Nguyễn Hùng Phước - ngôi sao sáng trên chiến trường Khu 9

Tối ngày 23-11-1946, tin từ chiến trường Vĩnh Long báo về: Đồng chí Khu bộ phó Nguyễn Hùng Phước đã anh dũng hy sinh trong trận công đồn ngã tư Nhà Đài (thuộc quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã khiến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Khu 9 bàng hoàng, nghẹn ngào tiếc thương. Anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ mang theo bao hoài bão cống hiến cho phong trào cách mạng...

Đồng chí Nguyễn Hùng Phước sinh ngày 10-10-1920 tại làng An Hòa Đông, quận Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước. Năm 16 tuổi, được người anh trai là Nguyễn Hùng Minh dìu dắt vào con đường đấu tranh cách mạng, 17 tuổi anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của tổ chức đảng và trực tiếp hoạt động trên địa bàn Vĩnh Long. Sau đó Nguyễn Hùng Phước tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy Vĩnh Long. Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940, đồng chí Nguyễn Hùng Phước là một trong những cán bộ nòng cốt trong quá trình tổ chức khởi nghĩa và bị địch truy nã gắt gao buộc tổ chức chuyển địa bàn hoạt động của đồng chí về hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1942, khi đang hoạt động tại địa bàn Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Nguyễn Hùng Phước bị địch bắt với án tù chung thân khổ sai và lưu đày nơi nhà tù Côn Đảo - một “địa ngục trần gian” khét tiếng man rợ lúc bấy giờ.

Tại nhà tù Côn Đảo, người đảng viên trẻ Nguyễn Hùng Phước được các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh... tận tình dìu dắt, động viên anh vượt qua mọi khó khăn, nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất của người cộng sản, phương pháp đấu tranh cách mạng trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tỉnh Sóc Trăng được Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tổ chức đón rước các đồng chí tù chính trị từ Côn Đảo trở về với nhân dân. Trong chuyến vượt Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Hùng Phước và anh ruột là Nguyễn Hùng Minh cùng với Bác Tôn Đức Thắng trực tiếp lái chiếc xà lúp (Chaloupe) vượt qua giông tố trở về đất liền Sóc Trăng an toàn.

Sau cuộc hội ngộ cùng đồng chí, đồng bào tại Trường Taberd, đồng chí Nguyễn Hùng Phước nhanh chóng tham gia tổ chức đánh địch trên khắp các mặt trận Khu 9 đang trong giai đoạn ác liệt. Trong đó phải kể đến những trận đánh nổi tiếng, như: trận đánh tại mặt trận Cái Răng (tháng 11-1945), trận Vườn Xoài, trận Cầu Đen - Bố Thảo (tháng 1-1946), trận Lầu Đỏ - Nhu Gia... Đặc biệt, trong đợt chuyển quân từ Trà Bang (huyện Long Mỹ) về làng Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú ngày nay), đồng chí Nguyễn Hùng Phước với cương vị là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (được phân công nhiệm vụ vào tháng 2-1946) đã chỉ huy đơn vị vũ trang lập nên nhiều chiến công vang dội trong công tác diệt ác, trừ gian, đã diệt hàng chục tên địch (có 2 tên lính Pháp), thu nhiều khí tài, đạn dược, góp phần quan trọng giúp cho Khu 9 thực hiện tốt phương châm “dùng vũ khí địch đánh địch”.

Với biệt tài về quân sự và vốn sống trong công tác vận động quần chúng, cứ sau mỗi trận đánh, đồng chí Nguyễn Hùng Phước tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào cách mạng địa phương, tạo mọi điều kiện để người dân tích cực sản xuất ủng hộ công cuộc kháng chiến. Chính vì sự trưởng thành đó, đồng chí Nguyễn Hùng Phước cùng với đơn vị được lệnh triệu tập về Quân khu 9 nhận quyết định thành lập Đại đội Bộ đội chủ lực danh dự Hồ Chí Minh hoạt động cơ động trên toàn Khu (gọi tắt là Bộ đội Hồ Chí Minh) do đồng chí Nguyễn Hùng Phước làm Đại đội trưởng. Cũng trong dịp này, đồng chí Phan Trọng Tuệ, Chính ủy Khu 9 đã long trọng trao khẩu súng Thompson do Bác Hồ gởi tặng riêng cho đồng chí Nguyễn Hùng Phước. Đây là một món quà vô cùng cao quý đối với một cán bộ chỉ huy quân sự tài ba. Tháng 9-1946, đồng chí Nguyễn Hùng Phước được bổ sung vào Tỉnh ủy Sóc Trăng, phụ trách quân sự. Sau đó, đồng chí được điều động về Quân khu nhận nhiệm vụ Khu bộ Phó Khu 9.

Tháng 11-1946, đồng chí Nguyễn Hùng Phước cùng Trung đội vũ trang đi tiếp nhận và vận chuyển vũ khí do Trung ương giúp cho Khu 9. Trên đường về, nhận thấy đồn Ngã tư Nhà Đài là điểm trấn giữ quan trọng của địch đã gây rất nhiều khó khăn trong hệ thống giao liên và phong trào cách mạng của địa phương nên đồng chí Nguyễn Hùng Phước cùng Trung đội vũ trang tổ chức đánh diệt nhằm góp phần giải quyết khó khăn cho phong trào du kích vũ trang địa phương. Trận đánh diễn ra ác liệt vì bọn lính trong đồn được trang bị vũ khí khá mạnh. Cuối cùng, đồn Ngã tư Nhà Đài cũng bị tiêu diệt nhưng không may đồng chí Nguyễn Hùng Phước bị thương rất nặng đã hy sinh trong vòng tay của đồng đội, đồng chí của mình.

Tin Khu bộ phó - Hùm xám miền Tây Nguyễn Hùng Phước hy sinh đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Khu 9 lại là một mất mát vô cùng to lớn. Ai ai cũng bàng hoàng, nghẹn ngào tiếc thương một đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp quân khu với tuổi đời còn rất trẻ nhưng công sức cống hiến lại vô cùng to lớn. Để ghi nhớ những thành tích và những cống hiến của đồng chí Khu bộ Phó Nguyễn Hùng Phước, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng ba, Chiến sĩ thi đua cấp quân khu và cấp tỉnh, Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Tại tỉnh nhà Sóc Trăng, năm 1976 tên người anh hùng Nguyễn Hùng Phước được chính quyền cách mạng lấy con đường Gia Long - một con đường thuộc khu trung tâm thương mại sầm uất, đặt lại tên mới là Nguyễn Hùng Phước để tri ân và ghi nhớ người lãnh đạo quân sự trẻ tuổi tài ba và đức độ.

THIÊN LÝ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/nguyen-hung-phuoc-ngoi-sao-sang-tren-chien-truong-khu-9-41043.html