Nguyên nhân gây viêm xoang do nấm

Viêm xoang do nấm chiếm khoảng 10% trong tổng số các dạng viêm xoang. Tuy nhiên, mấy năm gần đây ghi nhận số người mắc viêm xoang do nấm ngày càng tăng. Mới đây nhất, bệnh nhân nữ tại Phú Thọ được chẩn đoán viêm xoang do nấm lâu năm, đã điều trị nhiều lần tại các cơ sở y tế gần nhà nhưng không khỏi.

Viêm xoang do nấm là tình trạng viêm xoang với sự hiện diện của nấm gây tổn thương niêm mạc và tổ chức xung quanh. Bệnh lý này chiếm khoảng 10% các ca bệnh viêm xoang. Nguyên nhân thường gặp là do hít phải các bào tử nấm trong môi trường xung quanh.

Trong trường hợp tiến triển nặng, nếu không được điều trị nấm sẽ xâm lấn lên não bằng đường trực tiếp hoặc huyết khối động mạch cảnh trong dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể tử vong.

Ở Việt Nam, nấm gây bệnh viêm xoang chủ yếu là Aspergillus, Candida… Về nguyên nhân thường gặp viêm xoang do nấm là 1 phản ứng của cơ thể vật chủ với kháng nguyên nấm.

+ Do người bệnh hít phải các bào tử nấm trong môi trường xung quanh, chúng sẽ bám vào hốc mũi xoang chờ cơ hội gây bệnh.

+ Bệnh viêm xoang do nấm có liên quan đến răng chiếm khoảng 1/3 trường hợp. Các sợi nấm có thể phát triển trong chất hàn răng đi qua đỉnh răng vào trong xoang. Thời gian từ lúc chăm sóc răng đến khi chẩn đoán viêm xoang do nấm từ vài tháng đến vài năm.

Ở Việt Nam, nấm gây bệnh viêm xoang chủ yếu là Aspergillus, Candida…

Ở Việt Nam, nấm gây bệnh viêm xoang chủ yếu là Aspergillus, Candida…

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm xoang do nấm

- Yếu tố tại chỗ: Do bất thường cấu trúc giải phẫu mũi xoang làm thông khí mũi xoang kém (có bệnh lý mũi xoang kéo dài, dị vật, lệch vẹo vách ngăn…) dễ dẫn đến viêm xoang do nấm.

- Do yếu tố điều kiện khí hậu, nghề nghiệp: Khí hậu nóng và ẩm ướt, nghề nông… dễ hít phải nấm dẫn đến viêm xoang.

- Yếu tố toàn thân: Bệnh suy giảm miễn dịch, tiểu đường, điều trị thuốc làm mất cân bằng nấm-vi khuẩn tại chỗ (sử dụng corticoid kéo dài, lạm dụng opioid-acetaminophen xịt mũi, cấy ghép tạng…) cũng có thể dẫn đến viêm xoang do nấm.

Khi bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám.

Khi bị tái phát viêm xoang hoặc bệnh trở nặng hơn vào mùa mưa cần đến bác sĩ thăm khám.

Dấu hiệu nhận biết viêm xoang do nấm

Viêm xoang do nấm có 2 thể:

+ Viêm xoang do nấm không xâm lấn (dị ứng hoặc u nấm)

+ Viêm xoang do nấm xâm lấn (cấp tính hoặc mạn tính).

Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn chưa xâm lấn. Nếu không được chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh và điều trị muộn, bệnh có thể tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Giống như viêm xoang do những tác nhân khác, viêm xoang do nấm cũng có triệu chứng tương tự. Triệu chứng thường gặp là nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi, trong viêm xoang hàm thường nhức đầu vùng gò má, thái dương, đôi khi khịt mũi, khạc đờm có lẫn ít máu.

Để xác định, bệnh nhân cần được chụp CT-scan/MRI, làm xét nghiệm định danh nấm gây bệnh. Thực hiện phương pháp nội soi trong tai mũi họng sẽ làm cho việc tiếp cận với xoang trở nên dễ dàng hơn, giúp quan sát được rõ ràng bệnh tích và tổn thương xoang.

Lời khuyên thầy thuốc

Nước ta nằm trong vùng khí ẩm nồm ẩm, mưa nhiều nên rất thuận lợi cho các loại nấm, mốc phát triển. Để phòng ngừa nguy cơ viêm xoang do nấm cần chăm sóc sức khỏe tai mũi họng nhằm nâng cao sức đề kháng và chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh.

Theo đó, nên giữ ấm mũi, họng; thường xuyên vệ sinh mũi họng; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh để ẩm mốc; phơi khăn mặt dưới nắng mặt trời; tránh để mắc các bệnh về mũi họng khiến cơ quan này suy yếu dễ bị nấm tấn công.

Đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ như người viêm xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng, bệnh tiểu đường, ung thư, suy giảm miễn dịch khác… nên sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến bác sĩ tai mũi họng để được kiểm tra theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nữ bệnh nhân N.T.T (57 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) nhập viện bị đau nhức vùng mặt và đầu kéo dài nhiều năm nay. Bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhiều lần tại các cơ sở y tế gần nhà nhưng không khỏi.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cận lâm sàng sâu hơn. Kết quả chụp cắt lớp vi tính và nội soi tai mũi họng cho thấy: nhiều dịch xoang hàm hai bên hốc mũi, sàn mũi và khe mũi có dịch đặc, cuốn mũi phù nề, xung huyết nhẹ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đa xoang mạn tính, nghi ngờ nấm xoang hàm hai bên.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi hàm sàng trán bướm, lấy bỏ khối nấm và dẫn lưu thông thoáng mũi xoang. Sau phẫu thuật, các bác sĩ khẳng định nghi ngờ ban đầu là chính xác và kết luận bệnh nhân bị viêm xoang do nấm. Bệnh nhân được đưa về khoa theo dõi và tiếp tục điều trị.

Sau điều trị 4 ngày, bệnh nhân hoàn toàn hồi phục, hết chảy mũi, ngạt mũi, ho và đau nhức vùng đầu, mặt.

Ths.BS. Nguyễn Thị Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-viem-xoang-do-nam-169240109211037575.htm