Nguyện là tấm gương sáng

Ở một số nơi, ở một bộ phận người trẻ xuất hiện tình trạng 'nhạt Đảng', 'khô Đoàn', tuy nhiên ở nhiều nơi, không ít đảng viên dù tuổi đời, tuổi đảng đã cao, nhưng trái tim vẫn luôn nhiệt huyết, hăng say cống hiến, mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Học đi đôi với hành

Người dân sống trong con hẻm nhỏ đường Vĩnh Hội (khu phố 3, phường 4, quận 4, TPHCM) vẫn thường thấy một ông già quắc thước, luôn túc trực sách về pháp luật bên mình. Ông còn được nhiều lớp sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM nhớ đến là sinh viên cao tuổi tốt nghiệp đại học, khi ấy, tuổi ông đã ngoài 65.

Tiếp chúng tôi, ông Trần Cường gợi chuyện: “Một số đồng chí đảng viên tuổi trên dưới 80 muốn đề đạt với tổ chức hàng tháng được sinh hoạt chi bộ bằng hình thức trực tuyến, để đỡ đi lại. Mấy ngày nay, tôi phải tìm những văn bản quy định của Đảng để phát biểu, đề xuất cho đúng”.

Ông chia sẻ, đọc tài liệu, nghiên cứu luật pháp không chỉ giúp đồng chí, người dân mà còn để rèn luyện trí nhớ. “Tôi tự đặt cho mình, phấn đấu nâng cao trí lực để năm tới đón 80 tuổi đời và huy hiệu 45 năm tuổi Đảng”, ông nói.

Rồi ông kể về hành trình suốt mấy mươi năm học đi đôi với hành của mình. Vào năm 1990, trước tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, để giữ vững chủ quyền biển đảo, Trung ương tổ chức, đầu tư phát triển kinh tế biển đảo. Trung tá Hải quân Trần Cường nhận được lệnh tăng cường cho Tổng Công ty Hải sản Biển Đông. Mặc dù có bằng của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách khoa, nhưng khi nhận nhiệm vụ mới, ông lại lao vào nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức chuyên sâu về luật dân sự, pháp luật về biển, hàng hải... Những kiến thức pháp luật tích lũy được không chỉ phục vụ công tác, ông còn hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người dân.

Năm 2005, nghỉ hưu, rời Tổng Công ty Hải sản Biển Đông, cựu chiến binh, đảng viên Trần Cường không về nhà “vui thú điền viên”, mà tiếp tục giữ nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật gia quận 1, Hội thẩm nhân dân và Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1.

“Đối với Hội thẩm nhân dân, để giúp người dân tìm được công lý nơi công đường thì công minh, công bằng vẫn chưa đủ mà đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật sâu rộng”, ông tâm sự. Tuổi ngoài 60, ông thi tuyển vào Trường Đại học Luật TPHCM, trở lại giảng đường làm sinh viên. Sau 5 năm theo học, ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học thứ ba cũng là ngày ông tròn 65 tuổi.

Chỉ xấp tài liệu trên bàn, ông Cường trăn trở: “Hầu hết đảng viên có tuổi đảng cao đã nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút, việc tham gia sinh hoạt trực tiếp sẽ khó khăn. Không ít đảng viên trung kiên, tâm huyết nhưng phải viết đơn xin nghỉ sinh hoạt vì đi lại khó khăn. Tôi đang nghiên cứu các quy định pháp luật, điều lệ Đảng, để kiến nghị với tổ chức cho phép đảng viên cao tuổi đảng, tuổi đời từ 80 trở lên được sinh hoạt chi bộ trực tuyến và miễn đóng đảng phí”.

