Nguyên nhân vì đâu?

Ai cũng có một quê hương, một đất nước để tự hào. Ngôn ngữ là biểu tượng của đất nước. Vì thế, ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam phải được bảo tồn và phát huy. Vậy nhưng trên các công trình văn hóa, di tích, di sản, trên đường phố và các công trình hiện đại, biển hiệu quảng cáo ở các tuyến phố đông đúc, nhộn nhịp lại nhan nhản chữ nước ngoài. Nguyên nhân vì đâu?.

Dùng chữ “cổ” mới linh!

Tiếp cận với một trưởng dòng họ ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), được biết nhà thờ tổ của dòng tộc này mới được xây dựng cách đây 2 năm. Từ những bức hoành phi, câu đối, biển hiệu, tên nhà thờ… nhìn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài toàn chữ Hán. Ông trưởng họ, người trông nom quản lý nhà thờ này cho biết, việc dùng chữ Hán đã có từ bao đời nay, người đi trước truyền người đi sau cho nên cứ thế làm. Trong dòng họ hiện nay chỉ có một người đọc được chữ Hán cổ, giờ đã ngoài 90 tuổi. Hơn nữa, con cháu của dòng họ đến đây, không thấy ai hỏi xem đó là những chữ gì, hàm chứa nội dung gì cho nên… cứ làm như người trước truyền lại là được.

Người dân khó mà “dịch” được kiểu biển hiệu này. Ảnh: Bảo Thoa

Anh Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc một công ty xây dựng các công trình nhà thờ họ tộc ở Hà Nội thì cho biết: Công ty phải tư vấn cho gia chủ, từ thiết kế cho đến câu chữ, hoành phi, câu đối khắc lên công trình. Đa số những người đặt xây dựng công trình đều không biết chữ Hán, cho nên công ty đã chế sẵn những “bộ chữ Hán” bao gồm biển hiệu, hoành phi, câu đối mang nhiều ý nghĩa tâm linh, “phong thủy” khác nhau để tư vấn cho gia chủ lựa chọn. Khi chọn xong là cứ thế thi công.

Có lẽ chính vì việc “không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” kiểu chữ cổ này mà trên nhiều công trình, những chữ viết được khắc thiếu nét hoặc sai chữ khiến cho những người hiểu được tiếng Hán phải “giật mình”. Việc sai sót về Hán tự trên các bức hoành phi, câu đối không phải hiện tượng hiếm gặp. Theo phát hiện của ông Trần Văn Sinh, thành viên lớp thư pháp Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Hà Nội), bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” ở nhà Đại Bái đền Trung (Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng) thì chữ “Tổ” thừa một nét, và bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) thì treo nhầm vị trí.

Ông Sinh cho biết, toàn bộ các bức hoành phi ở Đền Hùng từ xưa hoàn toàn là chữ Hán, và được viết theo lối “chân thư”, tức là đòi hỏi sự chân thực, nghiêm cẩn cao độ. Viết sai như vậy là bất thành văn, vô cùng nguy hiểm. Sự việc này cũng đã được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ “sửa sai” sau đó.

Trao đổi với báo Lao động Thủ đô, Nhà nghiên cứu thư pháp Nguyễn Quang Thắng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, các văn tự nói chung ở các công trình, cơ sở thờ tự, ngoài ý nghĩa trang trí cho kiến trúc (theo truyền thống), thì chúng còn mang ý nghĩa tâm linh, người ta gọi là linh tự. Giống như người ta xin chữ đầu xuân ở Văn Miếu, nếu bỏ chữ Miếu - với tư cách là tôn giáo, tâm linh đi, thì chắc chẳng còn ai xin chữ ở đó cả.

Cùng quan điểm với Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng, Sư thầy Thích Nhân Tuấn – trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cũng đánh giá, việc sử dụng hoành phi, câu đối ở các cơ sở thờ tự hoành phi thường có 2 mục đích: Một là, dùng để trang trí kiến trúc nội thất; hai là mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, ca ngợi thần thánh tiên phật. Hiện nay, ở rất nhiều đình chùa, miếu mạo và các nhà thờ họ mới xây dựng vẫn dùng chữ Hán, nguyên nhân là do tập tính việc thờ cúng chuộng chữ Hán.

