Nguyên nhân mâu thuẫn trong gia đình không thể cứu vãn
Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, nếu một người có xu hướng đổ lỗi cho đối phương và không nhận ra thiếu sót của bản thân, mọi chuyện sẽ khó giải quyết thỏa đáng.

Cha mẹ thường xuyên cãi vã gây ảnh hưởng xấu tới con cái. Ảnh minh họa: PNO.
Tôi thực sự đã rất may mắn khi có một người bạn đời vốn là bạn thanh mai trúc mã. Chúng tôi gắn kết và thấu hiểu nhau từ khi còn thơ bé. Chúng tôi học cùng và chơi thân với nhau từ những năm cấp hai. Chúng tôi đồng điệu với nhau ở suy nghĩ luôn cố gắng để đem lại niềm vui và tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương trước cả khi nghĩ đến bản thân mình.
Suy nghĩ đó lan tỏa thấm nhuần vào cả các con tôi, cả gia đình chúng tôi đều muốn đem lại niềm vui cho nhau. Tôi cũng từng nhận được nhiều câu hỏi liệu chúng tôi có cãi nhau không; có bất đồng quan điểm không; có dọa dẫm nhau viết đơn ly hôn như bao cặp đôi khác không?
Câu trả lời là “chưa từng”, bởi chúng tôi đồng quan điểm, thấu hiểu nhau và luôn tự tìm cách để hòa hợp với đối phương trước những đổi thay của cuộc đời và biến động của xã hội nên không có chuyện mâu thuẫn căng thẳng trầm trọng xảy ra. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ về các mối bận tâm, cùng nhau bàn bạc và giải quyết những việc quan trọng và luôn tôn trọng ý kiến cũng như hành động của đối phương.
Chúng tôi có một nguyên tắc khá hiệu quả có thể áp dụng cho việc giáo dục con cái và cả việc giải quyết những mâu thuẫn bất đồng trong đời sống hàng ngày. Tôi thấy nhiều cặp vợ chồng xung quanh thường xuyên tranh cãi về việc người này làm không đúng ý người kia. Để giảm thiểu những mâu thuẫn thường nhật, chỉ cần thống nhất rằng: “Nếu ai đó đã không có ý kiến, không tham gia từ đầu thì kết quả sự việc có thế nào thì cũng không được lên án đối phương”.
Điều này rất quan trọng trong việc giữ hòa khí gia đình, bởi chúng ta ai cũng hiểu người làm nhiều sẽ dễ mắc lỗi nhiều, khi nhận kết quả không như mong muốn sẽ có tâm lý đổ lỗi cho người khác chứ không nhận lỗi do bản thân mình. Lỗi của bản thân ở đây chính là: “Tại sao chúng ta không tự làm để khỏi phải lên án, phê phán người khác khi sự việc xảy ra không như ý?”.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng ở mỗi gia đình xuất phát từ việc những điều nhỏ nhặt không được giải tỏa mà tích tụ dần lên đến mức chán ghét nhau, dần mất tình yêu thương và sự tôn trọng dành cho nhau.
Gia đình vui vẻ thì vợ chồng có động lực để làm việc, con cái có tâm trạng tích cực để học hành. Còn làm thế nào để được hạnh phúc, chắc quan niệm mỗi người mỗi khác, tôi không bàn về vấn đề triết học ở đây mà chỉ xin nêu quan điểm cá nhân và chia sẻ những trải nghiệm mà mình đã kinh qua.
Đối với tôi, việc lên kế hoạch mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và từng bước hoàn thành từng kế hoạch luôn làm tôi có cảm giác vui vẻ như đạt được thành tựu.
Ví như, hôm nay cha mẹ tranh cãi trước mặt con khiến con lo lắng sợ hãi ảnh hưởng đến cảm xúc của con thì cha mẹ cần tiết chế lại, vạch ra kế hoạch lần tới nếu có cãi nhau thì phải tránh trước mặt con và tần suất phải giảm dần; lên kế hoạch nếu có bực tức khó chịu thì chịu khó lắng nghe đối phương, tiết chế lời nói, không bắt bẻ câu từ…
Không cần phải có kế hoạch to tát, cứ vừa phải nhẹ nhàng để có được kết quả, miễn là mình của ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua thế là đã tốt hơn rồi!