Nguyện làm 'lao công' cho biển

Trong những cuộc trò chuyện ấm tình thân, cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thường ví một số nhiệm vụ mà mình đang làm với việc của những người lao công. Điểm khác biệt là nếu các cô, chú lao công làm sạch rác thải trên những tuyến đường, con phố thì họ lại ở thăm thẳm dưới lòng biển sâu. Có lẽ vì thế mà công việc của các cán bộ, viên chức trong ban quản lý có phần vất vả, hiểm nguy và lắm thử thách hơn.

Anh Trần Khương Cảnh (đứng thứ hai, từ phải sang) cùng nhóm lặn biển - Ảnh: Q.H

Anh Trần Khương Cảnh (đứng thứ hai, từ phải sang) cùng nhóm lặn biển - Ảnh: Q.H

Xuống đáy biển làm việc

Vừa trở về từ chuyến lặn biển, gương mặt anh Trần Khương Cảnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ sạm đen hơn. Trong chuyến lặn biển lần này, anh Cảnh và đồng nghiệp rất vui khi thấy rác thải dưới lòng biển đã giảm thiểu đáng kể. Hầu hết muôn loài ở đáy đại dương đang sinh trưởng, phát triển tốt.

“Trong 3 tháng qua, tôi và đồng nghiệp đã tham gia 2 chuyến lặn biển nhặt rác, gỡ “lưới ma”. Mỗi chuyến như vậy, chúng tôi mất khá nhiều thời gian, công sức nhưng ai cũng vui và thấy yêu công việc mình đang làm”, anh Cảnh nói.

Anh Trần Khương Cảnh quê ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Cũng như những đứa trẻ miền biển khác, từ nhỏ, anh đã theo ba lên những con thuyền, đạp sóng, vươn khơi. Sau mỗi chuyến đi như thế, tình cảm mà anh Cảnh dành cho biển thêm lớn. Trong trái tim anh, có nhiều điều kết tinh nên vẻ đẹp của biển.

Cũng như nhiều con em ngư dân khác, anh Cảnh nhìn biển bằng ánh mắt hàm ơn. Chính biển đã giúp các thành viên trong gia đình anh có cơm ăn, áo mặc. Sau này, tình yêu biển đã thôi thúc, nâng bước anh Cảnh đến giảng đường đại học, theo đuổi chuyên ngành kỹ sư nuôi trồng thủy sản.

Sau khi tốt nghiệp đại học và có 2 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, cơ duyên đã đưa anh Cảnh gắn bó với công việc ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Công việc chính của anh và đồng nghiệp là triển khai các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn bền vững các loài đặc hữu trong khu vực quản lý.

Từ năm 2019 đến nay, hằng năm, anh Cảnh cùng đồng nghiệp thường triển khai 4 đợt giám sát dưới lòng biển để kiểm tra, giám sát rạn san hô và các loài đặc hữu... Đặc biệt, năm nào các anh cũng có ít nhất một đợt thực hiện chương trình giám sát, thu gom rác thải nhựa; gỡ “lưới ma”; bắt sao biển gai...

Các thợ lặn biển khảo sát môi trường ở địa bàn Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ quản lý - Ảnh: Q.H

Các thợ lặn biển khảo sát môi trường ở địa bàn Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ quản lý - Ảnh: Q.H

Nói về công việc mà cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thường gọi là “lao công” dưới đáy biển, anh Cảnh cho biết, đây là nhiệm vụ mà không phải ai cũng có thể làm được. Theo quy định, người làm nghề phải có bằng lặn biển nâng cao trở lên; được đào tạo bài bản trong thực hiện những chương trình cụ thể; kỹ năng lặn biển được luyện rèn hàng năm... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các anh luôn làm việc theo nhóm.

“Hiện nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có 4 cán bộ, viên chức đảm nhiệm công việc này. Vì khối lượng công việc lớn nên anh em trong tổ phải chia nhau ra để triển khai các nhiệm vụ như: lái tàu, lặn biển, giám sát... Trong đó, lặn biển vẫn là công việc vất vả, nguy hiểm nhất”, anh Cảnh nói.

Sai sót đánh đổi bằng tính mạng

Theo dõi những thước phim, tấm ảnh mà cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ chia sẻ, nhiều người trầm trồ cho rằng các anh may mắn bởi được làm việc ở chốn “bồng lai tiên cảnh”. Ít ai biết, đằng sau những hình ảnh đẹp ấy là nỗ lực thầm lặng của thành viên trong đội lặn thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Đến với nghề, họ xem những khó khăn, thử thách, nguy hiểm là một phần của cuộc sống.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, hiện nay một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ giá trị của biển. Tình trạng xả rác thải xuống biển vẫn đang từng ngày, từng giờ diễn ra. Đến các âu tàu, rất dễ thấy rác thải nhựa, túi ni lông nằm chồng lấp lên nhau. Dưới sự tác động của thời gian, thời tiết, nhiều loại rác thải chìm sâu xuống đáy đại dương.

Một thủ phạm khác làm ảnh hưởng lớn đến môi trường biển chính là “lưới ma”. Được biết, trong quá trình đánh bắt, lưới của một số ngư dân bị mắc vào rạn san hô. Không gỡ ra được, bà con đành cắt bỏ lưới. Nằm lại dưới đáy biển, những mảnh lưới này vô tình trở thành “chiếc bẫy”, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều sinh vật.

