Nguyễn Hữu Quý – người mang nợ liệt sĩ Trường Sơn

Hơn mười bảy nghìn cây số đường ngang dọc với: Đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Một cơn mưa to cũng có thể biến những thung lũng dưới chân núi thành những túi nước khổng lồ… Đó là cảm nhận của Thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên mở con đường đã đi vào lịch sử Việt Nam như một bản hùng ca đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Suốt 16 năm "đi không dấu, nấu không khói, xoi đường lập trạm, mở tuyến về Nam", Trường Sơn hào hùng và anh dũng không chỉ được miêu tả chân thực qua các trận đánh, từng chiến công, tấm gương quả cảm mà còn lắng đọng qua những vần thơ còn mãi với thời gian.

Với các thi sĩ như Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy…. một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" hiện lên đầy hào hùng, mạnh mẽ khi những chàng trai cô gái tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng chung "Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ - Chào em, em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn" (Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi).

Để sau này, tiếp bước là Nguyễn Hữu Quý mang trong mình "Trường Sơn với tôi không chỉ là một miền thi ca, mà đó còn là miền ám ảnh, ghi dấu những kỷ niệm của người lính một thời lửa đạn…".

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh ra tại Bố Trạch, Quảng Bình, một miền quê nghèo khó đến nỗi trăng lên soi rõ từng vú cát. Năm 1974, Nguyễn Hữu Quý xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập Binh đoàn Trường Sơn. Ở cái giai đoạn ác liệt của cuộc chiến, chàng thanh niên tuổi vừa đôi mươi, hàng ngày tận mắt chứng kiến biết bao gian khổ, khó khăn, mất mát, đau thương của quân và dân ta trước tội ác của giặc Mỹ.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Chính điều đó đã khảm khắc mãi trong tâm trí người lính Trường Sơn ấy, tạo nên nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn tận cùng trong những suy nghĩ về cái chết, về số phận con người. Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Hữu Quý viết rất nhiều về đề tài chiến tranh cách mạng và đặc biệt viết rất sâu về thương binh, liệt sĩ.

Không điệu đà, không trau chuốt, những câu thơ mộc mạc là tiếng lòng, là những dòng nước mắt kìm nén của chính mình khi nhớ về người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống "Một thời chia lửa chia bom/ Tiếng thơm quyện lấy tiếng thơm một thời/ Máu chuyền cho máu đỏ tươi/ Nuôi nhau từng trận sốt vơi lá ngàn" (Nén nhang đồng đội).

Càng sống gần Nguyễn Hữu Quý sẽ càng cảm động trước cái tâm đằm thắm, đôn hậu và nhân từ của anh. Tính cách của Nguyễn Hữu Quý là tính cách của dải cát trắng miền Trung, dù sục sôi nắng lửa đến đâu vẫn yên bình, lặng thầm qua bao giông tố. Tôi vẫn nhớ chuyến công tác tại Quảng Trị vào tháng 7- 2017, khi lần đầu được gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Những ngày cuối cùng của chuyến công tác, đoàn quyết định ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Sáng hôm đó, người lính già lạ lắm: mờ sáng đã dậy tắm gội, chọn cho mình bộ quân phục mới nhất, thỉnh thoảng lại đi ra đi vào đứng trước gương, tỉ mỉ chỉnh sửa diện mạo bản thân. Khi được hỏi thì nhà thơ chỉ cười mỉm, bảo hôm nay có hẹn với "cô bạn gái năm xưa".

Và chúng tôi như chết lặng khi thấy Nguyễn Hữu Quý đặt bó cúc vàng tươi lên tấm bia đá khắc tên Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên. Quê quán: Thanh Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên… "Đây là cô gái mà hôm nay tôi hẹn gặp. Chúng tôi là những người bạn từ thuở thiếu thời, cùng nhau trải qua những ngày tháng cởi trần tắm mưa, cho đến khi trở thành những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi cùng nhau đi vào tiếng súng. Ngày xưa, Liên của tôi có nụ cười đẹp lắm…".

