Nguyên nhân phức tạp về 'làn sóng' giáo viên muốn bỏ nghề
TRUNG QUỐC - Cuộc khảo sát về nguyện vọng chuyển công tác do Sở Giáo dục một địa phương ở Trung Quốc thực hiện cho thấy, có đến 38% giáo viên chọn làm bất kỳ vị trí nào cũng được, miễn không làm giáo viên chủ nhiệm.
Liên quan đến khảo sát mong muốn chuyển vị trí hoặc được điều chuyển sang bộ phận khác phù hợp hơn của nhiều giáo viên ở Trung Quốc, Sohu có bài viết thảo luận về vấn đề này:
Những ngày qua, khảo sát này đã gây không ít xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Khi dư luận còn đang hoài nghi liệu có phải nhiều giáo viên đang bị ép rời bục giảng hay không, chính những người trong ngành lại bày tỏ như sau: "Thà trực ca đêm ở nhà tang lễ, còn hơn làm giáo viên chủ nhiệm thêm lần nữa".
Dòng trạng thái này của giáo viên đặt ra không ít vấn đề. Nhiều người cho rằng, có thể đây là sự bùng phát tập thể của hội chứng kiệt sức nghề nghiệp, hoặc là tín hiệu cầu cứu từ hệ sinh thái giáo dục?

Một giáo viên đang dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 6 tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, ngày 1 tháng 9 năm 2020. Ảnh: Tân Hoa Xã
Kỹ năng của giáo viên: Không chỉ biết mỗi dạy học
Một bản sơ yếu lý lịch tự trào của một giáo viên đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc: "Thường chấm bài lúc 3h sáng, thành thạo sử dụng PowerPoint, giỏi giải quyết mâu thuẫn học sinh, có tố chất nghề nghiệp: dù bị lên cơn nhồi máu cơ tim vẫn gắng gượng dạy xong tiết dự giờ". Chia sẻ này có vẻ cường điệu nhưng lại phản ánh chân thực về cách "sinh tồn" của giáo viên hiện nay:
- Dây chuyền sản xuất "nhân tài đa năng": Ngoài giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) ngày nay kiêm cả tư vấn tâm lý cho học sinh, lên kế hoạch và viết nội dung sự kiện đến thống kê dữ liệu. Do đó, từ lâu họ được ví như vận động viên đa di năng "mười môn phối hợp".
- "Chuyên gia" sinh tồn dưới áp lực cao: Đứng liên tục 4 giờ giảng bài trên lớp chỉ là kỹ năng cơ bản, việc phải đối phó với những phản ánh của phụ huynh vào đêm khuya mới là cửa ải lớn nhất.
- "Bậc thầy" quản lý cảm xúc: Trên lớp có thể luôn giữ nụ cười với 40 học sinh, nhưng chỉ cần khi đối mặt với áp lực đánh giá, xét danh hiệu, GVCN lại ngay lập tức chuyển sang chế độ "lý trí phân tích".
Khi từng kỹ năng được bóc tách rõ ràng, nhiều người nhận ra, giáo viên có lẽ mới là những "tầng lớp đặc biệt" bị đánh giá thấp nhất trong giới công sở hiện nay.
Điều chuyển việc: Lối thoát hay sự trốn tránh?
Cuộc khảo sát về nguyện vọng chuyển công tác do Sở Giáo dục một địa phương ở Trung Quốc thực hiện cho thấy, 38% giáo viên đã chọn "làm bất kỳ vị trí nào cũng được". Lựa chọn tập thể này, có vẻ phi lý nhưng thực chất lại phản ánh đúng áp lực giáo viên đang đối mặt:
- Hội chứng thiếu thời gian trầm trọng: Trung bình mỗi GVCN sẽ làm việc trên 12 giờ/ngày, trong đó 30% thời gian là để xử lý việc không liên quan đến giảng dạy.
- Khủng hoảng đánh mất giá trị nghề nghiệp: Khi giáo dục biến thành cuộc đua theo KPI, thì mối quan hệ thầy trò dần trở thành những con số để báo cáo thống kê.
