Nguyễn Du - Puskin: Tương đồng và khác biệt

Nhân Lễ giỗ lần thứ 199 (16/9/2020) của Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, ngày 27/9/2019 Hội Kiều học Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học 'Nguyễn Du – Puskin, tương đồng và khác biệt' tại thành phố Hà Tĩnh.

Gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước; đại biểu của các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Tĩnh… đã đến tham dự hội thảo khoa học ý nghĩa này. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa hướng đến Lễ tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (9/2020) và thiết thực kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt – Nga (30/1/1950-30/1/2020).

Hội thảo khoa học "Nguyễn Du – Puskin, tương đồng và khác biệt" đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên văn học Nga và Nguyễn Du –Puskin. Mục tiêu của hội thảo đã được xác định, đó là đưa Đại thi hào Nguyễn Du – Người đã hai lần được thế giới tôn vinh vào hai thời điểm quan trọng gắn với hai mốc năm sinh: 200 năm và 250 năm (2015) ra thế giới trong sự đối sánh với các danh nhân văn hóa nhân loại. Song chọn danh nhân văn hóa có tầm nhân loại nào trên khắp các châu lục để so sánh với Nguyễn Du cũng là việc không dễ. Bởi mọi sự so sánh không tránh khỏi khập khiễng. Những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…đặc biệt Đông Tây khác biệt là lẽ đương nhiên. Song đi cùng những khác biệt cũng là cách tìm ra "mẫu số chung" của mối tương đồng giữa Việt Nam với các danh nhân văn hóa phương Đông và phương Tây.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Lý giải việc chọn Puskin so sánh tương đồng, khác biệt với Nguyễn Du đã được GS Phong Lê – Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam phân tích, lý giải có lý, có tình "Với Nga, xem ra có thể đóng vị trí thứ ba trong tiếp nhận ở Việt Nam ngay sau các bản dịch tiếng Pháp vào những năm 30 của thế kỷ XX…Sau năm 1945, khi Việt Nam thuộc phe XHCN do Liên xô đứng đầu, văn học Nga Xô viết trở nên quen thuộc với người đọc Việt Nam…". Và nếu dừng ở văn học Nga thì Puskin nhất định phải là sự "lựa chọn đầu tiên", vì "Puskin là đích đến gần gũi nhất". Cách lý giải đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các nhà giáo, nghiên cứu, dịch giả văn học Nga.

Hai đại thi hào Nguyễn Du và đại thi hào Alexandr Xecsgâyevit Puskin sinh ra ở hai châu lục Á - Âu cách xa nhau hàng vạn dặm, khác nhau về địa lý, văn hóa, xã hội, chính trị... nhưng có khá nhiều điểm tương đồng.

Nguyễn Du (1766 - 1820) và Puskin (1799 - 1837) là hai Đại thi hào cùng có một sự nghiệp văn chương đồ sộ, giá trị xuất thân trong gia đình quan lại quý tộc. Hai Đại thi hào được coi là "Bách khoa thư đời sống", là niềm tự hào của dân tộc mình. Nếu Đại thi hào Puskin được ví là "Mặt trời thi ca Nga" thì Đại thi hào Nguyễn Du được coi là "Khúc Nam âm tuyệt xướng" và "Thiên thu tuyệt diệu từ". Nhìn từ biên niên, các nhà nghiên cứu thấy Nguyễn Du và Puskin đều sống trong bối cảnh thời đại và hoàn cảnh dân tộc (Nguyễn Du từ thời Lê mạt qua phong trào Tây Sơn đến triều Nguyễn; Puskin từ chiến thắng Nepoléon (1812) qua phong trào tháng Chạp (1925) đến triều đại chuyên chế Nicolai đệ nhất (1825-1855); hai nhà thơ đều sinh ra ở thủ đô, xuất thân trong gia đình quan lại, quý tộc quyền quý, có tư chất thông minh, được học hành chu đáo; chịu ảnh hưởng văn chương từ gia đình, người thân; hai Đại thi hào đều viết về quê hương, đất nước và đặc biệt đồng cảm với những phận người (đặc biệt phụ nữ) với những cảm xúc nhân văn; khẳng định giá trị hai kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Epghêni Ônêghin" của Puskin đối với nền văn hóa của dân tộc mình; xây dựng tương đồng hình tượng nhân vật trong văn xuôi (người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều với anh hùng Pugatsov trong Người con gái viên đại úy); cống hiến của Nguyễn Du và Pusin đối với sự nghiệp phát triển ngôn ngữ dân tộc mình; việc giới thiệu Nguyễn Du ở Nga và Puskin ở Việt Nam và ảnh hưởng từ hai phía; "Cảm quan phương Đông và "Diễn ngôn phương Đông" qua "hành trình tới Arzrum" của Puskin đã xích gần về phương Đông và Nguyễn Du là hướng về phương Bắc; hai nhà thơ đa tài, đa tình có nhiều bài thơ tình yêu đặc sắc…

