Nguyễn Phan Linh Đan: 'Tôi không đam mê làm cho phim mình giống phim Hàn, Mỹ'

Nguyễn Phan Linh Đan là nữ quay phim, giám đốc hình ảnh phim (DOP) trẻ Việt Nam. 'Cô dâu hào môn' do Linh Đan làm DOP đang có doanh thu tốt tại rạp chiếu. Linh Đan cũng vừa quay xong phim Tết 'Bộ tứ báo thủ' của Trấn Thành. Cô cũng hoàn thành vai trò DOP của một bộ phim chiếu rạp tại Nepal.

Trước đó, Linh Đan là nữ quay phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt nhận giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2023, với bộ phim Cô gái từ quá khứ. Dự án điện ảnh Tấm ván phóng dao của Linh Đan cũng từng gây tiếng vang. Một cô gái nhỏ nhắn, hiền dịu, nói tiếng Việt giọng Hà Nội chuẩn, thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh, có khả năng gây bất ngờ cho những ai làm việc cùng.

Quay ngược thời gian, vì sao Linh Đan chọn nghệ thuật và nghề làm phim để theo đuổi?

Khi 5, 6 tuổi tôi đã giao tiếp với các nhà văn, nhà báo nước ngoài vì bà nội là dịch giả sách, nhà báo nên thường xuyên đón bạn bè khắp thế giới đến Hà Nội. Bố mẹ thấy con tự học được tiếng Anh khi còn nhỏ nên nghĩ kiểu gì chả giỏi nên gửi cả 3 chị em vào trường Pháp tại Hà Nội. Nhờ ngôi trường này tôi đã có nền tảng, hiểu biết về xã hội, nghệ thuật, triết học từ rất sớm. Trường dạy rất nhiều về các trường phái nghệ thuật trên thế giới, từ đó hướng mình đến tư duy nghệ thuật, xây dựng sự tò mò, đam mê.

Sau này, khi sang Mỹ học ngành phim tại Đại học New York, chính vì cách giáo dục Pháp mà tôi đã thừa hưởng nên mọi người bảo tôi không có lập trường. Khi viết bài luận, trường Pháp dạy mình phải nói đầy đủ các khía cạnh, góc độ, luôn nói đầy đủ các mặt đúng - sai của vấn đề, không có cái gì hoàn toàn đen hoặc trắng, không bao giờ có một câu trả lời đúng nhất định. Cách tư duy ở trường Pháp rất hay vì dạy mình không bao giờ có cách xử lý duy nhất cho một vấn đề. Điều đó cũng phù hợp với văn hóa và xã hội Việt Nam ngày nay.

Thật khó hình dung một nhà quay phim, giám đốc hình ảnh "yểu điệu" như Linh Đan khi ra trường quay sẽ như thế nào?

Tôi vẫn thế thôi. Nếu khác thì có thể ngoài trường quay, tôi lôi thôi hơn thôi. Từ nhỏ, sống ở Hà Nội, tôi đã được dạy rằng con gái phải nói nhỏ, không được la hét. Lớn lên, khi đi vào nghề này, mọi người lại bảo tôi sẽ không làm được vì nhỏ nhẹ quá. Tôi cảm thấy không việc gì phải thay đổi vì lên trường quay mọi người đều sử dụng bộ đàm. Tôi không cố thay đổi mình để đáp ứng với cách suy nghĩ của số đông, không cần gồng mình để ồn ào giống mọi người.

Nhiều người đã quen với hình ảnh một DOP bốn mấy ký cầm máy quay chuyên nghiệp nặng 20 ký!. Ảnh: CTV

Nhiều người đã quen với hình ảnh một DOP bốn mấy ký cầm máy quay chuyên nghiệp nặng 20 ký!. Ảnh: CTV

Là một DOP nữ rất trẻ, lại từ nước ngoài về, những khó khăn của Linh Đan trên trường quay ra sao?

Lúc mới về Việt Nam làm bộ phim đầu tiên vào năm 2019, dù đã tốt nghiệp đại học nhưng tôi vẫn nói tiếng Việt như một học sinh 17 tuổi vì khi sang Mỹ, tôi hoàn toàn không sử dụng tiếng Việt nữa. Nói chuyện với các anh trong đoàn phim, dù vị trí họ thấp hơn nhưng mình lại cứ nói chuyện như một học sinh nói với người lớn, như một người con trong gia đình. Đương nhiên mọi người không nghe, không làm.

Tôi không đổ lỗi cho ai cả và coi đó là dịp để nhìn lại, tìm ra cách làm việc hiệu quả hơn. Tôi không bao giờ la hét trên trường quay, luôn tìm cách nói để mọi người hiểu chứ không lớn tiếng. Cách mình tiếp cận với nghề này ở Việt Nam là chưa có tiền lệ, chưa có một người DOP nữ và còn ở độ tuổi của tôi.

Tôi tự mày mò tìm cách làm sao để mọi người làm đúng tiến độ công việc, đúng yêu cầu và tôn trọng mình. Nói chung cũng mất thời gian. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã ổn rồi. Nhiều người đã quen với hình ảnh một DOP bốn mấy ký cầm máy quay chuyên nghiệp nặng 20 ký!

Đâu là sự khác biệt của một DOP học từ Mỹ về và một DOP trưởng thành tại Việt Nam?

Tôi không dám so sánh nhưng rõ ràng, ngành này phải học qua kinh nghiệm. Nhiều điều học ở Mỹ không áp dụng được ở Việt Nam nên tôi gần như học lại từ đầu.

Như vậy có đáng để bạn phải đến New York để học về làm phim?

