Nguyên nhân dẫn đến động đất kinh hoàng ở Myanmar

Theo Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, nguyên nhân gây ra trận động đất lần này tại Myanmar là do hiện tượng 'đứt gãy trượt ngang'? Vậy đây là hiện tượng gì?

Một trận động đất mạnh đã xảy ra vào ngày 28/3 vừa qua, gây rung chuyển Myanmar và Thái Lan, khiến nhiều công trình bị phá hủy.

Theo quân đội Myanmar cuối ngày 28/3, số người thiệt mạng tăng lên 144, hơn 732 người bị thương. Trận động đất này có cường độ 7.7 độ richter, với tâm chấn nằm tại thành phố Sagaing, miền trung Myanmar, đã gây ra thiệt hại trên diện rộng.

Trong khi đó, Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) lại xác định mức độ rung chấn lên tới 7,9 độ richter.

Nhiều công trình, nhà cửa bị tàn phá sau trận động đất.

Nhiều công trình, nhà cửa bị tàn phá sau trận động đất.

Theo báo Guardian, động đất xuất hiện khi các khối đá khổng lồ cấu thành lớp vỏ Trái đất – hay còn gọi là các mảng kiến tạo – va chạm với nhau. USGS cũng chỉ ra rằng nguyên nhân gây ra trận động đất lần này tại Myanmar là do hiện tượng "đứt gãy trượt ngang", xảy ra khi hai mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu ma sát theo phương ngang.

Giáo sư Bill McGuire từ Đại học London (Anh) cho biết động đất lần này xảy ra trên đoạn đứt gãy Sagaing – ranh giới giữa mảng Ấn Độ ở phía Tây và mảng Á-Âu ở phía Đông. Ông giải thích rằng mảng Ấn Độ đang di chuyển theo hướng Bắc dọc theo đứt gãy này so với mảng Á-Âu.

Nhiều nơi lúc này đều là đống đổ nát do ảnh hưởng của trận động đất hôm 28/3.

Nhiều nơi lúc này đều là đống đổ nát do ảnh hưởng của trận động đất hôm 28/3.

Chuyên gia Joanna Faure Walker trao đổi với Reuters rằng, dù động đất dạng "trượt ngang" thường không quá mạnh, nhưng vẫn có trường hợp đạt mức từ 7 đến 8 độ richter. Bà cũng khẳng định ranh giới giữa hai mảng kiến tạo này kéo dài xuyên qua lãnh thổ Myanmar.

Người thân của nạn nhân lo lắng chờ đợi tin tức về hoạt động cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Chatuchak, Bangkok bị sập

Người thân của nạn nhân lo lắng chờ đợi tin tức về hoạt động cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Chatuchak, Bangkok bị sập

Theo truyền thông Myanmar, đây là trận động đất mạnh nhất tại nước này kể từ năm 1946 và có thể là trận động đất mạnh nhất trong thời hiện đại.

Đáng chú ý, trận động đất này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh phức tạp kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào năm 2021, do đó, việc tiếp cận thông tin từ vùng thiên tai đang gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực sau thảm họa động đất và kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp, chuẩn bị đưa viện trợ y tế từ trung tâm logistics ở Dubai, UAE, để hỗ trợ điều trị cho những người bị thương.

Yến Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nguyen-nhan-dan-den-dong-dat-kinh-hoang-o-myanmar-202503291058369406.html