Nguyễn Du đã từng được sống trong nhung lụa, giàu sang phú quý chỉ biết ăn học, đàm đạo thơ phú... Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Du theo cha về quê nhà khi Nguyễn Nghiễm thôi chức Tể tướng. Sự giàu sang, phú quý vẫn được người dân Nghi Xuân truyền tụng:

Trèo lên Hồng Lĩnh mà trông

Nhìn về đã thấy dinh ông rõ ràng

Lâu đài dãy dọc tòa ngang

Ông ngồi đọc sách nghiêm trang một mình

Bài thơ "Cảm tác ở đình bên sông" của Nguyễn Du đã thể hiện đầy đủ gia cảnh một thời vàng son, giàu sang, phú quý:

Cáo lão cha xưa nhớ những ngày

Ngựa xe rong ruổi mé sông này

Thuyền tiên lướt sóng in rồng đấu

Tàn quý chen mây ngỡ hạc bay

Từ độ áo xiêm không thấy nữa

Hai bờ cây cỏ xiết sầu thay!

Trăm năm bao việc thương tâm nhỉ

Nay chốn Trường An khác những ngày!

Đời sống chính trị - xã hội xảy ra bao biến động. Những biến cố của thời cuộc và gia đình đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm khiến Nguyễn Du đã phải thốt lên cay đắng:

Nước trôi hoa rụng đã yên

Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian

(Câu 1705-1706 Truyện Kiều)

Nhiều mất mát liên tiếp đã đến với gia đình Nguyễn Du và bản thân ông đã nếm trải bao khổ ải, gian truân…

"Bốn bề gió bụi tình nhà việc nước mà rơi lệ

Mười tuần lao tù nỗi lòng thắc thỏm cái sống chết"

(My trung mạn hứng)

Mang trong mình dòng máu quý tộc vị thế cao sang trong xã hội Nga thế kỷ XVIII, Puskin luôn nhất quán trong tư tưởng với một bản lĩnh kiên cường không chịu khuất phục chức sắc cung đình, không chịu vào luồn ra cúi. Những hoạt động xã hội và thơ Puskin đã có ảnh hưởng lớn trong tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ. Hoảng sợ tầm ảnh hưởng này, Nga hoàng Alếcxanđr I đã ra lệnh đày nhà thơ đi Xibiri và sau đó nhờ những sự tác động khác, bản án đã được "giảm nhẹ" chuyển hướng từ Xibiri về phương Nam…

Trong cuộc đời nhiều biến động, Nguyễn Du đã hai lần được giao nhiệm vụ ngoại giao. Từ 2/1813 – 4/1814, Nguyễn Du làm Chánh sứ trong đoàn sứ đi "tuế cống" nhà Thanh. Cuộc đi sứ Trung Quốc là thực hiện sứ mệnh bang giao (đoàn sứ bộ qua ải Nam Quan đến Bắc Kinh từ ngày 6/02/1813 đến ngày 4/10/1814). Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, nhưng cuộc sang Trung Quốc không thành vì ông mất vì bị nạn dịch ngày 16/9/1820 tại Huế. Hưởng thọ 56 tuổi

Sau khi tốt nghiệp trường Litxê (1817), Puskin làm việc ở Bộ Ngoại giao tại Petecbua. Sau những biến cố trong cuộc đời, 14 năm sau (10/1831), ông lại về Petecbua làm việc ở Bộ Ngoại giao…

Nhìn từ sự khác biệt, TS Nguyễn Huy Mỹ tìm thấy một số tiểu dị biệt, như: Cùng xuất thân trong gia đình quan lại quyền quý, nhưng gia đình Puskin ít người tham gia chính sự như gia đình Nguyễn Du; tài liệu thực chứng về thời gian sáng tác của Puskin rõ ràng hơn Nguyễn Du…Song tất cả những sự khác biệt đó không làm khuất mờ những nét tương đồng cơ bản của hai Đại thi hào thể hiện ở nhiều phương diện, nhiều cấp độ. Nói như GS Phong Lê thì "Điều này chứng tỏ tính nhân loại phổ quát, chủ nghĩa nhân văn và giá trị nhân bản xuyên suốt thời đại ở các danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có Nguyễn Du và Puskin".

