Nguyên nhân cháy rừng liên tiếp ở miền Bắc
Điều kiện khí tượng bất lợi; hậu quả từ siêu bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã khiến nhiều cánh rừng miền Bắc gãy đổ nghiêm trọng, tạo ra nguồn vật liệu cháy khổng lồ...là nguyên nhân xảy ra cháy rừng liên tiếp ở miền Bắc trong thời gian gần đây.
Liên tiếp xảy ra cháy rừng ở miền Bắc
Theo hệ thống giám sát bằng vệ tinh của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ 13/4 đến 15/4, ghi nhận 72 điểm cháy rừng trên 25 tỉnh ở miền Bắc. Trong đó, Lạng Sơn có số điểm cháy nhiều nhất với 18 điểm, Tuyên Quang 8 điểm, Hà Giang, Quảng Ninh và Thái Nguyên mỗi nơi 6 điểm.
Đáng chú ý, ngày 16/4, một vụ cháy rừng xảy ra tại phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, bắt nguồn từ khu vực giáp ranh với Hòa Bình và lan rộng sang rừng thuộc địa phận Hà Nam. Theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam, lực lượng chức năng đã huy động gần 400 người tham gia chữa cháy. Đến sáng ngày 17/4, đám cháy được khống chế hoàn toàn.

Nơi xảy ra vụ cháy ở Hà Nam vào ngày 16/4
Trước đó, ngày 21/3, một vụ cháy rừng tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã thiêu rụi hơn 20 ha rừng trồng và rừng tự nhiên. Tại Quảng Ninh, từ ngày 12/4 đến 15/4, ba vụ cháy rừng xảy ra tại huyện Bình Liêu, TP. Hạ Long và TP. Uông Bí, gây thiệt hại trên 43 ha rừng, chủ yếu là cây bụi, quế, keo và thông. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 4 vụ cháy rừng tại các địa phương như Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên, với tổng diện tích thiệt hại gần 49 ha, cùng 59 điểm cháy liên quan đến cây gãy đổ sau bão, cháy thực bì và diện tích sau khai thác, tổng thiệt hại hơn 600 ha.
Tình trạng cháy rừng cũng diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh khác, như tại Vĩnh Phúc, đêm 15/4, một vụ cháy rừng tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã thiêu rụi 30 ha rừng, do người dân đốt lá cây và thực bì gặp gió mạnh. Tại Cao Bằng, từ ngày 13/4 đến 14/4, hàng chục vụ cháy rừng xảy ra, như vụ cháy tại xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (10 ha rừng phòng hộ bị thiêu rụi) và các vụ cháy tại phường Hòa Chung, TP. Cao Bằng và huyện Hòa An. Tại Bắc Giang, từ ngày 12/4 đến 13/4, huyện Sơn Động ghi nhận 7 vụ cháy rừng tại các xã An Lạc, Yên Định, Phúc Sơn, Giáo Liêm, Vân Sơn, Hữu Sản, gây thiệt hại hàng chục ha rừng trồng và một phần rừng tự nhiên. Huyện Sơn Động đã phải dừng mọi hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tự phát trong rừng để đảm bảo an toàn. Tại Lạng Sơn, ngày 14/4, hai điểm cháy tại khu 3, thị trấn Na Sầm và thôn Thanh Hảo, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lăng đã thiêu rụi hơn 1,3 ha rừng.
Ngày 15/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đã phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng đối với 90 vùng, trong đó 55 vùng ở cấp độ IV (nguy hiểm) tại các tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, và 35 vùng ở cấp độ V (cực kỳ nguy hiểm) tại các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau. Nguyên nhân chính là thời tiết hanh khô kéo dài, nhiều ngày không mưa, kết hợp với ảnh hưởng từ bão Yagi và hoạt động đốt nương rẫy của người dân.
Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng ở miền Bắc gần đây
Ông Trần Văn Triển, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 1 (Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm là giai đoạn trọng điểm phòng cháy chữa cháy rừng ở miền Bắc, với nguy cơ cháy rừng rất cao.
"Có ba nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng gần đây. Thứ nhất, điều kiện khí tượng bất lợi với độ ẩm không khí dưới 50%, ít mưa, vật liệu cháy khô nỏ, khiến chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây cháy lớn. Thứ hai, hậu quả từ siêu bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã khiến nhiều cánh rừng miền Bắc gãy đổ nghiêm trọng, tạo ra nguồn vật liệu cháy khổng lồ với hàng trăm nghìn tấn cành lá khô, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Ví dụ, vụ cháy tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh chủ yếu xảy ra ở khu vực bị thiệt hại do bão số 3, nơi cành cây và lá khô chưa được dọn dẹp kịp thời. Thứ ba, thời điểm này người dân miền Bắc đang phát dọn thực bì để chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới, nhưng nếu xử lý không cẩn thận, lửa dễ lan rộng. Một trường hợp đau lòng tại Bắc Kạn gần đây, khi một người dân trong lúc xử lý thực bì đã để lửa lan ra khu rừng mới trồng, dẫn đến tử vong trong quá trình dập lửa", ông Trần Văn Triển chia sẻ.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến cáo người dân sinh sống gần rừng, người tham gia sản xuất lâm nghiệp và khách du lịch sinh thái cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tuân thủ quy định về sử dụng lửa trong rừng và ven rừng.
Trong thời điểm cao điểm sắp tới, chính quyền các địa phương cần siết chặt việc kiểm tra, giám sát, triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt từ đầu năm. Đồng thời, khi bước vào mùa phát dọn thực bì để làm nương rẫy, người dân cần thực hiện đúng các quy trình an toàn về phòng cháy, chữa cháy, tránh để xảy ra cháy lan trên diện rộng.
Lực lượng chức năng được yêu cầu túc trực, tăng cường cảnh giác và sẵn sàng phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy. Các địa phương cần đặc biệt chú ý kiểm soát hoạt động của khách du lịch tại các khu vực có cấp độ cháy cao (cấp IV và V), đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống cháy nổ, ông Đoàn Hoài Nam nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng đề nghị các tỉnh thành thực hiện nghiêm Công điện số 36/CĐ-TTg Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ngày 13/4/2025. Các địa phương chủ động, quyết liệt hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra…
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ tăng cường dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng thông tin kịp thời cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng, các phương tiện thông tin đại chúng để truyền thông và các kênh liên lạc chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tăng cường kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra…
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguyen-nhan-chay-rung-lien-tiep-o-mien-bac-post1192744.vov