- Hố đen cạn kiệt cảm xúc: Vừa là giáo viên, vừa là nhân viên hành chính, thỉnh thoảng còn phải đóng vai trò người dẫn chương trình hoạt động ngoại khóa.
Dù là câu nói đùa của GVCN "muốn làm bảo vệ trường", nhưng lại phản ánh niềm khao khát giản đơn với công việc thuần túy - làm tốt một việc, không đa nhiệm, không áp lực vô hình. Trong môi trường giáo dục ngày nay, điều này trở thành một thứ xa xỉ với họ.
Mong được chuyển vị trí: Thuốc chữa hay thuốc độc?
Tại một thành phố hạng ba ở Trung Quốc, sau 3 năm thí điểm việc chuyển đổi công việc cho GVCN, đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng suy ngẫm: Giáo viên chuyển sang làm thư viện đã tìm lại được niềm vui trong việc giới thiệu sách; giáo viên được điều sang làm công tác cộng đồng đã trở thành những chuyên gia hòa giải mâu thuẫn. Nhưng mặt khác của vấn đề là:

Một học sinh tặng cô giáo thiệp và hoa để thể hiện lòng biết ơn nhân Ngày Nhà giáo tại Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, ngày 10 tháng 9 năm 2018. Ảnh: VCG
- Lãng phí chuyên môn: Một giáo viên giỏi với 20 năm kinh nghiệm, sau khi chuyển sang làm công việc hành chính, các kỹ năng chuyên môn trở nên "mất giá" nghiêm trọng.
- Hiện tượng chảy máu chất xám hệ thống: Giáo viên giỏi dần rời khỏi bục giảng, khiến sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn lực giáo dục ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Khủng hoảng nhận diện bản thân: Sự hụt hẫng tâm lý từ giáo viên sang "nhân viên bình thường" - cú chuyển đổi không dễ để vượt qua về mặt tâm lý.
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu giáo dục Trung Quốc chỉ ra rằng: Thay vì nói giáo viên khao khát chuyển việc, đúng hơn là họ muốn kêu gọi sự trở lại của bản chất giáo dục. Bởi khi việc soạn bài trở thành màn trình diễn đối phó với kiểm tra, khi việc giáo dục con người bị biến thành cuộc đua điểm số và thành tích, thì lý tưởng nghề nghiệp cao quý đến đâu cũng sẽ bị bào mòn.
Lối thoát thực sự?
Để giải quyết vấn đề này, một trường trung học trọng điểm ở Trung Quốc đã thử nghiệm mô hình "Phòng thí nghiệm phát triển giáo viên". Bằng cách, chuyển các công việc hành chính cho đơn vị ngoài, thiết lập "hàng rào bảo vệ công việc giảng dạy", áp dụng cơ chế đánh giá linh hoạt. Những thử nghiệm này đem lại kết quả bất ngờ: Tỷ lệ giáo viên nghỉ việc giảm 40%, phản ánh tiêu cực từ học sinh và phụ huynh cũng giảm tới 65%:
- Bớt việc: Loại bỏ 60% công việc sổ sách - báo cáo không cần thiết.
- Xây dựng hàng rào bảo vệ giáo viên, để họ tập trung đúng vào giảng dạy, không làm việc vặt.
- Tạo không gian nghỉ ngơi cho giáo viên: Cho phép giáo dục được thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của áp lực kiểm tra và thành tích ngắn hạn.
Khi chúng ta bàn luận về việc giáo viên có nên chuyển công tác hay không, thực chất đang chất vấn lại hệ giá trị xã hội dành cho giáo dục. Điều giáo viên cần không phải là một cánh cửa để rời khỏi bục giảng, mà là một lối quay về với ý nghĩa thật sự của nghề giáo. Vì thứ khiến học sinh ánh lên niềm say mê, chính là ánh sáng trong đôi mắt của người thầy. Thay vì mơ mộng về "cuộc sống lý tưởng" sau khi rời nghề, thì hãy trả lại cho giáo dục một mảnh đất tinh khiết để nuôi dưỡng lý tưởng và đam mê - đó mới chính là "kế hoạch điều chuyển công tác" tốt nhất dành cho giáo viên.