“Bây giờ thầy cúng nào dùng quốc ngữ là bị đánh giá hạng thấp vì người ta quan niệm biết chữ Nho mới giỏi. Vì vậy, dân gian quan niệm việc cúng tế phải dùng chữ Hán cổ mới linh. Bởi thế họ làm hoành phi câu đối bằng chữ Hán. Chỗ nào viết bằng chữ quốc ngữ thường bị đánh giá là… dốt chữ”, Sư thầy Thích Nhân Tuấn nói.

Biển hiệu tiếng nước ngoài, dùng cho “sang”

Chữ cổ quá thì đại đa số người dân không hiểu, còn hiện đại quá thì lại… phạm luật. Đó là những biển hiệu quảng cáo, logo, tên công trình hiện đại, các khu đô thị… nhan nhản tiếng Anh, Hàn, Nhật, Trung…

Luật Quảng cáo có quy định về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn ở mức báo động, nhất là việc lạm dụng tiếng nước ngoài - tạm gọi là "chữ Tây" - khi thể hiện nội dung biển hiệu kinh doanh. Những biểu hiện rời xa tiếng Việt, thiếu tôn trọng tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc này cần sớm có giải pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Tiếp cận với một cửa hàng trên phố Hàng Gà, chúng tôi gặp chị Đinh Thị Nhung, chủ shop quần áo Rudy. Khi được hỏi vì sao không đặt tên cửa hàng bằng tiếng Việt, chị Nhung nêu lý do rất đơn giản: “Vì tên tiếng Việt không sang, không hút khách. Khách hàng sẽ nghĩ rằng shop mình chỉ bán “hàng chợ” nên không có lợi. Vì thế để tên tiếng Anh”.

Nhưng khi được hỏi tên Rudy có ý nghĩa gì, có liên quan đến mặt hàng chị đang bán không thì chị Nhung lại tiếp tục trả lời một câu khá gây sốc: “À, Rudy là nick name của con gái mình, thích thì đặt thành tên cửa hàng thôi”. Còn bà Huỳnh Thị Liên, chủ một shop giày dép trên phố Huế cũng cho biết, đặt tên tiếng Anh cho “sang”, chứ khách đến mua giày dép toàn … người Việt, ít khi có khách nước ngoài.

Đối với những tên tuổi có thương hiệu quốc tế thì biển hiệu bằng tiếng nước ngoài đã đành (như Panasonic, Samsung, KFC,…), nhưng với những biển hiệu không rõ ngữ nghĩa như “Made in Vietnam” hoặc hàng loạt biển hiệu tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc... mà không hề có phần tiếng Việt thì chẳng khác nào “đánh đố” người đọc.Việc lạm dụng tiếng nước ngoài xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật và ý thức của người kinh doanh.

Chị Hoàng Kim Hoa, chủ một spa tại quận Ba Đình cho biết, khi đăng ký kinh doanh chị đã nắm quy định sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu. Tuy nhiên, khi làm biển hiệu, chị quyết định dùng tiếng Hàn cho thuận tiện vì cửa hàng hướng tới đối tượng khách Hàn Quốc lưu trú ở các khách sạn trong khu phố cổ. Khi nào bị cơ quan chức năng “thổi còi” thì sẽ.. chỉnh sửa lại cho đúng quy định.

Luật Quảng cáo có quy định về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn ở mức báo động, nhất là việc lạm dụng tiếng nước ngoài - tạm gọi là "chữ Tây" - khi thể hiện nội dung biển hiệu kinh doanh. Những biểu hiện rời xa tiếng Việt, thiếu tôn trọng tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc này cần sớm có giải pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Bảo Thoa – Phương Bùi

Kỳ cuối: Bảo tồn, nhưng đừng mất gốc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguyen-nhan-vi-dau-70308.html