Suốt buổi hôm đó, người lính già chỉ ngồi cạnh Liên, thủ thỉ bao điều. "Xa nhau/ Khoảng thời gian chưa một lần gặp mặt/ Không lá thư đi - về/ Tôi chẳng quên đâu giọng cười của bạn/ Giọng cười đem cái thương, cái mến/ Chia đều cho mỗi chúng tôi" (Nhớ về tuổi học trò của một liệt sĩ).

Tôi vẫn nhớ những câu hát mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý rưng rưng hát khi xe dần lăn bánh rời miền đất lửa ấy: Quảng Trị ơi/ Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn nguôi/ Làm sao quên những ngày đông tháng hạ/ Làm sao quên chiều Đông Hà - Cam Lộ/ Bến Hải buồn hoang vắng bãi bồi xa… (Hẹn về Quảng Trị - Phạm Bá Nhơn).

Không ai biết được, giữa nữ liệt sĩ có nụ cười duyên ấy và người lính Trường Sơn năm xưa là tình bạn, tình đồng chí hay tình yêu đôi lứa bởi chiến tranh mà chia cắt. Để bây giờ chỉ còn lại những miền ký ức luôn âm ỉ trong trái tim một con người. Không ai khác đó chính là người lính Trường Sơn năm xưa với sự bình tâm nhưng lại vô cùng nhân ái và sâu sắc.

Nguyễn Hữu Quý dành tình cảm trân trọng nhất cho những người lính mãi nằm yên trong đất mẹ hiền từ, sự tri ân sâu sắc những người mẹ, người vợ, người con của liệt sĩ. Vì vậy những trang viết của anh, dường như trang nào, dòng nào cũng in đậm chất Trường Sơn, dấu ấn Trường Sơn. Sự mất mát của chiến tranh hằn lên trong thơ anh như một vết xước.

"Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa..." (Khát vọng Trường Sơn).

Những câu thơ thật rung động và lắng lòng ở chiều sâu góc khuất, không trực diện, ồn ào. Bài thơ đã lật tráo được từ dưới lòng đất, từ trong lòng người những ám ảnh về chiến tranh. Nghĩa trang Trường Sơn, ai đã một lần đến, thẳm sâu trong tâm thức sẽ đọng mãi những xúc cảm thiêng liêng, tha thiết trước hàng vạn ngôi mộ trắng xóa mênh mang, trải dài trên những vạt đồi tĩnh lặng.

Nhưng trong đó vẫn luôn ẩn chứa một sự sống trường tồn của những linh hồn trinh nguyên bất tử. Bao nhiêu lớp cha anh đã hi sinh tuổi trẻ, có người trở về với một phần thân thể được gửi lại đất mẹ, cũng có người đã bước chân vào thế giới người hiền. "Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta". Nơi Trường Sơn lộng gió ấy đã chôn cất những người bạn, người đồng đội, trong đó có Liên của anh…

Anh trở về với mẹ cha, với quê hương; được tiếp tục những giấc mơ dang dở thời thơ ấu của mình, được chứng kiến sự phát triển đi lên ngày càng mạnh mẽ của đất nước, nhưng còn đồng đội anh, còn Liên của anh?

Bài thơ viết về cái chết, về phận người, về chiến tranh, nhưng không hề có hận thù giới tuyến hay bài trừ, lên án một cách thô thiển. Nó là tiếng nấc nghẹn lòng của người lính xưa trở về trọn vẹn, nhưng tâm hồn lại mãi nơi đây. Mười nghìn bát hương mười nghìn ngôi sao cháy. Những con số vô tri vô giác nay bỗng cất tiếng nói, cứ lặp đi lặp lại như xoáy vào tim gan của mỗi người khi đến thăm nơi đây.

Nghĩa tình đồng đội.

Nghĩa tình đồng đội.

