Nguyên nhân khiến khủng hoảng di cư trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan

Cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan, gây căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus nói riêng và Belarus-EU nói chung.

Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus - Ba Lan ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus - Ba Lan ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi đề cập tới việc hàng nghìn người di cư đang tập trung ở biên giới Ba Lan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định trên Twitter ngày 10/11: “Đây là cuộc tấn công kép. Không phải là khủng hoảng di cư”.

Theo tờ Foreign Policy, những gì đang diễn ra ở biên giới Belarus-Ba Lan là vừa là một cuộc tấn công, vừa là khủng hoảng di cư nhưng việc giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từ chối công nhận thực tế này một phần là lý do khiến EU đang đối mặt với hỗn loạn ở biên giới.

Sáu năm sau khi cuộc khủng hoảng người tị nạn gần đây nhất ở châu Âu đạt đỉnh, người lớn và trẻ em từ vùng chiến sự và các quốc gia nghèo vẫn bị chèn ép giữa một bên là hàng rào dây thép gai, một bên là binh lính.

Người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba Lan và EU cáo buộc Chính phủ Belarus đưa người di cư tới khu vực biên giới, tạo ra cuộc khủng hoảng này nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Cáo buộc này bị Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bác bỏ. Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus cho rằng người tị nạn không gây ra mối đe dọa và chỉ muốn xin tị nạn tại Ba Lan.

Điều khiến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay thêm trầm trọng bắt nguồn từ cách tiếp cận cứng rắn của EU với di cư – một vấn đề lẽ ra có thể quản lý được. Thay vì quan tâm tới nguyên nhân những người di cư phải rời bỏ chỗ ở và bảo vệ họ, EU lại quá ám ảnh với việc tập trung vào quân sự hóa vấn đề nhân đạo và làm xói mòn khái niệm tị nạn, ảnh hưởng tới những nguyên tắc của EU.

Một số người di cư tại biên giới Belarus- Litva cho biết họ phản đối việc bị truyền thông coi là "quân bài chính trị". Một người di cư Somali nói với Foreign Policy: “Tôi không biết về ông Lukhashenko. Mọi thứ tôi biết là Belarus đã mở cánh cửa, nhưng họ không bắt chúng tôi tới đây”.

Phản ứng với sức ép của người di cư ở biên giới, Litva, Ba Lan và 10 quốc gia EU đã kêu gọi EU thay đổi khung pháp lý hiện có cho phù hợp với thực tế mới. Lời kêu gọi này thực ra là lời kêu gọi phớt lờ Công ước Geneva về người tị nạn, hợp pháp hóa việc từ chối những người tị nạn yếu thế, đẩy họ trở lại tình huống nguy hiểm.

Máy bay tuần tra khi người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay tuần tra khi người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba Lan trước đây từng ngăn người dân đến từ Chechnya hay Tajikistan, nhưng Ba Lan lại cùng với Litva sắp xếp thị thực nhân đạo, thậm chí lập hành lang nhân đạo cho người bất đồng chính kiến Belarus. Cách đối xử này lại hiếm khi được áp dụng với người tị nạn từ Afghanistan, Syria hay Somalia.

Trong khi EU luôn đổ lỗi cho Belarus và Nga nhưng chính chính sách tị nạn yếu của EU cũng là nguyên nhân.

Quốc gia thành viên EU đầu tiên chịu trách nhiệm đánh giá đơn xin tị nạn thường là quốc gia mà người tị nạn đặt chân đến đầu tiên. Điều này buộc những người này phải vào những quốc gia mà họ không có ý định xin tị nạn ngay từ đầu.

Hệ thống này do các nước giàu có ở Bắc Âu thiết kế để chuyển quy trình bảo vệ người tị nạn phức tạp sang cho các nước EU nghèo hơn ở biên giới (như Địa Trung Hải, Đông Âu) xử lý. Điều này cho phép các nước EU giàu duy trì được vẻ ngoài tự do, công khai nói về nhân quyền, trong khi đẩy những việc tiêu cực như lập hàng rào biên giới hay đối phó với người di cư cho các nước nghèo ở vòng ngoài EU.

Hồi tháng 10, Ủy viên phụ trách vấn đề nội vụ EU Ylva Joh nói EU “nhân đạo, không thô bạo”, nhưng một số quốc gia EU lại bị cáo buộc đối xử thô bạo có hệ thống với người di cư.

Tháng trước, các nhà báo đã phanh phui vụ các đơn vị bảo vệ bờ biển Hy Lạp bắt cóc người di cư khi họ vào đảo Aegean và bỏ rơi họ trên biển. Các nhà báo này cũng đã ghi hình lực lượng biên phòng Croatia đánh đập người di cư khi trục xuất họ qua sông vào Bosnia-Herzegovina. Người xin tị nạn vượt khu vực miền trung Địa Trung Hải bị EU giám sát từ trên không, báo cho các nhóm tay súng Libya để kéo họ trở lại các trung tâm giam giữ ở Libya, nơi họ bị đánh đập, hành hạ. Các trung tâm và các tay súng này đều dựa vào nguồn tài chính, hỗ trợ của EU.

Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus - Ba Lan ngày 10/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus - Ba Lan ngày 10/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2020, các nước EU đã cấp quy chế bảo vệ cho khoảng 280.000 người nhưng họ phải tới lãnh thổ EU trước. Tuy nhiên, số người được tái định cư ở châu Âu lại rất thấp. Năm 2020, có khoảng 8.700 người. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, châu Âu chỉ cho 21.000 người vào tị nạn. Nếu châu Âu từ chối nhận những người tị nạn tới bằng thuyền và mòn mỏi chờ đợi ở sau hàng rào dây thép gai ở biên giới, châu Âu cần tăng cấp 10 lần số người được phép tị nạn.

Tình trạng buôn lậu người làm lợi cho những mạng lưới tội phạm. CH Síp hiếm khi cho phép người xin tị nạn mang theo gia đình hợp pháp. Việc này là để ngăn họ vào Síp, nhưng hậu quả là người tị nạn chấp nhận trả tiền cho bọn buôn người và liều mạng vượt biên bằng mọi cách.

Theo tờ Foreign Policy, áp lực di cư xuất phát từ Belarus ngày hôm nay nhưng có thể xuất phát từ bên trong EU vào ngày mai. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cảnh báo EU rằng nếu EU không hoàn lại số tiền mà Hungary đã chi để xây tường biên giới ngăn người di cư thì ông “sẵn sàng mở hành lang cho người di cư hành quân tới Áo, Đức và Thụy Điển”.

Nếu tiền thuế của người dân EU được dùng để chi cho các trung tâm xử lý đơn xin tị nạn trên các tuyến đường di cư chính và cho phép người di cư đoàn tụ an toàn với gia đình ở bên kia biên giới thì sẽ không có cảnh hỗn loạn ở đây.

Theo tờ Foreign Policy, EU cần có giải pháp nhân đạo và hợp pháp để giải quyết khủng hoảng di cư, thay vì bình thường hóa tình trạng bạo lực với người di cư ở biên giới.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-khien-khung-hoang-di-cu-tram-trong-o-bien-gioi-belarusba-lan-20211112112957431.htm