Nguyên nhân người di cư Bangladesh đổ xô đến 'miền đất hứa' Italia

Gần 9.000 người Bangladesh đã vào Liên minh châu Âu trong năm 2021 thông qua các con đường bất thường với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hầu hết đều hướng đến Italia, một điểm đến ưa thích của người dân quốc gia Nam Á này.

Hàng nghìn người Bangladesh muốn tới châu Âu mỗi năm qua con đường di cư trái phép

Hàng nghìn người Bangladesh muốn tới châu Âu mỗi năm qua con đường di cư trái phép

Điểm đến yêu thích ở châu Âu

“Tôi quyết định đến Libya khi cha tôi qua đời cách đây vài năm. Tôi phải làm gì đó để nuôi sống gia đình 8 người”, Lakuira Sobuj, một người di cư Bangladesh đến Italia năm ngoái sau khi vượt Địa Trung Hải từ Libya, nói với InfoMigrants. Thanh niên 25 tuổi này đã chi khoảng 4.000 euro để đến Libya vào năm 2020, thời điểm mà anh vẫn chưa định đến châu Âu. “Gia đình tôi nghèo khó. Mẹ tôi làm giúp việc trong ngôi làng của chúng tôi ở quận Shariatpur, miền Trung Bangladesh. Tôi phải bán con bò của mình và vay thêm tiền để đến Libya”, anh kể lại.

Sobuj thất học từ nhỏ vì gia đình quá nghèo. Sau đó, anh đã làm công nhân xây dựng trong vài tháng ở thành phố Benghazi của Libya, nhưng lại bị chủ quỵt lương. Vì vậy, Sobuj quyết định lên thuyền vượt biển đến Ý. “Chúng tôi đã mất khoảng 24 giờ trên thuyền vượt Địa Trung Hải để đến đảo Lampedusa của Italia vào ngày 21-2-2021. Có 93 người trên thuyền, hơn 40 người trong số họ là đồng hương của tôi”, anh nói.

Kể từ đó, Sobuj vẫn sống tại một trung tâm di cư ở Thủ đô Rome. Ước mơ có được một công việc tại một quốc gia châu Âu của anh vẫn chưa thành hiện thực. “Tôi đã phải trả thêm 2.000 euro cho một kẻ buôn người ở Libya cho chuyến hành trình đến Italia... Nhưng tôi vẫn thất nghiệp ở đây. Mẹ tôi vẫn làm giúp việc ở quê nhà. Tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước”, thanh niên này chia sẻ.

Arafat Rahman, một người di cư Bangladesh đến Serbia năm ngoái với thị thực lao động thời vụ, nói với InfoMigrants rằng điểm đến cuối cùng của anh là Italia. Rahman kể rằng những kẻ buôn người Bangladesh sống ở Serbia yêu cầu anh nộp từ 4.000 đến 6.000 euro để lo lót từ Serbia đến Italia. Rahman hết tiền nên đành sống tại một trung tâm nhập cư ở Serbia sau khi bị một kẻ buôn người khoắng sạch của cải và dọa sẽ giết nếu báo cảnh sát địa phương.

“Tôi đến Serbia với hy vọng đến được Italia sau khi không xin được việc làm nhân viên vận hành máy tính tại một tòa án ở Bangladesh”, Rahman nói. Người này cho biết, nếu muốn được nhận vào làm việc với mức lương 160 euro/tháng, anh sẽ cần phải hối lộ 16.000 euro. “Tôi quyết định không xin việc đó vì tiền hối lộ quá cao. Tôi có thể kiếm được nhiều hơn ở Italia và trả dần tiền vay mượn để đến đó”.

Tại sao lại là Italia?

Với GDP hơn 409 tỷ USD, Bangladesh hiện là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới. Các dự báo cho thấy quy mô nền kinh tế có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Nhưng ngay cả khi quốc gia Nam Á này đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, hàng nghìn công dân Bangladesh vẫn cố gắng đến châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn và an toàn hơn. Số liệu thống kê hàng năm do cơ quan biên giới của EU Frontex công bố cho thấy, ít nhất 8.667 công dân Bangladesh đã vào khu vực này vào năm ngoái. Trong đó, hơn 8.000 người đến qua tuyến đường biển Địa Trung Hải và 437 người qua phía Tây Balkan.

Đáng chú ý, Bangladesh đứng thứ hai trong danh sách của Frontex về các quốc gia có công dân đi tuyến đường nguy hiểm qua Địa Trung Hải. Tháng trước, 7 người Bangladesh đã chết vì hạ thân nhiệt khi cố gắng đến Lampedusa từ Libya. Thương vong như vậy là thường xuyên trên tuyến đường này. Số liệu thống kê của Frontex cũng cho thấy rằng Italia vẫn là điểm đến ưa thích của nhiều người Bangladesh trong vài thập kỷ qua.

“Khoảng 150.000 người di cư Bangladesh sống ở Italia. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, đóng tàu và buôn bán đường phố”, Shameem Ahsan, Đại sứ Bangladesh tại Italia, nói với InfoMigrants. Không có quốc gia EU nào khác có nhiều người Bangladesh nhập cư như vậy. Nhà ngoại giao này cho rằng, Italia có thái độ chào đón người nước ngoài hơn.

Chính phủ Italia đã cho phép thuê lao động từ Bangladesh trong các danh mục “thời vụ” và “không theo mùa vụ” từ năm 2020. Theo thông tư do Đại sứ quán Bangladesh tại Rome công bố vào tháng trước, Italia sẽ cấp 69.700 thị thực cho 31 quốc gia không thuộc EU, bao gồm cả Bangladesh, trong năm nay. Nhưng chỉ 3.500 người di cư Bangladesh có thể đến Italia theo thông tư gần đây. “Đó là một con số rất nhỏ so với hàng trăm nghìn người muốn đến”, Palash Rahman, một nhà báo Bangladesh đang thường trú tại thành phố Venice của Italia, cho biết. “Chúng ta cần tạo ra nhiều cơ hội hợp pháp hơn cho người lao động Bangladesh”, ông kết luận.

Có quan điểm cho rằng Italia rất khoan dung đối với người nước ngoài. Đó là lý do tại sao nhiều người tin rằng họ sẽ có được tư cách pháp nhân sau khi nhập cảnh bằng các con đường khác nhau”

Ông Shameem Ahsan (Đại sứ Bangladesh tại Italia)

(Theo DW)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguyen-nhan-nguoi-di-cu-bangladesh-do-xo-den-mien-dat-hua-italia-post495014.antd