Nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới tăng dữ dội

Giá cà phê arabica giao sau trên sàn giao dịch ICE đã lập kỷ lục suốt 13 phiên liên tiếp, giá cà phê robusta cũng gần mức lịch sử...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá cà phê giao sau tại New York cao chưa từng thấy, và nhiều nhà giao dịch cho biết thị trường đang “hoảng loạn” vì tình trạng nguồn cung cà phê sẵn có chỉ ở mức hạn chế.

Tính đến phiên ngày thứ Hai (10/2), giá cà phê arabica giao sau trên sàn giao dịch ICE đã lập kỷ lục suốt 13 phiên liên tiếp. Mức tăng hơn 6% của phiên này đưa giá cà phê arabica đạt trên 4,3 USD/pound, cao nhất mọi thời đại.

Thông tin về hình thái thời tiết khô, nóng đang hình thành ở các khu vực trồng cà phê của Brazil là một nguyên nhân khiến giá cà phê lập kỷ lục. Cùng với đó là việc nông dân ở các nước trồng cà phê chủ chốt của thế giới không sẵn sàng bán thêm hàng ra thị trường.

“Nỗi hoảng sợ cuối cùng đã lộ ra. Giá cà phê sẽ tiếp tục tăng”, ông Bob Fish - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền Biggby Coffee với 350 cửa hiệu tại nhiều bang Mỹ - nói với hãng tin Reuters.

“Có hai yếu tố có thể chấm dứt tình trạng tăng giá cà phê này. Một là Brazil và Việt Nam có được một niên vụ cà phê với sản lượng cao, mà điều này được dự báo là phải đến tháng 8/2026 mới thành hiện thực. Hai là, nhu cầu của các nước tiêu thụ cà phê phải giảm đủ mạnh do giá cao”, ông Fish nói.

Nhà kinh doanh cà phê này cho rằng các cửa hiệu cà phê ở Mỹ nên tăng giá, nếu không sẽ phải chứng kiến sự “bốc hơi” của biên lợi nhuận. Năm nay, giá cà phê đã tăng khoảng 35%, sau khi tăng 70% trong năm ngoái.

Các nhà giao dịch trên thị trường cà phê đang lo lắng về lượng tồn trữ thấp ở Brazil - quốc gia sản xuất gần một nửa sản lượng cà phê arabica của thế giới. Hiện tại, nông dân cà phê ở Brazil đã bán khoảng 85% số cà phê mà họ sản xuất được trong niên vụ này và không vội bán thêm.

“Số lượng cà phê còn tồn đang nằm trong tay các nhà sản xuất có tiềm lực tài chính mạnh”, một nhà môi giới cà phê cho biết, nhấn mạnh rằng những nông dân này không cảm thấy có áp lực phải bán ra.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch nói rằng ở một mức độ nào đó, xu hướng tăng giá của cà phê arabica đã trở thành một vòng xoáy tự mạnh lên và không còn chịu sự chi phối của các yếu tố nền tảng như cung - cầu.

“Có những người tin rằng vụ thu hoạch cà phê tiếp theo của Brazil có thể tốt hơn so với dự báo, không đến mức vượt sản lượng của năm ngoái, nhưng đủ để làm cho triển vọng sáng sủa hơn một chút”, một báo cáo của công ty giao dịch cà phê Icona Cafe nhận định.

Công ty môi giới Hedgepoint thậm chí dự báo Brazil năm nay sẽ đạt sản lượng cà phê cao hơn năm ngoái, với mức sản lượng dự báo 64,1 triệu bao cho niên vụ 2025/2026, so với mức ước tính 63,4 triệu bao của niên vụ trước.

Giá cà phê robusta - loại rẻ hơn cà phê arabica, được trồng nhiều ở Việt Nam và chủ yếu được dùng để làm cà phê uống liền - cũng đang ở gần mức kỷ lục. Phiên ngày 10/2, giá cà phê robusta giao sau tại New York tăng 2,4%, đạt 5.697 USD/tấn. Giá của loại cà phê này đã lập kỷ lục hôm 31/1 ở mức 5.840 USD/tấn.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), điều kiện thời tiết không thuận lợi ở Brazil ở Việt Nam có thể dẫn tới việc lượng cà phê tồn trữ trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất 25 năm. Trên thực tế, thời tiết bất lợi đối với cây cà phê đã đẩy giá cà phê leo thang từ năm 2011 đến nay.

“Nguồn cung cà phê có cải thiện, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Mọi người đang cảm thấy là ảnh hưởng của thời tiết đến sản lượng cà phê sẽ tệ hơn những gì được dự báo lúc đầu”, trưởng phân tích Ryan Delany của công ty Coffee Trading Academy nhận xét với hãng tin CNN.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguyen-nhan-khien-gia-ca-phe-the-gioi-tang-du-doi.htm