Anh Trần Khương Cảnh (phía trước) và đồng nghiệp chuẩn bị bước vào một buổi lặn biển - Ảnh: Q.H

Anh Trần Khương Cảnh (phía trước) và đồng nghiệp chuẩn bị bước vào một buổi lặn biển - Ảnh: Q.H

Vì thế, thời gian qua, cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ phải đổ rất nhiều công sức. Trong những chuyến lặn biển, thông thường họ phải mang trên mình ít nhất 25 kg gồm: bình khí, quần áo lặn, các thiết bị đi kèm... Mọi giao tiếp của thợ lặn đều được thực hiện dưới hình thức ký hiệu.

Trên tàu, những người cùng làm nhiệm vụ phải thường xuyên túc trực, theo dõi để kịp thời hỗ trợ đồng nghiệp khi cần thiết. Anh Nguyễn Đức Hiền, thành viên đội lặn biển cho biết: “Trong quá trình giám sát, làm sạch biển, anh em chúng tôi có những lần bị chuột rút cũng như những sự cố không mong muốn. Mỗi lúc như thế, đồng nghiệp ở phía trên chính là chiếc phao cứu sinh của chúng tôi”.

Như chia sẻ của anh Hiền, làm việc dưới đáy đại dương, cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ rất dễ gặp những sự cố không mong muốn. Đằng sau cảnh sắc đẹp đến mê người, dưới đáy biển sâu, nhiều mối nguy hiểm thường xuyên rình rập. Đôi khi, nó đến từ sự tấn công của bạch tuộc hay các sinh vật có độc. Có những loài trông có vẻ nhỏ bé, vô hại nhưng lại trở thành “hung thần” của rạn san hồ, khiến những người lặn biển phải e ngại, đơn cử như sao biển gai. Trong quá trình lặn biển thu gom rác thải, một số thợ lặn đã bị loài sinh vật này tấn công bằng những chiếc gai cứng, dài, nhọn hoắt và nọc độc.

Gắn bó với công việc, cán bộ, viên chức chuyên lặn biển của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thường nhắc nhủ nhau thận trọng, không để xảy ra bất cứ sai sót nào trong công việc. Bởi, với một lỗi sai, họ có thể phải trả bằng cả tính mạng của chính mình hoặc đồng nghiệp. Biết rõ đặc thù nghề nghiệp là vậy nhưng mọi người vẫn gắn bó với công việc. Sau mỗi chuyến lặn biển, họ mang về rất nhiều rác thải. Trung bình mỗi năm, riêng số “lưới ma” mà cán bộ, viên chức ở đây thu được dài khoảng 5 km.

Khó đến đâu, gỡ đến đó”

Đảm đương khối lượng công việc lớn nhưng biên chế của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ chỉ có 8 người. Trong đó, số người đảm bảo các điều kiện để tham gia đội lặn, thực hiện các nhiệm vụ dưới lòng biển chỉ có 4. Vì thế, không chỉ lặn biển, họ phải kiêm nhiều nhiệm vụ nên áp lực công việc nhiều hơn. Đó cũng chính là nỗi trăn trở của những người làm nghề.

Xác định tinh thần “khó đến đâu, gỡ đến đó”, thời gian qua, cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có kết nối với những tình nguyện viên lặn biển. Mới đây nhất, lãnh đạo ban vừa đón tiếp một đội lặn biển với khoảng 20 thành viên.

Trước đó ít năm, thành viên trong đội này đã đến địa bàn Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để lặn biển. Do không nắm bắt quy định, một số thành viên đã săn bắt và “khoe chiến tích” lên mạng xã hội. Nắm sự việc, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã liên lạc, yêu cầu họ rút kinh nghiệm. Với tinh thần cầu thị, đội lặn biển đã trở lại với số lượng thành viên đông hơn, cùng cán bộ, viên chức của ban lặn biển nhặt rác, gỡ “lưới ma”...

Tuy nhiên, không phải khó khăn nào cũng có thể gỡ được. Theo ghi nhận, bên cạnh nhân lực, trang thiết bị phục vụ công việc nói chung, nhiệm vụ lặn biển của các cán bộ, viên chức thuộc ban quản lý nói riêng vẫn còn thiếu. Hiện tại, anh em của ban đang mượn một gian nhà cấp 4 để vừa ở, vừa làm việc.

Để phục vụ công việc, cán bộ, viên chức của ban mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi giúp bổ sung những kiến thức chuyên sâu để thực hiện các chương trình quan trắc, giám sát, nghiên cứu đa dạng sinh học... Một điều đáng trăn trở khác là dù làm việc ở khu vực biên giới, hải đảo nhưng chế độ, chính sách dành cho cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ vẫn chưa thực sự đảm bảo.

Giữa những khó khăn, thử thách ấy, điều đặc biệt là cán bộ, viên chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ vẫn gắn bó và dành tình yêu cho công việc. Từ lâu, họ đã xem biển cả là mái nhà thứ hai. Ai cũng nguyện làm “lao công” để biển ngày càng đẹp, giàu.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/nguyen-lam-lao-cong-cho-bien/179660.htm