Trường học ở Mỹ dạy tôi cách tư duy. Đặc biệt là tôi học ở New York, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới. Nếu không có những năm ở New York, chắc tôi sẽ từ bỏ. Tôi đã học cách bị mọi người đối xử một cách phũ phàng. Trong trường, thầy giáo đã tập cho tôi làm quen với áp lực từ những việc rất nhỏ, chẳng hạn như việc thầy nói thẳng: “Những khi đến tháng, phụ nữ thường không kiểm soát được cảm xúc, liệu mày có thể kiểm soát công việc ở trường quay vào những ngày đó hay không?”.

Linh Đan sinh năm 1996 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại là nhà phê bình văn học Ngô Thảo, bà nội là dịch giả Phan Thanh Hảo, bố là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và mẹ là bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng giám đốc Công ty BHD. Linh Đan hoàn toàn có thể chọn một nghề liên quan đến nghệ thuật một cách nhẹ nhàng hơn, nhưng cô đã chọn một nghề nặng nhọc, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Đâu là cách Linh Đan tạo sự khác biệt trong những góc quay của các bộ phim mình làm DOP?

Tôi muốn xóa bỏ cảm giác mọi người xem phim phải để ý đến góc máy, các vấn đề kỹ thuật này kia. Mọi người xem phim chỉ cần tin vào câu chuyện, tin vào thế giới bộ phim tạo ra, cảm xúc với nhịp phim và quên đi các vấn đề khác. Lúc quay, tôi tập trung vào ánh sáng, cho ánh sáng vị trí quan trọng như góc máy vậy.

Mỗi bộ phim sẽ có một kịch bản quay khác nhau. Ví dụ như Cô dâu hào môn, là phim nội dung về lừa đảo, gia đình, hài thì góc máy sẽ là góc nhìn giữa con người với nhau, cách người giàu nhìn người nghèo và ngược lại. Giới nhà giàu thì màu sắc lạnh hơn, mọi thứ ngăn nắp hơn; nhà nghèo thì màu ấm hơn, mọi thứ lộn xộn hơn, bí hơn.

Bộ phim Việt Nam gần đây mà Linh Đan rất thích về mặt hình ảnh?

Đó là Tro tàn rực rỡ của DOP K’Linh. Chú là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, với những thứ không bao giờ học được ở trường. Kinh nghiệm và trải nghiệm sống trong xã hội Việt Nam khiến chú có những góc nhìn vô cùng thật.

Sự tươi mới, trẻ trung của một người học từ Mỹ về chắc chắn sẽ là thế mạnh khi giới trẻ Việt Nam ngày nay cũng rất thích phim Mỹ, Hàn?

Tôi thuộc tuýp hơi cũ, gu hơi hoài niệm, tôi hay tìm về những thứ đặc trưng của Việt Nam. Tôi bắt đầu cảm nhận mình cần có bản sắc riêng khi sang Mỹ, nghe tiếng Anh của mình tốt và các bạn không xác định được tôi đến từ đâu. Tôi không muốn bị nhìn như một người không có bản sắc. Tôi đặc biệt hơn vì tôi là người Việt Nam, có văn hóa Việt Nam. Tôi không đam mê làm cho phim mình giống phim Hàn, Mỹ. Tôi muốn kể câu chuyện của người Việt Nam, làm phim về người Việt Nam, có văn hóa của mình. Tôi muốn Việt Nam mình có màu sắc riêng, có bản sắc điện ảnh riêng, có hơi thở riêng. Và thật vui khi gần đây tôi biết có rất nhiều bạn trẻ muốn thể hiện bản sắc riêng của Việt Nam trong mọi sản phẩm của mình, không chỉ là điện ảnh.

Một khi hoàn toàn tự tin mình là người Việt thì sẽ không thấy tự ti, thiệt thòi gì khi ra nước ngoài. Nếu mình không có một bản sắc đủ mạnh, một sự tự tin văn hóa đủ lớn, mình sẽ bị ngại vì không thuộc về xã hội đó. Nếu không có sự liên kết với quê hương, rất dễ bị mất phương hướng khi ra nước ngoài.

Nguyễn Phan Linh Đan.

Nguyễn Phan Linh Đan.

Bạn có thể chia sẻ một chút về dự định nghề nghiệp lâu dài của mình?

Tôi vừa hoàn thành một phim chiếu rạp tại Nepal. Đây là phim độc lập, nghệ thuật, nói về các thế hệ phụ nữ khác nhau của Nepal. Phim này tôi làm vì đam mê là chính. Hai phim còn lại là Cô dâu hào môn của Vũ Ngọc Đãng và Bộ tứ báo thủ - phim Tết của Trấn Thành. Tôi mong muốn được làm việc ở nhiều thể loại phim khác nhau, phim thương mại giúp mình sống được với nghề, có thêm nhiều kinh nghiệm, phim nghệ thuật giúp mình có những bộ phim ý nghĩa, dù có thể phim ít người xem, hoặc không kiếm được tiền. Nếu các bạn trẻ làm phim ngắn, rủ rê tôi, tôi cũng tham gia.

Bố mẹ nói gì khi bạn làm DOP?

Khi thấy con gái biến mất vào những ngày đi quay phim hoặc khi về nhà chẳng còn hồn vía đâu thì bố mẹ cũng lo. Mới đây mẹ còn nói hay làm nghề khác đi. Lúc trước bố mẹ từng can ngăn nhưng rồi cũng nghĩ, thôi kệ, nó làm nghề này cực quá cũng sẽ chẳng theo lâu đâu. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn để tôi bước ra khỏi nghề này rồi. Chừng nào còn có câu chuyện muốn kể thì tôi vẫn còn làm phim.

Trâm Anh thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/toi-khong-dam-me-lam-cho-phim-minh-giong-phim-han-my-45951.html