su-troi-day-manh-me-cua-viet-nam-2367044.html