Nguyên liệu thô - bài toán khó nhằn cho tham vọng tái vũ trang châu Âu

Bài toán nguồn cung nguyên liệu thô cho ngành quốc phòng không phải vấn đề mới ở châu Âu, nay càng trở nên cấp bách khi EU đề ra tham vọng 'tái vũ trang'.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) tích cực thúc đẩy các sáng kiến nhằm “tái vũ trang châu Âu”, một số chuyên gia cho rằng vấn đề then chốt liên quan các nguyên liệu thô thiết yếu trong lĩnh vực quốc phòng có vẻ đang bị bỏ qua, theo trang tin Euronews.

Tham vọng ‘tái vũ trang châu Âu’ khơi dậy câu hỏi về CRM

Giới chức EU xác định 34 loại nguyên liệu thô thiết yếu (CRM), nổi bật nhất là các nhóm kim loại đất hiếm, lithium, kim loại silicon, titanium, … . Đây là những vật liệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của EU nhưng đối diện các nguy cơ cao liên quan tới nguồn cung.

 Các nguyên liệu thô thiết yếu (CRM) cần thiết trong sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hoặc xe chiến đấu bộ binh (IFV). Ảnh: IISS

Các nguyên liệu thô thiết yếu (CRM) cần thiết trong sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hoặc xe chiến đấu bộ binh (IFV). Ảnh: IISS

Dù cho nhu cầu CRM ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, châu Âu chỉ sản xuất từ 1-5% các loại CRM cần cho các ngành công nghiệp dân sự và quốc phòng của châu lục. Ví dụ, nhiều loại CRM cùng với nhôm và đồng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các bộ phận tiêu chuẩn của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại nhưng rất khan hiếm ở châu Âu.

Đến năm 2030, nhu cầu đất hiếm của EU dự kiến tăng tới 6 lần so với hiện nay, trong khi nhu cầu lithium – vật liệu cần thiết cho các loại pin điện – có thể tăng tới 7 lần vào năm 2050.

Theo Viện quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS, Anh), những lo ngại về đảm bảo nguồn cung CRM cho châu Âu không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, các câu hỏi liên quan đã trở nên cấp bách hơn do những diễn biến địa chính trị khu vực và thế giới, các nỗ lực chuyển đổi năng lượng ở châu Âu và các yêu cầu cải tiến công nghệ.

Vấn đề này càng đáng được lưu tâm khi EU hồi đầu tháng 3 đã công bố kế hoạch “tái vũ trang châu Âu” với trọng tâm là tăng cường sản xuất quốc phòng, nhất là vũ khí phòng không, tên lửa và máy bay không người lái (UAV), phục vụ nhu cầu phòng thủ của châu lục.

Châu Âu giữa bài toán nguồn cung CRM

IISS cảnh báo rằng trong một số trường hợp, “các đối thủ tiềm tàng của phương Tây gần như độc quyền về nguồn cung các loại vật liệu quan trọng – các loại mà hoặc được dùng trong các nền tảng quốc phòng hiện tại hoặc cần thiết để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và kỹ thuật số, cũng như tham vọng chuyển đổi năng lượng của châu Âu”.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất đất hiếm và titanium. Nga là quốc gia hàng đầu về sản xuất palladium. CHDC Congo – quốc gia Trung Phi có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Nga và Trung Quốc – dẫn đầu về sản lượng cobalt và tantalum. Trong khi đó, hơn 3/4 lượng lithium trên thế giới xuất phát từ Chile.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Rebecca Lucas thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Europe (Anh) khuyến nghị rằng “EU chắc chắn sẽ cần hiểu có những giải pháp thay thế nào liên quan tới các nguồn CRM hiện có và theo đuổi các chính sách cho phép họ tối đa hóa việc đa dạng nguồn cung”.

Trong quá trình đó, vấn đề then chốt là các quốc gia EU phải duy trì nhận thức chung về mục tiêu và mục đích của việc tăng cường tự chủ và đa dạng hóa nguồn cung CRM, cũng như hiểu rõ và chính xác năng lực công nghiệp quốc phòng của các quốc gia trong EU, bà Lucas lưu ý.

Chuyên gia này cũng cho rằng những diễn biến liên quan chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khiến việc tiếp cận các loại CRM, đặc biệt là các vật liệu ở dạng có thể sử dụng được, vẫn còn “bất định”.

 Mỏ lithium ở Massif Central (Pháp), dự kiến được khai thác từ năm 2028. Ảnh: Imerys

Mỏ lithium ở Massif Central (Pháp), dự kiến được khai thác từ năm 2028. Ảnh: Imerys

Hiệp hội Công nghiệp Hàng không vũ trụ, an ninh và quốc phòng châu Âu (ASD) cũng cho rằng “đa dạng hóa [nguồn cung CRM] là điều cần thiết”. ASD lưu ý rằng ngành công nghiệp châu Âu “đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế, tăng cường khả năng phục hồi và giảm thiểu sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất bất kỳ khi nào có thể”.

Châu Âu cần làm gì để giải bài toàn nguyên liệu thô?

Năm 2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã vạch ra một giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung CRM từ bên ngoài, thông qua Đạo luật Nguyên liệu thô thiết yếu (CRMA) nhằm tăng cường sản xuất trong khối, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và thúc đẩy tái chế CRM.

EC đặt ra các mục tiêu tham vọng. Tới năm 2030, 10% lượng CRM dùng trong khối phải có nguồn gốc khai thác từ châu Âu, 40% phải được sản xuất từ các quốc gia EU và 25% phải là sản phẩm tái chế ở châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khoảng cách giữa tham vọng và nguồn cung thực tế còn quá lớn và việc hiện thực hóa mục tiêu này mới là thách thức thật sự đối với tham vọng “tái vũ trang châu Âu”.

ASD lưu ý rằng bối cảnh địa chính trị hiện tại đang “làm gia tăng đáng kể mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương” của các chuỗi cung ứng CRM và bất kỳ sự gián đoạn dòng chảy CRM nào “đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu và sản lượng công nghiệp” của châu Âu.

Một số quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha đang cân nhắc và áp dụng giải pháp gia tăng dự trữ các loại CRM và dự tính việc chuyển hướng mọi nguồn lực, bao gồm nguồn CRM, sang phục vụ các lực lượng vũ trang trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, cố vấn của Nghị viện châu Âu - chuyên gia Gregor Nageli cho rằng “việc tích trữ có thể giúp giải quyết một số vấn đề nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu cho mọi loại vật liệu”.

Một số loại CRM đòi hỏi điều kiện bảo quản rất nghiêm ngặt. Thông tin về hoạt động bảo quản có thể được xác định là “rất nhạy cảm” khiến các công ty không sẵn sàng chia sẻ thông tin với các cơ quan chính phủ và giới chức EU.

Ông Nageli cho rằng ngoài việc xây dựng năng lực khai thác, chế biến và tái chế CRM ở châu Âu thì trong quá trình thi hành CRMA, EU còn cần đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới để hỗ trợ việc thay thế các nguyên liệu thô quan trọng, cũng như mở rộng các quan hệ đối tác đã được thiết lập với các quốc gia khác.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguyen-lieu-tho-bai-toan-kho-nhan-cho-tham-vong-tai-vu-trang-chau-au-post861399.html