Nguyên nhân bạn trẻ ngại đọc sách khó
Theo dịch giả Nguyễn Giáng Hương (hiện công tác tại thư viện Quốc gia Pháp), việc bạn trẻ ngại đọc sách khó chủ yếu đến từ việc không được làm quen với các văn bản phức tạp từ sớm.
Đối với đa phần các bạn trẻ, những tác phẩm mang nặng lý thuyết hàn lâm đều rất khó đọc và họ tỏ ra không mấy mặn mà khi bắt gặp chúng trong các hội sách. Tuy nhiên, đây đều là những tác phẩm rất giá trị và ảnh hưởng đến giới nghiên cứu tại Việt Nam. Chẳng hạn Định chế Tô tem hiện nay (Claude Levi) xuất hiện trong các tác phẩm nghiên cứu nhân học biểu tượng, Thăm dò tiềm thức (Carl Gustav Jung) trong nghiên cứu phê bình văn học...
Chia sẻ với Zing trong buổi tọa đàm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua một số tác phẩm xuất bản tại Việt Nam" chiều ngày 13/5, dịch giả Nguyễn Giáng Hương (hiện công tác tại thư viện Quốc gia Pháp) nhận thấy có hai lý do chính khiến cho bạn trẻ ngại đọc sách khó.
Thứ nhất, theo quan sát cá nhân, học sinh hiện nay chỉ được học phân tích văn bản ở cấp độ đoạn trích. Đây là một điều cần thiết để phục vụ những kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, chính điều này đã gây ra giảm khả năng hấp thụ các văn bản lớn hơn như sách.
Thứ hai, các chương trình giáo dục kỹ năng đọc hiện nay chưa phổ biến, phải đến bậc đại học, các bạn trẻ mới có cơ hội rèn luyện khả năng thông qua các hoạt động nghiên cứu. Rất nhiều nước trên thế giới hiện nay, học sinh cuối cấp một đã được giao đọc các cuốn sách dày khoảng 100-200 trang. Điều này rèn luyện thói quen đọc cho trẻ cũng như tạo nên tính kiên trì.
"Cùng với đó, độc giả nên lựa chọn tác giả, dịch giả cẩn thận. Vai trò dịch giả rất quan trọng. Nhiều khi độc giả đọc không hiểu vì các lựa chọn sử dụng ngôn ngữ của dịch giả", bà Nguyễn Giáng Hương chia sẻ.
Theo ông Mai Anh Tuấn (Giảng viên tại Đại học Văn hóa Hà Nội), các cuốn sách khoa học xã hội hàn lâm không chỉ khó với độc giả đại chúng. Ngay cả những nhà nghiên cứu còn phải mất rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm và vận dụng kiến thức trong sách. Vì vậy, sự kiên trì và tinh thần không ngại khó là một trong những chìa khóa để tiếp cận dòng sách khoa học.
Từ góc độ người làm sách, bà Phạm Thị Bích Hồng (Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức) nhận định rằng các tác phẩm như Những lời bộc bạch, Quy tắc của nghệ thuật, Giám sát và trừng phạt... đặt ra thách thức lớn cho đội ngũ biên tập viên. "Mỗi năm, chúng tôi chỉ ra được 2-3 cuốn như này, có cuốn bán được vài trăm bản. Dù đầu ra rất khó, chúng tôi vẫn kiên trì với dòng sách khoa học để hoàn thiện tủ sách Tinh hoa. Đây đều là những tư liệu rất quý báu với giới nghiên cứu trong nước", bà Hồng cho biết.
Nhận thấy khả năng được tiếp cận của các đầu sách này còn hạn chế, Nhà xuất bản Tri Thức đã bổ sung thêm hình thức sách điện tử và sách nói trên một số nền tảng. Đại diện nhà xuất bản tin rằng việc này sẽ giúp độc giả trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm tài liệu cần thiết cho quá trình nghiên cứu và học tập hơn.
Tủ sách Tinh hoa của Nhà xuất bản Tri thức tập hợp các tác phẩm có giá trị lý luận cao, đặt nền móng cho khoa học xã hội nhân văn hiện nay. Tủ sách đã hoàn thiện được 20% và còn nhiều tác phẩm khác sẽ ra mắt trong thời gian tới. Không chỉ tập trung vào các nhà khoa học Pháp, tủ sách còn ghi dấu với những tác phẩm dịch từ tiếng Đức, Nga, Hungary như Siêu lý tình yêu (V. Soloviev), Đường sống (Lev Tolstoy), Nguồn gốc các loài (Charles Darwin)... Tủ sách Tinh hoa đã thúc đẩy dòng chảy sách khoa học tại Việt Nam sâu sắc và đa chiều hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-ban-tre-ngai-doc-sach-kho-post1431080.html