Nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt: Hãy đầu tư cho thế hệ trẻ

ng Philipp Roesler, Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay là thế hệ trẻ năng động.

Xuất hiện tại Hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế với vai trò là tân Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ông Philipp Roesler đã bày tỏ quan điểm, Việt Nam đang có trong tay những điều kiện thuận lợi nhất để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Điểm mạnh cơ bản của Việt Nam là thế hệ trẻ. Các bạn hãy dành hết tiền của mình, cả tiền ngân sách và của xã hội, để đầu tư vào giới trẻ, cho họ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, với công nghệ thông tin…", ông Philip Roesler khuyến nghị.

Ông cũng nhấn mạnh vào thời điểm năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, khi Việt Nam hoàn tất hàng loạt các hiệp định thương mại mới với các đối tác lớn như EU, Đức, Liên minh Hải quan cũng như TPP.

"Hội nhập sâu rộng hơn sẽ tạo ra không gian phát triển tốt hơn, nhưng cũng đòi hỏi cạnh tranh quyết liệt hơn. Những thành công của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là một thành tựu, nhưng hội nhập bắt buộc chúng ta phải tốt hơn vì có nhiều đối thủ cạnh tranh ngoài kia", ông Philip Roesler phát biểu với các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại Hội thảo.

Có thể là một sự tình cờ, khi những khuyến nghị mà ông Philipp Roesler dành cho kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được đưa ra đúng vào thời điểm ồn ào xung quanh câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam đang bị xếp sau nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN. Thậm chí, TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ xấp xỉ Lào, cao hơn một chút so với Campuchia, Myanmar; tốc độ tăng năng suất lao động chỉ mức trung bình của khu vực. Năm 2013, nước ta có khoảng 53,7 triệu lao động, nhưng lao động qua đào tạo chỉ chiếm 18,4% (tăng 1% so với năm 2007).

Song phải thẳng thắn, ông Philipp Roesler đã nhìn thấy điều này chính từ vị trí không cao lắm của Việt Nam trong Báo cáo về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Năm 2014 -2015, Việt Nam chỉ đứng hạng 68/144 trên thế giới.

Đáng lo ngại, nhìn lại ở Việt Nam, hai vấn đề thể chế và sáng tạo vẫn đang còn yếu. Nhóm yếu tố về sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 87 thế giới. Chất lượng giáo dục rất quan trọng cho hai yếu tố này nhưng tương tự những năm trước đây, giáo dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam lại bị xếp hạng ở tận vị trí 96, cho dù nhóm về giáo dục và y tế cơ bản Việt Nam được đánh giá tương đối tốt, xếp hạng 61. Một điểm đáng lưu ý nữa là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam xếp hạng 99.

Điều đó nói lên phần nào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, cũng có nghĩa là năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ khó được cải thiện trong ngày một ngày hai.

"Không phải cần nhiều tiền, mà bắt đầu từ quyết tâm chính trị. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đối mặt và giải quyết những thách thức này", ông Phillipp đặt vấn đề.

Tuyết Ánh

Tuyết Ánh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguyen-pho-thu-tuong-duc-goc-viet-hay-dau-tu-cho-the-he-tre-d15647.html