Đại tá Hải quân Trần Văn Quảng, con trai ông Trần Cường, cho biết, 3 người con trong gia đình đều tốt nghiệp đại học, có người học trên đại học là nhờ tấm gương học hành của cha. Năm 1960, tốt nghiệp phổ thông, ông Cường xung phong đi bộ đội. Với tinh thần không ngừng học hỏi, đến nay ông đã nhận 3 bằng đại học. Ở tuổi 80, ngày ngày ông vẫn tìm tòi kiến thức để làm việc, phục vụ người dân, đồng chí trong chi bộ.

Hơn 20 năm làm Bí thư chi bộ

Dáng người khá trẻ so với tuổi 82, ông Nguyễn Xuân Thất, Trưởng Khu phố 3 (phường 5, quận Bình Thạnh), dù trời mưa hay nắng, công việc đầu tiên trong ngày của ông là đi trao 16 tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đến các đảng viên cao tuổi đảng và tổ trưởng dân phố trên địa bàn. Giao báo xong, ông lật tờ báo của mình, xem từng trang, cẩn thận ghi chép lại những thông tin hay để trao đổi với các đảng viên trong chi bộ và phổ biến cho người dân trong khu phố.

Thiếu tá, đảng viên Nguyễn Xuân Thất (bên phải) và đồng đội thường xuyên đọc báo, nắm tình hình thời sự trong ngày

Thiếu tá, đảng viên Nguyễn Xuân Thất (bên phải) và đồng đội thường xuyên đọc báo, nắm tình hình thời sự trong ngày

Cựu chiến binh, Trung tá Nguyễn Viết Tạo (82 tuổi), một đồng đội của ông, nhận xét, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ đã thấm sâu trong từng lời nói, việc làm của Thiếu tá Nguyễn Xuân Thất, thể hiện ở tinh thần tận tụy, hy sinh cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Thất bày tỏ: “Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, tôi được chi bộ bầu làm Bí thư chi bộ Khu phố 3, tôi nghĩ sẽ tham gia vài năm rồi nghỉ thôi. 10 năm làm Bí thư chi bộ, tôi xin nghỉ để tạo cơ hội cho các đảng viên trẻ hơn, nhưng chi bộ lại tiếp tục tín nhiệm. Mãi khi 80 tuổi, sau hơn 20 năm công tác ở khu phố, đồng đội, đồng chí mới cho tôi nghỉ vai Bí thư chi bộ”.

Vậy nhưng, người dân ở khu phố 3, phường 5 vẫn “bắt” ông làm Trưởng khu phố dù đã bước sang tuổi 82. Nhiều người cho biết, nếu không có ông Bí thư chi bộ gương mẫu, Trưởng khu phố tận tụy thì nhiều người dân không qua khỏi đợt dịch Covd-19 năm 2021. Người dân không quên hình ảnh quen thuộc của người Bí thư chi bộ đến từng ngõ, gõ từng nhà để nắm thông tin, xem người dân trong khu phố còn gia đình nào thiếu gạo, rau củ quả, hàng thiết yếu hay không.

“Ở tuổi 80, ông không sợ nhiễm Covid-19 sao?”. Vẫn giọng dứt khoát, ông Thất nói: “Sợ chứ, nhưng cũng như khi đánh giặc, người chỉ huy phải xung phong đi đầu. Mình là Bí thư chi bộ, cán bộ khu phố mà không đi tận nơi, không đến từng nhà thì biết dân sống như thế nào mà hỗ trợ, giúp đỡ”.

Trung tá Nguyễn Viết Tạo kể, năm 1965 thanh niên Nguyễn Xuân Thất lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. 11 năm trong quân ngũ, ông tham gia nhiều chiến dịch và thời khắc lịch sử. Trưa ngày 30-4-1975, ông cùng các đồng đội Đoàn pháo binh 42 xóa sạch căn cứ Đồng Dù của địch. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, người lính pháo binh được chuyển sang lực lượng công an, công tác thêm 21 năm cho đến ngày nghỉ hưu, nhưng đến nay vẫn chưa ngày nào ông Thất ngơi nghỉ.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguyen-la-tam-guong-sang-post685851.html