Nguyên nhân khiến người phụ nữ không thể đưa tay lên chải tóc
Các cơn đau, kèm căng mỏi cơ vùng cổ vai gáy rất khó chịu, làm cho bệnh nhân không thể tập trung vào công việc, mất năng lượng, uể oải.
T.T.K.D. (35 tuổi, trú tại Bình Dương) đau cổ vai gáy gần 2 năm nay. Chị chia sẻ nguyên nhân có thể từ công việc phải gắn liền với máy tính và đi xe máy nhiều. Ban đầu, người phụ nữ này chịu đựng những cơn đau thoáng qua và tự mua thuốc uống. Dần dần, cơn đau nặng nề đến mức chị D. không thể đưa tay lên chải tóc hoặc kéo khóa các loại áo váy ở sau lưng.
Người phụ nữ này đã phải đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không dứt điểm. Mỗi lần tái lại, chị đều khám và điều trị ở một nơi khác.
Tương tự, N.H.P. (42 tuổi, trú tại TP.HCM) cũng đau cổ vai gáy từ nhiều năm nay. Anh bị cứng cổ và đau giữa hai xương bả vai, đã đi khám và chữa nhiều bệnh viện, phòng khám nhưng đỡ, được một thời gian ngắn lại đau lại.
"Đau vai gáy thường xuyên khiến tôi khó tập trung làm việc. Tôi cũng đi tập gym, tự điều trị bằng cách xem clip để phán đoán tập cơ nào, động tác nào nhưng không hiệu quả", anh P. nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, TP.HCM, cho hay sau khi thăm khám, ông nhận thấy chị D. bị mất cân bằng cơ thân trên, vai tròn xệ và xương bả vai xoay trước, gây biến chứng chèn ép mỏm cùng vai lên gân cơ gai trên, viêm gân cơ chóp xoay.
Trường hợp của anh P. cũng được chẩn đoán mất cân bằng cơ thân trên, các cơ vùng trước ngực, sau gáy co kéo nhóm cơ sau vai làm di lệch xương bả vai xoay ngoài và xoay trước. Sau 2 buổi tập, bệnh nhân đã giảm hẳn tình trạng căng cơ, co kéo, bớt đau nhức, cho thấy tình trạng đáp ứng với chẩn đoán và điều trị tốt.
Nguyên nhân đau cổ vai gáy
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho hay đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng cổ vai gáy co cứng, căng mỏi gây đau, kèm theo hạn chế vận động các khớp cột sống cổ hoặc vai.
Bệnh có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thiểu năng vành, u đỉnh phổi... Tuy nhiên, lý do phổ biến và chiếm đại đa số là mất cân bằng cơ vùng thân trên, gọi là hội chứng chéo trên từ tư thế ngồi nhiều và sử dụng máy vi tính hay smartphone thường xuyên.
"Đây cũng là bệnh đặc trưng của dân văn phòng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên hiểu là liên quan tư thế và thói quen sinh hoạt tương tự và nhiều người khác cũng mắc phải", bác sĩ Calvin Q Trịnh nói.
Bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp, thần kinh và mạch máu vùng cổ vai gáy. Quan sát từ hai bên, chúng ta có thể thấy đầu nhô về trước khỏi trục cơ thể, cổ nghiêng về trước mất đường cong sinh lý cột sống cổ, vai tròn xệ, bờ vai cong ra trước, ngực hõm vào, lưng gù.
Vị chuyên gia này lý giải do các nhóm cơ co kéo để điều chỉnh cơ thể phù hợp với thói quen, tư thế làm việc và sinh hoạt hàng ngày gây ra sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ vùng thân trên và đầu cổ. Việc này lâu dần gây lệch vẹo, gù, căng mỏi đau.
Sự tăng co quá mức của nhóm cơ trước ngực có thể làm cho khoang lồng ngực bị bó hẹp, dẫn đến dễ mệt mỏi, cảm giác thiếu khí, khó thở. Đôi khi, người bệnh thấy khó thở theo tư thế đứng và ngồi, đêm nằm ngủ sẽ dễ thở hơn.
Trường hợp mất cân bằng cơ nặng hơn có thể gây chèn ép mỏm cùng vai, khiến bệnh nhân không thể giơ cao tay, đặc biệt động tác chải tóc và kéo khóa váy áo sau lưng của phụ nữ. Bệnh trầm trọng có thể gây biến chứng đứt gân cơ trên gai.
Trường hợp khác có thể gây chèn ép đám rối thần kinh cánh tay ngay dưới xương đòn gây tình trạng đau dọc theo cánh tay hay tê bì ở các ngón tay. Các cơn đau, kèm căng mỏi cơ vùng cổ vai gáy rất khó chịu, làm cho bệnh nhân không thể tập trung vào công việc, mất năng lượng, uể oải.
Lý do đau cổ vai gáy thường tái phát nhiều lần
Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, cho hay lý do tái đi tái lại là từ chẩn đoán và điều trị đi theo hướng khác. Các hội chứng về sự mất cân bằng tương quan về chiều dài, căng lực giữa các cơ chịu trách nhiệm vận động và giữ vị trí cân bằng cho ổ khớp lại không được đề cập trong các sách vở bệnh học và chẩn đoán đào tạo trước đây.
Các bác sĩ thường chẩn đoán chung là thoái hóa cột sống cổ (trong trường hợp không thấy thoát vị đĩa đệm trên phim). Hướng điều trị cũng không phải là tái lập sự cân bằng cơ vùng thân trên và chi trên.
Các thuốc giảm đau, giãn cơ hay phương pháp vật lý nhiệt giúp giãn cơ tương tự chỉ giúp cho bệnh nhân dễ chịu trong thời gian điều trị. Hết thời gian điều trị, sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ và sự lệch vẹo vẫn tồn tại nên bệnh nhân lại bị đau.
Vị chuyên gia này hướng dẫn cách dễ nhận biết mất cân bằng cơ thân trên là khi đứng sát tường (gót, mông, lưng chạm tường) ở tư thế nhìn thẳng, bạn sẽ thấy phía sau đầu không chạm tường, cổ nghiêng trước, vai tròn xệ, xoay trước, lưng gù, ngực hõm.