Nguyễn Hải Phong: Nâng tầm giá trị cà phê

Trở thành Tổng Giám đốc Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên khi ở tuổi 35, anh Nguyễn Hải Phong là tấm gương khởi nghiệp điển hình trên lĩnh vực nông nghiệp với cây cà phê.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Nông lâm (Trường Đại học Tây Nguyên), năm 2011, Nguyễn Hải Phong về làm việc tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai. Vốn sinh ra và lớn lên tại TP. Pleiku, lại là người đam mê nông nghiệp, anh rất hứng thú với cây cà phê. “Tôi nhận thấy quê hương mình là một vùng nguyên liệu rộng lớn. Tuy nhiên, người trồng cà phê đang phải bỏ rất nhiều công sức, song chỉ nhận lại rất ít lợi nhuận. Trăn trở về điều đó, tôi đã tìm tòi, tham gia các lớp học về trồng, chăm sóc và chế biến cà phê. Đồng thời, tôi tìm đến những người trồng cà phê lâu năm để học tập kinh nghiệm, nghiên cứu rồi mạnh dạn đầu tư, trồng và phát triển vùng nguyên liệu tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum”-anh Phong chia sẻ.

Năm 2018, anh Phong thành lập Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên (trụ sở tại 133 Cao Bá Quát, TP. Pleiku) với mục tiêu xây dựng các vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ các khâu: chọn lọc giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến để nâng tầm giá trị hạt cà phê Việt Nam; đồng thời, tạo nguồn thu nhập tốt và văn hóa làm cà phê sinh thái hữu cơ chất lượng cao cho cộng đồng người dân đang canh tác cà phê. Vùng nguyên liệu của Công ty trải dài trên vùng đất Bắc Tây Nguyên với 2 giống cà phê Arabica và Robusta. Đây là những nơi đã được anh tìm hiểu, khảo sát và đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cho ra những hạt cà phê có thể chất tốt, hương vị đặc trưng. Năm 2019, anh quyết định xin nghỉ việc tại Sở Nông nghiệp và PTNT để về chuyên tâm phát triển Công ty.

Với kiến thức nông nghiệp của mình, anh Nguyễn Hải Phong đã trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn sản xuất cà phê chất lượng cao. Ảnh: Trần Dung

Với kiến thức nông nghiệp của mình, anh Nguyễn Hải Phong đã trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn sản xuất cà phê chất lượng cao. Ảnh: Trần Dung

“Vùng nguyên liệu Arabica nằm trên địa bàn 3 huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đak Glei (tỉnh Kon Tum) với tổng diện tích hàng ngàn ha. Vùng nguyên liệu cà phê Robusta nằm tại TP. Pleiku và các huyện: Đak Đoa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai. Đây là các vùng trồng cà phê Robusta mà chúng tôi đánh giá tốt nhất và có hương vị đặc trưng rất riêng của vùng đất Gia Lai”-anh Phong cho biết.

Bên cạnh đó, anh Phong còn hợp tác thu mua cà phê tươi của các hộ nông dân tại vùng nguyên liệu với mức giá tốt nhất. Sau đó, liên kết với cộng đồng hình thành hệ thống trang trại cà phê sinh thái bền vững trên vùng nguyên liệu, cung cấp giống chất lượng cao được thế giới ưa chuộng và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Anh cũng hỗ trợ về máy móc, kỹ thuật sơ chế cà phê cho người dân. Các công đoạn này đều có văn bản thỏa thuận liên kết và hợp đồng mua bán giữa Công ty và các tổ chức nông dân.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:“Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên là doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu phù hợp cho dòng cà phê đặc sản trong xu thế chung khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ, đồng hành cùng Công ty trong việc hướng dẫn bảo hộ nhãn hiệu Kopic Coffee và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và trong quản lý, phát triển ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng”.

Sau khi thu hoạch và sơ chế, nhân xanh được sàng lọc và tiến hành rang. Hạt cà phê được rang với độ chín tới để tạo hương vị đặc trưng nguyên bản. Nhân rang được đóng gói trong túi có van 1 chiều để đảm bảo cà phê được bảo quản cách ly với môi trường một cách tốt nhất trước khi sản phẩm tới tay khách hàng với thương hiệu Kopic Coffee. Hiện nay, Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên là một trong những đầu mối chính bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân cũng như hợp tác xã tại Gia Lai và Kon Tum với hàng ngàn ha cà phê. Niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Công ty đạt 260 tấn nhân xanh sơ chế theo phương pháp Honey và Natural. Dự kiến, các năm tiếp theo, công suất sẽ tăng lên theo nhu cầu của thị trường. Trong những năm qua, Công ty cũng tiến hành xuất khẩu sang thị trường Nga và Oman. Đặc biệt, niên vụ 2021-2022, Công ty xuất khẩu 200 tấn cà phê nhân xanh.

Anh Phong cho hay: “Giai đoạn đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê cũng như đầu ra cho sản phẩm. Sau nhiều năm nỗ lực, sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường. Điều quan trọng nhất là tôi đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân, nâng cao giá trị cà phê Gia Lai và cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12363/202204/nguyen-hai-phong-nang-tam-gia-tri-ca-phe-5772157/