Hội thảo khoa học "Nguyễn Du - Puskin, tương đồng và khác biệt" hôm nay bằng hành động thiết thực của Hội Kiều học Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh là nén hương tri ân nhân Lễ giỗ lần thứ 199 của Đại thi hào Nguyễn Du. Trước đó, cũng bằng cách làm hiệu quả này, Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 197 của Đại thi hào gắn với Hội thảo "Doanh nhân với Truyện Kiều và Truyện Kiều với Doanh nhân" và Lễ giỗ lần thứ 198 phối hợp với Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học "Giảng dạy, học tập Nguyễn Du và Truyện Kiều trong nhà trường"…

Tổng kết Hội thảo khoa học "Nguyễn Du - Puskin, tương đồng và khác biệt", GS Phong Lê cho biết: "Khi có điều kiện và nếu cần thiết, sẽ mở rộng danh sách đối sánh Nguyễn Du với các tên tuổi khổng lồ khác trong lịch sử văn học nhân loại, như: Đăngtơ (1265-1321) qua "Thần khúc", Rabpơle (1494-1553) qua "Garganchuya Pantagruel", Gớt (1749-1832) qua "Faux", Xecvantes (1547-1616) qua "Đông Ki Sốt", Victor Hugo (1802-1885) qua các tập thơ "Trừng phạt", "Mặc tưởng" và tiểu thuyết "Những người khốn khổ"... Xuất bản sách liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du…

Dịch giả Thúy Toàn tại Hội thảo

Dịch giả Thúy Toàn tại Hội thảo

Xác định một trong những phương diện quan trọng mang tính biểu tượng của dân tộc, khẳng định câu nói "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn" (Phạm Quỳnh), Hội Kiều học Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quốc gia "Tiếng Việt trong Truyện Kiều". Chúng ta đã có Ngày Thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng hàng năm thì việc có Ngày Tiếng Việt – tôn vinh tiếng nói của dân tộc cũng là việc nên làm. Phải coi đó là việc làm cần thiết. Bởi tiếng nói là ngọn lửa thiêng, mạch sống tinh thần lưu giữ tình yêu nước, nghĩa đồng bào, làm hậu thuẫn cho các cuộc khởi nghĩa (bắt đầu từ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng 40-43 đến cuộc chiến cuối cùng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu 10 thế kỷ tự chủ của dân tộc Việt Nam cho đến năm 1897 kết thúc phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Việc Tổng thống Nga D.Medvedev chọn ngày sinh nhật của Puskin: ngày 06/6 làm Ngày Tiếng Nga của nước Nga cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Nhà nước tôn vinh đến danh nhân, văn hóa, văn chương nghệ thuật, đặc biệt là di sản ngôn ngữ dân tộc. Đó cũng là một gợi ý quý báu mà chúng ta có dịp sẽ bàn bạc, trao đổi đi tới thống nhất.

Cùng với Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội Kiều học Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo khoa học "Nguyễn Du và gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long" với nhiều chủ đề như: Tư liệu liên quan đến gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền ở Thăng Long? Nguyễn Du sinh ra và tập ấm ở Bích Câu, sau theo cha về Tiên Điền? Nguyễn Du đã từng giao lưu thơ ở Thăng Long; phát huy di sản Truyện Kiều Nguyễn Du gắn với phát triển văn hóa du lịch...

Cả hai đại thi hào có nỗi lo riêng thật giống nhau. Nếu Nguyễn Du trăn trở:

"Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng"

Thì Puskin mang nỗi lo người đời sau không hiểu hết cho mình:

"Sau mỗi âm thanh náo động

Là trong bầu không gian trống rỗng

Đều sinh ra một tiếng vang

Riêng tiếng người không ai buồn vọng cả thơ

Số phận người cũng thế, hỡi thi nhân

(Tiếng vọng - Thúy Toàn dịch)

Tiếng đồng vọng của chúng ta hôm nay với hai đại thi hào Nguyễn Du và Puskin thật đẹp đẽ, cao quý nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (9/2020).

PGS Lê Thị Bích Hồng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nguyen-du-puskin-tuong-dong-va-khac-biet-20190929201733093.htm