Nguyên nhân khiến EU âm thầm chuẩn bị kết nạp Ukraine

EU không muốn công khai việc Ukraine gia nhập và tiến trình được giữ bí mật.

Các quan chức EU không muốn nói về việc mở rộng trước cuộc bầu cử châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quan chức EU không muốn nói về việc mở rộng trước cuộc bầu cử châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) không muốn công khai nhiều về việc chấp nhận thành viên mới vì lo ngại sự phản ứng từ nông dân châu Âu, đặc biệt khi cuộc bầu cử Nghị viện EU chỉ còn ba tháng nữa. Một số quan chức EU nói rằng họ muốn giữ bí mật về công việc chuẩn bị cho khả năng hội nhập của Ukraine, Moldova và một số quốc gia Tây Balkan, theo Politico ngày 19/3.

Cụ thể, các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang đưa ra những nhượng bộ để xoa dịu tầng lớp nông dân đang tức giận (đặc biệt là ở các nước có biên giới với Ukraine) trong khi giảm thiểu các cuộc thảo luận về việc mở rộng.

"Thành thật mà nói: không ai muốn đề cập về [sự mở rộng] này trước cuộc bầu cử ở châu Âu. Nói về việc giảm trợ cấp cho nông dân châu Âu không phải là điều bạn muốn đưa vào khẩu hiệu tranh cử của mình hoặc tạo cơ hội trúng cử cho phe cực hữu", một quan chức EU tiết lộ với Politico trong điều kiện giấu tên.

Nhiệm vụ nặng nề

Theo giới truyền thông châu Âu, nhiệm vụ mà EU phải đối mặt liên quan đến việc mở rộng là hết sức nặng nề, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine. Ukraine, quốc gia bị xung đột tàn phá, với dân số gần 44 triệu người, sẽ có diện tích lãnh thổ lớn nhất trong EU nếu gia nhập. Với dân số lớn của mình, Kiev sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU.

Nhưng sau khi trở thành thành viên của EU, Ukraine sẽ là một trong những quốc gia có GDP thấp nhất. Điều này sẽ gây căng thẳng đáng kể cho chính sách gắn kết của khối – vì nguồn tài trợ thường chảy từ các khu vực giàu hơn đến các khu vực nghèo hơn. Theo một bản ghi nhớ nội bộ của Hội đồng EU từ mùa thu năm ngoái, sự hội nhập của Ukraine có thể có nghĩa là trong vòng 7 năm tới, khoảng 186 tỷ euro tiền từ EU sẽ đổ vào nước này. Điều đó có nghĩa là tất cả các nước EU hiện tại sẽ phải đóng góp nhiều hơn và nhận về ít hơn.

Do đó, EU đã quyết định rằng việc chuẩn bị cho khả năng gia nhập của Ukraine, Moldova, Gruzia và sáu quốc gia Tây Balkan nên diễn ra trong nội bộ chứ không phải công khai trước công chúng. Khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp trong tuần này để dự hội nghị thượng đỉnh, họ sẽ khó đề cập đến vấn đề mở rộng EU.

Ủy ban châu Âu (EC) ban đầu dự kiến sẽ công bố thông điệp cải cách trước đợt mở rộng vào cuối tháng 2 vừa qua, nhưng điều này đã không xảy ra. Một nhà ngoại giao EU cho biết thêm, một số quốc gia đã yêu cầu ít tập trung hơn vào các tác động tài chính và cải cách thể chế trong tương lai.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã làm phức tạp thêm vấn đề này. Đồng thời, một số quốc gia đang mất kiên nhẫn và đang kêu gọi hành động cải cách nội bộ tích cực hơn để mở rộng. Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha về các vấn đề châu Âu, quốc gia luôn kiên quyết ủng hộ cải cách trong EU, nói rằng các quá trình mở rộng và cải cách nội bộ phải đi đôi với nhau.

Nhưng cuộc tranh luận về mở rộng thực sự sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ cho biết. Ba Lan, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào năm 2025, dự kiến sẽ bắt đầu đặt nền móng cho việc mở rộng.

Trước đó vào tháng 12/2023, Hội đồng châu Âu quyết định bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU với Ukraine và Moldova. Và vào tháng 3/2024, Ủy ban châu Âu đã thông qua khuôn khổ đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal lưu ý, bước đi này là bằng chứng cho thấy Kiev chắc chắn sẽ là thành viên của Liên minh châu Âu.

Sau khi các văn bản trên được công bố, chúng phải được các nước thành viên EU thảo luận và thống nhất. Các nhà ngoại giao và quan chức EU cảnh báo rằng một thỏa thuận giữa 27 thành viên EU cần thiết để chính thức bắt đầu đàm phán khó có thể xảy ra trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 năm nay.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguyen-nhan-khien-eu-am-tham-chuan-bi-ket-nap-ukraine-20240320151701886.htm