Những con số đã dẫn dắt cảm xúc người đọc đến với sự đau đáu, đến với niềm ngưỡng vọng khôn nguôi với người đang nằm dưới mộ. Đó không chỉ là con số thông thường, mà cao hơn, là những khắc khoải vừa thực, vừa đời của mỗi số phận nằm trong vạn nghìn số phận. Những câu thơ nhẹ nhàng đánh lên từng hồi chuông, khiến tiếng vang rơi vào cõi tâm linh-biến cõi hư thành cõi thực.

Có một sự thật hơn mọi sự thật là các anh đang ở bên nhau, hàng ngang, hàng dọc, chỉnh tề như năm xưa chuẩn bị bước vào chiến dịch.

Và còn một hiện thực trần trụi "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng đi". Hàng vạn ngôi mộ có tên và không tên… là hàng vạn gia đình mãi không thể có cùng nhau một bữa cơm với đầy đủ thành viên, chỉ cần cơm canh rau nhút cũng đủ hạnh phúc.

Trở về sau chiến tranh, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Quý tiếp tục với những giấc mơ còn dang dở. Nhưng dường như trong con người đó vẫn còn nhiều tâm sự khó có thể sẻ chia hết. Cuộc đời anh chứng kiến gần như trọn vẹn tất cả nỗi đau của chiến tranh, rồi sự phát triển mạnh mẽ đi lên của quê hương, đất nước.

Có thể nói rằng, Nguyễn Hữu Quý là gạch nối giữa quá khứ và tương lai, là chứng nhân của thời gian. Giữa dòng đời đang hối hả, phải chăng người lính Trường Sơn năm xưa muốn ghìm chậm lại.

Bởi có lẽ không ít lần mải mê với cuộc sống hiện tại, anh chợt nhói lòng: Tôi có những thằng bạn lính/ Đứa trở về nghèo đói chửa buông tha/ Đứa lỡ ngủ... đến bây giờ chưa tỉnh/ Góc chiến hào năm ấy đã đơm hoa" (Bạn lính). Có lẽ mãi chả ai quên được bởi đâu đó đã có một Nguyễn Hữu Quý trầm yên, lặng thinh, để tiếng nói từ tâm vọng ra, những câu thơ được nảy mầm mạnh mẽ.

Trong những năm chiến tranh ở Trường Sơn, át đi những khốc liệt của chiến trường, mãi vang ngân những bài hát, điệu múa, lời thơ, tiếng lòng từ sâu thẳm của những chàng trai cô gái yêu chuộng hòa bình, bất đắc dĩ phải cầm súng chống lại kẻ thù.

Từ mạch nguồn văn hóa, đã sinh ra những anh hùng và những nhà thơ. Binh chủng văn nghệ sĩ ở Trường Sơn là một minh chứng đặc sắc. Sau này, tiếp nối những Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh… là thế hệ kế cận trong đó có Nguyễn Hữu Quý.

Đã bao nhiêu năm, đã hàng vạn ngày, người lính - thi sĩ ấy vẫn đi và trở lại Trường Sơn những ngày tháng bảy, thắp lên mộ đồng đội mình nén hương thơm. Nhà thơ đặt bó hoa cúc vàng tươi thắm, thầm thì những câu chuyện với người bạn gái tên Liên. Trên đầu mây trắng bay không ngưng nghỉ.

Và mặt đất, bạt ngàn mộ trắng có ngôi sao vàng lấp lánh trong nắng chiều Trường Sơn. Xa xa, bạt ngàn cỏ xanh nhưng nhức như chưa từng có máu đỏ thấm vào lòng đất. Và, dòng Thạch Hãn thanh bình xuôi chảy như chưa từng nhận vào lòng mình hàng ngàn tấm thân trai trẻ hi sinh trong cuộc chiến.

Ở những khúc lặng lẽ ấy, chúng tôi cảm nhận rất rõ, nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Hữu Quý đang thầm thì trò chuyện với đồng đội đã khuất của mình.

Phùng Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguyen-huu-quy-nguoi-mang-no-liet-si-truong-son-553895/